Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 4/3/2019 8:18'(GMT+7)

Tháo ngòi nổ khủng hoảng giữa Ấn Độ và Pakistan

Xác chiếc máy bay của Ấn Độ bị không quân Pakistan bắn rơi ngày 27/2, nguyên nhân dẫn tới xung đột leo thang giữa hai nước. (Ảnh: AFP)

Xác chiếc máy bay của Ấn Độ bị không quân Pakistan bắn rơi ngày 27/2, nguyên nhân dẫn tới xung đột leo thang giữa hai nước. (Ảnh: AFP)

Dù Pakistan đã có động thái xuống thang bằng việc phóng thích một phi công của không quân Ấn Độ mà Pakistan bắt giữ ngày 27/2, song cộng đồng quốc tế vẫn lo ngại “thùng thuốc súng” ở hai quốc gia Nam Á này phát nổ nếu không kiềm chế được xung đột.

“THÙNG THUỐC SÚNG" NGUY HIỂM

Sau khi Pakistan tách ra khỏi Ấn Độ vào năm 1947, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đã thường xuyên trong trạng thái “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Ấn Độ và Pakistan đã 3 lần chiến tranh ở khu vực tranh chấp Kashmir kể từ năm 1947, trong đó cuộc xung đột gần đây nhất vào năm 1999 với thương vong lên tới hàng ngàn người và vô số vụ đụng độ nhỏ lẻ ngang qua Đường kiểm soát (LOC) ở khu vực tranh chấp Kashmir.  

Sau nhiều lần đụng độ ở khu vực tranh chấp Kashmir, cả hai nước đã mở rộng và nâng cấp năng lực quân sự của mình. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), sau hàng thập niên tích cực xây dựng quân đội, Ấn Độ đã vượt Pakistan về mặt số lượng máy bay chiến đấu, binh sĩ, xe tăng và trực thăng quân sự. Ấn Độ cũng chi 64 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng, vượt xa Pakistan (11 tỷ USD) trong lĩnh vực này.

Một khía cạnh mà Ấn Độ và Pakistan ngang hàng là vũ khí hạt nhân. Các con số của SIPRI năm 2018 cho thấy, trong khi Ấn Độ sở hữu khoảng 130-140 đầu đạn hạt nhân, thì Pakistan cũng có tới 140-150 đầu đạn hạt nhân. Nếu như Pakistan đang phát triển tên lửa hành trình phóng từ biển và hiện sở hữu vũ khí hạt nhân tầm xa có thể vươn tới quần đảo Andaman của Ấn Độ, thì năm 2018, Ấn Độ đã đưa vào sử dụng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, đồng nghĩa với việc nước này đã có đủ “bộ ba hạt nhân”, có khả năng tiến hành tấn công từ mặt đất, trên không và trên biển.

Do vậy, nếu đôi bên không kiềm chế được xung đột, “thùng thuốc súng” ở hai quốc gia Nam Á này phát nổ sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đây là điều khiến cộng đồng quốc tế rất lo ngại.

NGOẠI GIAO TUYẾN PHÒNG THỦ ĐẦU TIÊN

Trong hơn 20 năm qua, khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan đã chứng kiến nhiều vụ xung đột nhỏ nhưng sau đó đã sớm được giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên, xung đột giữa New Delhi và Islamabad vào cuối tháng 2 vừa qua được cho là lớn nhất kể từ năm 1999. Căng thẳng giữa hai nước xuất phát từ vụ đánh bom đẫm máu ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát ngày 14-2 làm ít nhất 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Xung đột leo thang khi hai bên có một loạt hành động quân sự trả đũa lẫn nhau như Ấn Độ không kích trại huấn luyện của nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad (JeM) ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, chặn các máy bay chiến đấu của Pakistan vi phạm không phận và buộc các máy bay này phải quay đầu. Đáp lại, không quân Pakistan tấn công các cơ sở quân sự của Ấn Độ, bắn rơi hai máy bay và bắt giữ một phi công. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã lập tức yêu cầu Islamabad bảo đảm an toàn và trao trả viên phi công này. Pakistan sau đó đã đóng cửa không phận, gây xáo trộn hàng nghìn chuyến bay trên thế giới trong hai ngày liền.

Trước lời kêu gọi kiềm chế và tránh leo thang căng thẳng của cộng đồng quốc tế, ngày 1/3, Pakistan đã có "cử chỉ hòa bình" như mở cửa lại không phận và trao trả cho Ấn Độ phi công bị các lực lượng nước này bắt giữ. Nhờ vậy, ngòi nổ khủng hoảng đã được giải quyết.

Chia sẻ quan điểm của mình sau khi hóa giải “ngòi nổ” căng thẳng giữa hai nước, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi cho rằng, để không kích nổ "thùng thuốc súng", điều trước tiên là các bên liên quan phải giải quyết thông qua các kênh ngoại giao và đối thoại. “Ngoại giao nên là tuyến phòng thủ đầu tiên thay vì sử dụng quân sự”, Ngoại trưởng Shah Mahmood Qureshi nhấn mạnh.

Về phần mình, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh khẳng định, New Delhi sẵn sàng hỗ trợ Pakistan đối phó với mối đe dọa khủng bố trên lãnh thổ quốc gia láng giềng này. Theo Bộ trưởng Rajnath Singh, không chỉ Ấn Độ, nhiều nước khác cũng phải đối mặt với vấn đề khủng bố, nhưng điều đó sẽ không kéo dài mãi. “Hoặc Pakistan sẽ phải tự diệt trừ khủng bố trên lãnh thổ của mình, hoặc các cơ sở khủng bố sẽ bị xóa sổ khỏi Pakistan và không lực lượng nào có thể ngăn chặn điều này”, người đứng đầu Bộ Nội vụ Ấn Độ nhấn mạnh./.

Bình Nguyên (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất