Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Thứ Năm, 1/3/2018 14:30'(GMT+7)

Quản lý xã hội và đô thị hóa ở Việt Nam

1. Thực trạng đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay

Đô thị hóa là quá trình phát triển tất yếu của mọi quốc gia và là tiến trình gắn liền với sự phát triển kinh tế. Đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế đang góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa ở Việt Nam, thể hiện ở sự gia tăng số lượng và quy mô các điểm dân cư các đô thị; gia tăng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu đô thị mới; gia tăng tỷ lệ dân đô thị. Tỷ lệ dân số đô thị Việt Nam từ 27,4% (1990) đã tăng lên 27,9% (2008), 29,6% (2009), và khoảng 35% năm 2016. Theo Chiến lược phát triển đô thị Việt nam, đến năm 2025, gần một nửa (45%) dân số nước ta sẽ sống ở các vùng đô thị; gia tăng các dòng di cư nông thôn - đô thị, bao gồm di cư có tổ chức của các ngành; di cư lao động trẻ từ nông thôn tới các khu đô thị, khu chế xuất; di cư tự do tới các đô thị lớn làm trong khu vực dịch vụ và không chính thức, do quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH tạo ra nhiều việc làm ở khu vực đô thị.

Tuy nhiên, việc quản lý quá trình ĐTH và phát triển đô thị ở nước ta thời gian qua còn nhiều hạn chế, yếu kém như: không theo kịp tốc độ CNH, tăng trưởng kinh tế nhanh (về lượng); chất lượng ĐTH chuyển đổi chậm so với kỳ vọng và thế giới (chậm chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu xã hội); ĐTH thiên về chiều rộng, quá tải và phát triển không đều theo lãnh thổ; sử dụng tài nguyên đất đai lãng phí, không hiệu quả; thiên nhiều về kinh tế, kỹ thuật; bị chi phối mạnh bởi cơ chế thị trường, đặc biệt thị trường bất động sản; Cơ chế chính sách quản lý còn nhiều bất cập.

Nhìn chung, ĐTH ở Việt Nam hiện nay đang phát triển theo bề rộng, khó kiểm soát và không bền vững trên tất cả các phương diện. Sức ép của tăng trưởng kinh tế đã dẫn đến sự tập trung các nguồn lực phát triển vào các vùng kinh tế trọng điểm, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ ở các đô thị lớn.Điều này góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm với thu nhập cao cho nhóm lao động ở các lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao mức sống ở đô thị. Tuy nhiên làm giãn rộng khoảng cách bất bình đẳng giữa các vùng, giữa nông thôn và thành thị, các khu vực kinh tế. Mặt khác, quá trình đô thị hóa diễn ra theo bề rộng đã không quan tâm thích đáng đến các khía cạnh môi trường, văn hóa, xã hội. Tình trạng giảm sút chất lượng sống và những vấn đề khác như cơ sở hạ tầng yếu kém, phân tầng xã hội và tệ nạn xã hội... gia tăng.

Vấn đề sử dụng đất(phần lớn là đất nông nghiệp) khi thực hiện ĐTH hiện đang là mặt trái của quá trình này. Một bộ phận không nhỏ nông dân ngoại thành bị mất đất canh tác phải chuyển đổi nghề nghiệp. Trong khi đó, để thu hút đầu tư, các địa phương ồ ạt mở khu công nghiệp mà phần lớn là lấy đất nông nghiệp. Đất mới chuyển đổi này lại bị sử dụng lãng phí do thiếu quy hoạch đồng bộ, tỷ lệ lấp đầy nhiều khu công nghiệp rất thấp, gây lãng phí lớn.

Theo các chuyên gia của WTO, ĐTH đang phát triển trên 3 chiều cạnh: cơ sở hạ tầng, môi trường và tài chính đô thị, tức là chỉ tập trung vào các khía cạnh vật chất của cuộc sống thông qua cơ chế thị trường. Phát triển đô thị như vậy đã xem nhẹ tầm quan trọng của các quan hệ xã hội và yếu tố văn hóa trong đời sống. Sự phát triển xã hội và con người chưa được coi trọng, đặc biệt đối với các nhóm yếu thế và bị tác động của các dự án phát triển đô thị. Số phận của hàng vạn nông dân đang bị mất đất đai và sinh kế trong quá trình ĐTH hiện nay là một minh chứng điển hình. Do vậy, để đảm bảo ĐTH và phát triển đô thị bền vững về mặt xã hội, cần bổ sung chiều cạnh phát triển xã hội và phát triển con ngườitrong các chương trình, dự án phát triển đô thị.

Quá trình tăng trưởng đô thị nhanh trong những năm qua không giúp nâng cao chất lượng sống của người dân một cách tương xứng.Môi trường ô nhiễm, giao thông tắc nghẽn, ngập úng, nước sạch không đủ cho đa số dân cư thành thị, các vấn đề về dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng trầm trọng, sự suy giảm khả năng tiếp cận công bằng về giáo dục và y tế, sự phát triển nhà ở đô thị không dành cho người nghèo... Sự yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị - biểu hiện điển hình của tình trạng đô thị hóa quá tải, dù đã được báo động từ lâu và tốn kém nhiều tiền của nhưng vẫn không được khắc phục, làm giảm chất lượng sống của người dân đô thị.

Đời sống văn hóa, xã hội, cộng đồng có vai trò đặc biệt quan trọng trong các không gian đô thị. Vì vậy, cần kết nối những mặt vật chất của phát triển đô thị với đời sống văn hóa, xã hội, cộng đồng trong các không gian công cộng và cộng đồng, hình thành những không gian đô thị mở. Tuy nhiên, trong các chính sách phát triển đô thị hiện nay, vấn đề này đang bị quên lãng, coi nhẹ.

Việc xảy ra nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến vấn đề sử dụng đất, di dời và tái định cư tại các đô thị hiện nay cho thấy sự can thiệp của các nhóm lợi ích đến những dự án phát triển đô thị và lợi ích cộng đồng. Do vậy, rất cần có sự quản lý chặt chẽ và sự điều chỉnh thích hợp về chính sách.

Thực trạng một số khía cạnh xã hội, môi trường, quản lý đô thị trong quá trình ĐTH hiện nay cho thấy tính cấp bách phải điều chỉnh lại các thể chế, trong đó then chốt là quy hoạch và quản lý đô thị, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước và sự tham gia của cộng đồng để tạo dựng môi trường sống tốt và phát triển đô thị bền vững.

2. Tăng cường quản lý xã hội trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị

Trên quy mô quốc gia, quản lý phát triển xã hội bền vững là giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, phát triển con người, phát triển ĐTH theo chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng sống ở đô thị về mức sống vật chất, môi trường tự nhiên sinh thái, đời sống văn hóa, tinh thần; quan hệ cộng đồng xã hội, lối sống lành mạnh phù hợp cho mọi nhóm xã hội. Trong đó, vai trò quan trọng thuộc về lĩnh vực quản lý xã hội, với những công cụ đặc thù trong lĩnh vực ĐTH và phát triển đô thị. Để làm được điều này, lĩnh vực ĐTH và phát triển đô thị cần bảo đảm sự ổn định và đoàn kết xã hội và các cộng đồng. Trong quan hệ con người - môi trường đô thị cần cải thiện điều kiện sống của nhóm người nghèo đô thị, người nhập cư, yếu thế, bảo đảm cho họ được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong quan hệ xã hội giữa các nhóm, giai tầng trong đô thị cần thực hiện công bằng xã hội và khắc phục các bất bình đẳng xã hội, đặc biệt chú ý tới các nhóm xã hội nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Song hành với đó cần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đô thị Việt Nam. Huy động và thể chế hóa sự tham gia của người dân và cộng đồng vào quá trình xây dựng và quản lý đô thị, phản biện xã hội. Tạo dựng nhiều không gian công cộng để hình thành và phát triển các hoạt động mang tính xã hội và nhân văn, văn hóa cộng đồng đô thị.

Phát triển bền vững ĐTH cần chú ý đến những thành phần trọng yếu giúp tăng trưởng kinh tế hài hòa với các yếu tố văn hóa, xã hội và cộng đồng. Có thể tham khảo mô hình thành phố sống tốt với các thành phần trọng yếu chỉ thiên về kinh tế hoặc bao gồm cả yếu tố văn hóa, xã hội dưới đây:

ĐTH còn cần phải gắn với cư dân đô thị, những người vừa tham gia các hoạt động xã hội đô thị nhưng cũng vừa là người tiêu dùng các sản phẩm của đô thị hóa, chứ không chỉ nhìn vào sự phát triển cơ sở hạ tầng, các dịch vụ môi trường và tài chính. Những thành tố này rất quan trọng, song trong quản lý xã hội hiện nay thường bỏ qua hoặc xem nhẹ. Do đó, nhiều yếu tố về văn hóa, xã hội thường đến “sau” sự phát triển kinh tế của đô thị. Hậu quả của lối tư duy này là những không gian đô thị, như: quảng trường, công viên công cộng, chợ dân sinh/chợ truyền thống, đường phố, vỉa hè,... hầu như không được ưu tiên hoặc không được cân nhắc trong quy hoạch phát triển đô thị. Vì thế, các thành phố hiện nay đang mất đi những không gian công cộng và không gian cộng đồng.

