Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 23/5/2012 13:44'(GMT+7)

Thảo luận về Bộ luật lao động sửa đổi: “Nóng” độ tuổi nghỉ hưu lao động nữ

Các nữ đại biểu vào hội trường. Ảnh: MH

Các nữ đại biểu vào hội trường. Ảnh: MH

 Có 7 vấn đề lớn và một số vấn đề khác đã được đề cập đến trong bản báo cáo. Về chính sách đối với lao động nữ và lao động đặc thù khác (từ Điều 155 đến Điều 187). Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết có hai loại ý kiến về vấn đề này. Ý kiến thức nhất tán thành như Dự thảo Bộ luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai cho rằng quy định này vừa bảo đảm quyền lợi của lao động nữ, vừa bảo đảm quyền lợi của trẻ em, bảo đảm công bằng giữa các nhóm lao động nữ có điều kiện làm việc, điều kiện sức khỏe khác nhau.

Ý kiến còn lại (chiếm phần đa số) đề nghị tăng thời gian nghỉ thai sản và quyền được hưởng chính sách thai sản cho tất cả các nhóm lao động nữ lên 6 tháng nhưng cho phép người lao động có quyền đi làm sau khi nghỉ đủ 4 tháng trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng vẫn được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội. Quy định này đảm bảo công bằng cho tất cả các đối tượng phụ nữ và tạo sự linh hoạt cho người lao động và người sử dụng lao động.

Các nữ đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: MH


Tại dự thảo lần này, Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn trình hai phương án quy định về thời gian nghỉ thai sản. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng xu hướng tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ là quy định tiến bộ, hướng đến mục tiêu là bảo vệ thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi. Trong điều kiện hiện nay, nếu thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng, theo tính toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội thì Quỹ bảo hiểm xã hội có thể cân đối được. Bên cạnh đó, phương án này bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện sống và các nhóm công việc khác nhau, đề cao quyền lựa chọn của lao động nữ để phù hợp với công việc, cuộc sống của mình và bảo đảm được hưởng đầy đủ chế độ thai sản.

Quốc hội đề nghị có “chế độ thai sản” với lao động nam

Vấn đề lớn nhất được dư luận quan tâm trong suốt gian dài đó là quy định nghỉ thai sản 6 tháng đối với lao động nữ đã đạt được sự đồng thuận cao. Trong phiên làm việc sáng nay, nhiều ý kiến của đại biểu đã bày tỏ sự đồng thuận cao độ. Đồng thời có đại biểu còn đưa ra quan điểm cần có chế độ đối với lao động nam khi vợ sinh con

UBTVQH cũng tán thành phương án này trong tờ giải trình. Mặc dù, dự thảo hiện tại vẫn đề ra hai phương án cho chế độ nghỉ thai sản đối với lao động nữ. Theo đó, phương án thứ nhất là lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Phương án 2 là lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường được nghỉ trước và sau khi sinh con là 5 tháng. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm theo chế độ ba ca, làm việc thường xuyên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc ít người thuộc danh mục do Chính phủ quy định, lao động nữ là người khuyết tật được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng.

Đa số các ý kiến đều cho rằng nên áp dụng chế độ nghỉ 6 tháng đối với tất cả các lao động nữ. Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) nhận định: “Phương án này vừa đảm bảo quyền lợi của lao động nữ, quyền lợi trẻ em, và bình đẳng với các nước khác.” Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng ủng hộ với lý do chế độ nghỉ như vậy sẽ “Đảm bảo sức khỏe người mẹ, sự trưởng thành của người con”. Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng quy định đó thể hiện tầm nhìn của nhà làm luật đối với thế hệ sau. “Đây là giải pháp giảm tỉ lệ sinh dinh dưỡng, thiếu cân, nó thể hiện tầm nhìn đối với thế hệ sau.”, ông nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) chia sẻ: Tôi nghĩ quy định như phương án 1 là hợp lý. Vì thực tế trước đây chị em đã được nghỉ 6 tháng rồi. Và thực tế là ở các cơ quan, phụ nữ sau khi sinh hầu hết đều xin nghỉ thêm. Việc cho nghỉ thêm cũng là để tiết kiệm kinh tế, khi các bà mẹ có thể tự nuôi con bằng sữa mẹ, mà không phải mua sữa ngoài. Thêm nữa, trong cuộc đời người phụ nữ, mỗi lần vượt cạn là một lần rất mệt mỏi, nguy hiểm, nên tôi nghĩ thời gian đó rất xứng đáng.”

Không chỉ tán thành chế độ nghỉ 6 tháng đối với lao động nữ khi sinh con, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa còn thay mặt Hội Phụ nữ Việt Nam, cũng đề nghị QH xem xét về việc có chế độ với phụ nữ nông dân, những người không hề được hưởng chế độ thai sản nào khi sinh con.

Cùng ý kiến này còn có ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình). Ông cho rằng “Phần lớn lao động tự do không có trợ cấp khi sinh con. Do đó đề nghị QH nghiên cứu để có chế độ trợ cấp cho đối tượng này.

Liên quan đến chế độ thai sản của lao động nữ, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng quy định như vậy vẫn chưa đảm bảo được quyền lợi của lao động nữ khi sinh con. Bà nói: “Tôi nghĩ cần phải quy định đối với đơn vị sử dụng lao động. Quy định đối với gia đình. Ví như khi người lao động nghỉ thai sản xong mà mất việc, mất vị trí thì xử lý thế nào? Gia đình không ủng hộ thì thế nào? Hay cơ quan bảo hiểm không thực hiện trách nhiệm…”

Đại biểu Ngô Thị Minh còn đưa ra ý kiến có chế độ đối với lao động nam khi vợ sinh con: “Nhiều nước, họ còn có chế độ đối với người lao động Nam khi sinh con. Tôi nghĩ chúng ta cũng nên có quy định này để giúp đỡ người phụ nữ”.

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị bổ sung thêm quy định trong thời gian thai sản mà người mẹ bị chết, thì nên có chế độ đối với người bố, để đảm bảo quyền lợi của đứa trẻ.

Đại biểu quốc hội cũng đã đề nghị tăng thời gian nghỉ cho người lao động khi có việc riêng. Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) đề nghị tăng lên 2 ngày khi lao động có cưới con. Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị bổ sung điều kiện người lao động được nghỉ một ngày khi anh chị em ruột chết.

Đưa thời hạn tăng lương sớm và lùi thời gian về hưu cho lao động nữ

Vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều trong phiên họp sáng nay là độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ. Có quan điểm cho rằng việc quy định độ tuổi nghỉ hưu của nữ thấp hơn của nam là một sự ưu ái đối với nữ giới. Nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng đó là một sự thiệt thòi cho lao động nữ. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) phát biểu: “Về thời gian nghỉ hưu, nếu để nghỉ sớm, rất lãng phí. Ví như các bác sỹ, nếu chỉ 55 tuổi mà nghỉ thì phí. Và cần xem lại về sự bình đẳng đối với nữ. Nữ nghỉ trước nam, cũng mất hai bậc lương. Trong khi đó hai bậc cuối là cao. Nhiều người nghỉ hưu lại phải đi làm thêm để đủ chi tiêu”.

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng cần sửa đổi vài quy định khiến gây mất bình đẳng. Dẫn ra các ví dụ này, bà nói: “Việc tuyển dụng, quy hoạch thì quy định độ tuổi nữ lại thấp hơn, trong khi nữ cần thời gian để nuôi con. Như vậy cơ hội thăng tiến của họ cũng thấp hơn.” Nếu giữ nguyên độ tuổi về hưu như vậy, nên quy định nam 3 năm, và nữ là 2,5 năm được tăng một bậc lương có như thế, mới đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ– bà cho biết. “Về lâu dài, chính phủ nên nghiên cứu kỹ về công ước về độ tuổi về hưu bằng nhau. ” đại biểu Minh đề nghị.

Trong phiên họp chiều nay, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu sẽ trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi. sau đó là phần thảo luận tại hội trường. Tiếp đó, trong phiên làm việc riêng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An./.

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất