Theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết: Thẻ cũ vẫn còn giá trị và đảm bảo quyền lợi khi đi khám chữa bệnh. Do đó, người dân còn thẻ cũ chưa đến hạn đổi vẫn sử dụng bình thường.
Bạn đọc hỏi: Tôi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cũ đi khám bệnh sau ngày 1/4/2021 có bị ảnh hưởng quyền lợi khi đi khám chữa bệnh không? Có bắt buộc phải đổi sang thẻ theo mẫu mới hoặc thẻ nhựa gắn chip như thông tin trước đây không?
Về vấn đề này, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết: Thẻ cũ vẫn còn giá trị và đảm bảo quyền lợi khi đi khám chữa bệnh. Do đó, người dân còn thẻ cũ chưa đến hạn đổi vẫn sử dụng bình thường.
Thẻ BHYT theo mẫu mới từ 1/4/2021 chỉ in 10 ký tự chính là mã số BHXH của người tham gia (thay thế 15 ký tự như trước đây). Việc thay đổi này không làm thay đổi quyền lợi khi đi khám chữa bệnh vì thông thông tin chủ thẻ đã được tích hợp lên hệ thống dữ liệu của ngành, nên không cần thiết phải in nhiều thông tin lên thẻ.
Hiện, cả nước có gần 90 triệu người tham gia BHYT, từ năm 2018, thẻ BHYT được cấp 1 lần để sử dụng lâu dài, không còn hạn sử dụng và không cấp lại hàng năm. Hiện, mỗi năm số lượng thẻ BHYT cấp mới, cấp đổi khoảng 10 triệu thẻ, chi phí khoảng 2,5 tỷ đồng.
Liên quan đến thẻ nhựa có gắn chip; trước đây BHXH Việt Nam có đề án về dùng thẻ BHYT nhựa có gắn chip. mục đích tích hợp dữ liệu của chủ thẻ vào chíp (khoảng 12-15 thông tin cơ bản). Qua đó tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng thẻ BHYT, và cơ sở y tế dễ dàng trích xuất thông tin của chủ thẻ.
“Tuy nhiên, hiện nay dữ liệu của người tham gia BHYT đã được tích hợp lên Hệ thống thông tin giám định BHYT, quản lý tập trung tại BHXH Việt Nam và sử dụng trên toàn quốc. Cơ sở y tế chỉ cần nhập mã thẻ BHYT của người bệnh lên hệ thống sẽ biết được thông tin chủ thẻ, chế độ hưởng, nên dùng thẻ gắn chíp hay thẻ giấy đều đảm bảo chính xác, đầy đủ như nhau. Chưa kể, khi dùng thẻ BHYT có gắn chíp nếu mất, hỏng vẫn phải cấp lại như với thẻ giấy” ông Trần Đình Liệu thông tin.
“Thẻ BHYT gắn chíp có những ưu điểm và bất cập, thuận lợi và khó khăn riêng, trong khi tiện ích mang lại vẫn không quá vượt trội. Nếu thay đổi thẻ chíp, chi phí đổi thẻ cho gần 90 triệu người tham gia BHYT khoảng 4.500 tỷ đồng. Sau khi cân nhắc giữa chi phí và lợi ích, BHXH Việt Nam đã báo cáo Chính phủ và được chấp thuận tạm thời chưa đổi thẻ BHYT từ chất liệu giấy sang thẻ nhựa có gắng chip mà chỉ đổi thẻ BHYT theo mẫu mới từ ngày 1/4/2021 và vẫn sử dụng thẻ giấy” ông Trần Đình Liệu cho biết.
Về tương lai, khi căn cước công dân có gắn chip được hoàn thì sẽ tích hợp luôn dữ liệu mã số thẻ BHYT và cả thẻ BHXH. Như vậy sau này chỉ cần mang thẻ căn cước công dân có gắn chip sẽ thay thế luôn thẻ BHYT.
Cũng theo ông Trần Đình Liệu, hiện BHXH Việt Nam đã phát triển ứng dụng BHXH số - VssID, trong đó tích hợp thẻ BHYT điện tử vào ứng dụng này. Trong giai đoạn sắp tới, người dân chỉ cần cài ứng dụng sẽ có thông tin BHYT, khi đi khám chữa bệnh không cần mang thẻ giấy. Trong năm 2021, BHHX Việt Nam đặt mục tiêu phát triển khoảng 30 triệu người sử dụng ứng dụng VssID.
Do đó, thẻ BHYT theo mẫu hiện hành còn hạn sử dụng người dân vẫn tiếp tục dùng khám chữa bệnh và thanh toán BHYT bình thường, không bắt buộc phải đổi sang mẫu mới.
XM/Báo Tin tức