Sáng 7/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu tập trung thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Sáng 7/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về một số dự án Luật, dự thảo Nghị quyết dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, các đại biểu tập trung thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) để các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến. Đó là những nội dung về thanh tra huyện; việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; Thanh tra sở; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán.
Tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng việc giữ mô hình thanh tra cấp huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra hành chính như hiện hành là cần thiết; đồng thời đề nghị Chính phủ sớm có những giải pháp đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của thanh tra cấp huyện; kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm điều kiện để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của thanh tra cấp huyện góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao việc nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật đưa ra thảo luận lần này đã có bước tiến lớn, cơ bản tiếp thu đầy đủ và giải trình xác đáng các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.
Về hoạt động thanh tra chuyên ngành theo quy định dự thảo Luật, cơ quan thanh tra chuyên ngành đều là cơ quan thanh tra Nhà nước có thanh tra viên, đồng thời sẽ không còn cơ quan thanh tra chuyên ngành tại các chi cục thuộc Sở. Hoạt động thanh tra chuyên ngành tại địa phương trước đây được thể hiện bởi các chi cục này sẽ được tổ chức thực hiện bởi Thanh tra cấp tỉnh, các Sở. Điều này góp phần bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác thanh tra chuyên ngành.
Tuy nhiên, các nội dung quy định về hoạt động Thanh tra tại chương IV dự thảo Luật phù hợp với Thanh tra hành chính, chưa thực sự phù hợp với đặc thù của thanh tra chuyên ngành là một nội dung nhưng nhiều đối tượng thanh tra, thời hạn thanh tra ngắn. Từ đó đại biểu đề nghị cần phân định rạch ròi phạm vi hoạt động, đối tượng, trình tự, thủ tục giữa Thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong chủ động thực hiện công tác thanh tra.
Đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định về thanh tra chuyên ngành, thành phần Đoàn thanh tra chuyên ngành tổ chức hoạt động thanh tra chuyên ngành cho phù hợp hơn.
Đại biểu Trần Đình Gia, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh nhất trí việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra cấp hành chính, trong đó thanh tra huyện như hiện hành; đồng thời chuyển thanh tra một số sở hiện tại về thanh tra tỉnh để thành lập phòng thanh tra chuyên ngành, quy định thành lập thanh tra sở tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp.
Riêng đối với thanh tra sở, theo đại biểu Trần Đình Gia, chỉ những sở đặc biệt mới thành lập cơ quan thanh tra. Hiện nay tất cả những vướng mắc, chồng chéo và gây phiền hà ở cơ sở chủ yếu là nội dung này, bởi tất cả các sở đều có cơ quan thanh tra, nên thực tế có những cơ quan phải tiếp thanh tra chuyên ngành của Sở Giáo dục, thanh tra Sở Tài chính, thanh tra của Sở Nội vụ. Như vậy, có những năm các đơn vị liên tục đón các đoàn thanh tra.
Đại biểu Trần Đình Gia cho rằng cần phân cấp nhiều hơn cho cơ quan thanh tra cấp huyện, sau khi luật có hiệu lực cần sớm hướng dẫn để tổ chức bộ máy và điều kiện đảm bảo để thanh tra cấp huyện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình…
Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở như tên gọi, bố cục và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; về việc cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng trong dự thảo Luật; Cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thảo luận về dự thảo luật này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh bày tỏ đồng tình và thống nhất cao với việc tiếp thu giải trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của cơ quan thẩm tra. Dự thảo Luật cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, kết luận nhiều nội dung, vấn đề lớn quan trọng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị là bổ sung nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai về kết quả tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với người đứng đầu chính quyền địa phương định kỳ hằng năm để nhân dân biết và giám sát. Việc quy định một hoặc một số hình thức công khai mang tính bắt buộc để đảm bảo người dân có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và thuận tiện, dễ dàng là cần thiết. Việc quy định rõ nội dung công khai, hình thức công khai sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc cung cấp thông tin đến nhân dân. Đây cũng là căn cứ để nhân dân thực hiện thực hiện quyền giám sát của mình.
Về Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng việc luật hóa Ban Giám sát đầu tư cộng đồng sẽ góp phần phát huy hiệu quả hoạt động của thiết chế này hơn. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm đến tính tương đồng về chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng để tránh trùng lắp; đồng thời rà soát, sắp xếp lại về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức hoạt động, tránh cộng dồn hay là ghép cơ học vào dự án Luật.
Cũng về nội dung này, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng hiện nay, dự thảo Luật đang gắn thiết chế của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư tại cộng đồng với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc. Tuy nhiên, Hội đồng Nhân dân là một trong những chế định rất quan trọng của địa phương nhưng sự gắn bó, gắn kết của hai chế định này đối với hoạt động Hội đồng nhân dân chưa được thể hiện. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các quy định, gắn hoạt động của hai chế định này đối với hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân…
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết với tinh thần làm việc rất khẩn trương, thảo luận sôi nổi trong buổi sáng 7/9, có 12 đại biểu Quốc hội phát biểu đối với dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi), còn 7 đại biểu đăng ký nhưng chưa phát biểu do hết thời gian. Đối với Luật thực hiện dân chủ cơ sở có 14 đại biểu đăng ký phát biểu, 14 đại biểu phát biểu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các vị đại biểu Quốc hội chưa được phát biểu và các vị đại biểu khác nếu có ý kiến gửi ý kiến bằng văn bản đến Ủy ban Pháp luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội để tiếp thu trong quá trình hoàn thiện hai dự thảo luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định các ý kiến phát biểu của các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung chính của Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và hai dự thảo luật đã được chỉnh lý; đồng thời, tham gia thêm nhiều ý kiến sâu sắc, cụ thể, trí tuệ, trách nhiệm cao, góp ý nhiều nội dung cụ thể, quan trọng với mong muốn tiếp tục hoàn thiện hai dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với hai cơ quan chủ trì soạn thảo là Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ cùng các cơ quan có liên quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách và các ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội đã gửi về Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tiếp thu, xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý gửi các đại biểu Quốc hội.
Cùng với đó tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại Kỳ họp thứ 3, các ý kiến phát biểu tại hội nghị này và các ý kiến tham gia bằng văn bản của các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh hai dự án luật, gửi hồ sơ dự án luật; xin ý kiến chính thức của Chính phủ trước khi báo cáo Quốc hội, trên cơ sở đó hoàn chỉnh thảo luận các báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh với tinh thần khẩn trương, các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh toàn bộ tài liệu gửi đại biểu Quốc hội ít nhất trước 20 ngày so với ngày khai mạc Kỳ họp thứ 4, theo đúng nội quy kỳ họp Quốc hội./.
Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)