Ý tưởng về đời sống văn hóa, xã hội, cộng đồng cũng là một chiều cạnh quan trọng khác về cuộc sống đô thị. Đó là vai trò của các tổ chức tự nguyện, tự quản, không lệ thuộc vào khu vực nhà nước và tư nhân. Nó cũng có một mối quan hệ chặt chẽ với việc thực hiện các ý tưởng về đời sống văn hóa, xã hội, cộng đồng tại các khu đô thị cũ và mới trong quá trình ĐTH.

Để quản lý xã hội trong lĩnh vực ĐTH và phát triển đô thị ở Việt Nam, nên vận dụng mô hình “thành phố sống tốt” theo hướng bền vững nói trên.

Về mặt thể chế, quy hoạch đô thị và quản lý đô thị là hai công cụ, chìa khóa quan trọng để thực hiện thành công công cuộc ĐTH. Tuy nhiên, hiện nay, cả 2 công cụ này đều đang đối mặt với những thách thức lớn, như: Những lực lượng thị trường tự phát trong ĐTH và phát triển đô thị, đặc biệt trong lĩnh vực thị trường bất động sản ở các đô thị lớn. Kinh nghiệm, kỹ năng của lực lượng chuyên môn và chức năng còn nhiều hạn chế. Hệ thống cơ chế và bộ máy vận hành trong ĐTH và phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Còn tồn tại nhiều “di sản” của các thời kỳ phát triển trước để lại không phù hợp với phát triển đô thị hóa bền vững.

Những thách thức này không chỉ làm giảm tốc độ, quy mô đô thị hóa, mà còn ảnh hưởng đến tài chính, các nguồn lực khác và gây cản trở nhiều hơn trong việc quản lý. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do thiếu sự đồng bộ và thống nhất trong các chính sách phát triển đô thị ở các cấp.

Về tổng thể, quản lý xã hội theo quan điểm phát triển bền vững chính là xử lý hài hòa quan hệ tăng trưởng kinh tế - phát triển xã hội và phát triển con người - bảo vệ môi trường. Trong quá trình ĐTH và phát triển đô thị cần khắc phục xu thế phát triển theo chiều rộng, theo thị trường với trọng tâm kinh tế, vật chất để phát triển theo chiều sâu với các mô hình phát triển đô thị hài hòa và nhân văn hơn.

Định hướng ĐTH và phát triển đô thị trên thực tế có thể là một “trận chiến” giữa mô hình phát triển đô thị thiên về kinh tế thị trường, vật chất với một mô hình hài hòa hơn, mang nhiều tính xã hội dân chủ và nhân văn, phát triển vì con người, công bằng với người nghèo, yếu thế. Do vậy, các chính sách phát triển đô thị cần khẳng định và điều chỉnh nhiều hơn theo mô hình thứ hai này để có sự phát triển hài hòa, bền vững. Các quan điểm, mô hình phát triển đô thị bền vững, đặc biệt bền vững về xã hội cần được tích hợp nhiều hơn trong các chương trình, dự án quy hoạch và quản lý đô thị từ tổng thể đến chi tiết.

Sau cùng là sự quản lý, phát triển ĐTH hoàn toàn không thể biệt lập với phát triển nông thôn. Không thể có quá trình ĐTH bền vững bên cạnh một khu vực nông thôn nghèo với mức sống chênh lệch quá lớn so với khu vực đô thị. Vì vậy, quản lý phát triển đô thị cần tính đến mối quan hệ giữa thành thị và nông thôn như là 2 bộ phận hữu cơ không thể tách rời trong quá trình phát triển. Điều này là cần thiết và phải được xem là một yếu tố xã hội quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của các đô thị Việt Nam hiện nay.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính tri số 8-2017

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê Việt Nam các năm 2010 - 2015.

2. Tổng cục Thống kê:“Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009”, Hà Nội, 8-2010.

3. Trần Đức Cường: Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, những nội dung quan trọng trong phát triển bền vững ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 2016.

4. Trịnh Duy Luân: Một số vấn đề cơ bản về mô hình phát triển xã hội và quản lý sự phát triển xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020, Báo cáo tổng hợp đề tài cấp Bộ, Viện Xã hội học, 2011.

5. Trịnh Duy Luân: Đô thị hóa và Phát triển đô thị Việt Nam theo hướng bền vững. Tham luận Hội nghị về Phát triển bền vững toàn quốc, 2010.

6. Mireille Razafindrakoto, Francois Roubaud, Lê Văn Dụy: Thống kê Khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam: Thực trạng và triển vọng.

7. Mike Douglass: Thành phố sống tốt,Tạp chí Xã hội học, số 3/2007.

8. “Những vấn đề phát sinh từ lao động di cư”, Thời báo Kinh tế Việt Nam,ngày 8-8-2008.

 

GS, TS Trịnh Duy Luân

Hội Xã hội học Việt Nam

The

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất