Thế nhưng thời gian qua vẫn có một số tập thể, cá nhân vi phạm, coi thường kỷ cương phép nước và đã bị xử lý. Có thể rút ra điều gì từ những trường hợp này?

Dư luận hoan nghênh việc xử lý nghiêm để làm gương

Gần đây có ba vụ việc vi phạm điển hình được báo chí, công luận phản ánh, gồm: Ngày 26-2, 7 lãnh đạo và công chức Kho bạc Nhà nước TP Nam Định đi lễ tại đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định). Ngay sau khi báo chí phản ánh, Kho bạc Nhà nước đã ban hành văn bản đình chỉ công tác ngay đối với các trường hợp vi phạm; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý về mặt chính quyền. Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp để xử lý kỷ luật về mặt Đảng đối với các đơn vị, cá nhân có vi phạm.

Tiếp đó xảy ra vụ việc một số cán bộ, công nhân viên Điện lực Bình Lục (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) cũng bất chấp quy định, đi lễ đền Trần tại Nam Định trong giờ hành chính. Công ty Điện lực Hà Nam kịp thời ra quyết định kỷ luật khiển trách, miễn nhiệm chức vụ công tác với ông Nguyễn Hữu Nghị, Giám đốc Điện lực Bình Lục. Công ty Điện lực Hà Nam cũng ra quyết định kỷ luật khiển trách hai Phó giám đốc Điện lực Bình Lục, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Trưởng phòng Kinh doanh, Đội trưởng Đội Quản lý tổng hợp hạ thế Bồ Đề.

Tại TP Hà Nội, Hiệu trưởng Trần Thị Yến và Phó hiệu trưởng Lê Thị Hiền, Trường THCS Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ cũng bị phản ánh đi lễ đền Bà Chúa Kho trong giờ hành chính. Sau đó, ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, cho biết: Hiện địa phương đã thành lập hội đồng kỷ luật để xác minh, xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Có thể nói, việc xử lý các trường hợp vi phạm như vậy là hết sức nghiêm túc, kịp thời, được dư luận hoan nghênh. Theo anh Trương Văn Thành, phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội): Việc cán bộ, công chức đi lễ chùa trong giờ hành chính là không chấp nhận được. Các địa phương đưa ra hình thức kỷ luật như vậy dư luận rất đồng tình. Nhân dân mong rằng các cơ quan, đơn vị luôn giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính để bộ máy hành chính thực sự có hiệu quả, giúp ích người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: "Việc xử lý các trường hợp vi phạm ở địa phương vừa qua là rất kịp thời và chính xác. Vẫn biết đi lễ chùa là yếu tố tâm linh, nhưng đã có quy định thì phải thực hiện nghiêm. Các cơ quan, đơn vị cần quyết liệt hơn nữa để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính".

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Cán bộ, công chức đi lễ chùa trong giờ hành chính là vi phạm nghiêm trọng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc triển khai các nhiệm vụ được giao. Bộ Tài chính đã có công điện gửi các đơn vị trong toàn hệ thống quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước; nghiêm cấm công chức đi lễ chùa trong giờ hành chính...

Giữ nghiêm kỷ cương phép nước, nâng cao năng suất lao động

Nhìn nhận việc công chức đi lễ chùa sai quy định ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: Ý thức tổ chức kỷ luật kém là nguyên nhân khiến năng suất lao động kém. Năng suất lao động thấp có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số đó là giá trị tạo ra từ hành chính công thấp, bởi ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, công chức còn kém. Thực trạng này đã tồn tại lâu nay. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta vừa thừa, vừa thiếu. Người làm được việc thì ít, thừa nhiều người không làm được việc. 

Hiện nay, Đảng, Nhà nước và các cơ quan, đơn vị ngày càng siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, ý thức trách nhiệm trong hoạt động công vụ, khắc phục sự trì trệ, kém hiệu quả trong hoạt động của hệ thống chính trị. Để không còn tái diễn tình trạng đi lễ chùa nói riêng, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật trong lao động nói chung thì phải đưa việc này thành nền nếp, không chỉ chú trọng xử lý mỗi dịp lễ hội.

Trước những sự việc trên, dư luận cho rằng, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải duy trì nghiêm kỷ luật, nền nếp, nội quy công tác, quản lý giờ giấc. Có quy định chặt chẽ, chế tài xử phạt những người vi phạm. Ngoài ra, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật, như: Quản lý việc ra vào đơn vị, duy trì kế hoạch công tác... Cùng với đó, cũng cần quan tâm và có chính sách, biện pháp giải quyết nhu cầu du xuân, tín ngưỡng cho cán bộ, công chức một cách thỏa đáng vào ngày nghỉ, giờ nghỉ, không để ảnh hưởng đến công việc.

HOÀNG NHƯỠNG/QĐND