Thứ Tư, 2/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 17/3/2016 16:53'(GMT+7)

Thể chế pháp luật kinh tế của một số quốc gia trên thế giới và gợi ý cho Việt Nam

Ngày 17/3, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức buổi tọa đàm “Thể chế pháp luật kinh tế của một số quốc gia trên thế giới” nhằm giới thiệu nội dung của việc nghiên cứu này; đồng thời, nhằm hoàn thiện những nội dung thông tin, cải cách thể chế của Việt Nam.

Từ năm 1986, đất nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới theo Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, thể chế pháp luật, trong đó có pháp luật kinh tế từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

Tổng quan về quá trình xây dựng, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước được trao đổi tại tọa đàm. Tổng quan về quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế trong 30 năm có thể chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ 1986-2000 với Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới; giai đoạn thứ 2 từ 2001-2013, bắt đầu bằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 vào năm 2001 và giai đoạn thứ ba từ khi bản Hiến pháp năm 2013 được ban hành đến nay.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho biết, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều Luật như: Luật Đầu tư công, Luật Phá sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… Những văn bản pháp luật này được kỳ vọng sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho quá trình cải cách thể chế kinh tế và có tác động lớn đến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã được thực hiện ba năm qua.

Đồng thời, đồng chí Nguyễn Đình Cung khẳng định, để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, việc nghiên cứu thể chế pháp luật kinh tế các nước trên thế giới là cần thiết và bổ ích. Tuy nhiên, không có câu trả lời tuyệt đối về lựa chọn pháp luật theo hình mẫu quốc gia nào.

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hệ thống pháp luật các nước ngày càng tiệm cận với nhau hơn; bản thân pháp luật cũng có tính kề thừa, tính đặc thù xã hội và văn hóa. Do vậy, việc nghiên cứu các quy phạm pháp luật các quốc gia khác chỉ mang tính chất tham khảo, học hỏi kinh nghiệm để từ đó đưa ra lựa chọn chính sách phù hợp cho Việt Nam.

Theo đó, sáu quốc gia được lựa chọn nghiên cứu là: Hoa Kỳ, Australia, Đức, Hàn Quốc, Malaysia và Cộng hòa Liên bang Nga. Các nội dung chính được đề cập là: những luật điều chỉnh hành vi của các chủ thể trên thị trường từ khi gia nhập thị trường. Nghiên cứu đã xem xét và đánh giá đặc trưng của các luật chủ yếu, trong một số trường hợp là các điều chỉnh và tác động đến hành vi của những chủ thể trong thị trường tại các quốc gia trên, qua đó tác động đến sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Bên cạnh đó, trong các trường hợp lựa chọn nghiên cứu, thiết chế được hình thành và cơ bản được hoàn thiện để quản lý và điều tiết thị trường nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên.

Từ đó, đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị cho việc sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các luật nhằm góp phần đa dạng hóa pháp luật kinh tế và hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam trong thời gian tới.

Nhìn chung, thể chế pháp luật kinh tế của các quốc gia có trình độ phát triển cao đều được xây dựng và hoàn thiện trên nguyên tắc:

(1) Tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc thị trường một cách nghiêm ngặt và thống nhất, giảm thiểu việc can thiệp áp đặt hành chính lên thị trường;

(2) Tôn trọng quyền tự do và nguyên tắc bình đẳng trong kinh doanh nhằm khuyến khích sự tham gia kinh doanh của tất cả các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân và nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thông thoáng;

(3) Quy định rõ ràng về chế độ sở hữu, cho phép tiếp cận công khai và bình đẳng các nguồn lực cơ bản như nguồn lực về đất đai, về tín dụng, cơ hội đầu tư, thông tin, nguồn nhân lực… và hướng tới sự phân bổ nguồn lực hợp lý, hiệu quả và bền vững.

(4) Xây dựng những nguyên tắc cơ bản hành xử thận trọng và quy củ trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là những lĩnh vực “nhạy cảm” và có những tác động hiệu ứng lớn như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản bảo đảm tính an ninh, an toàn cao và không có những cú sốc mạnh cho hệ thống.

(5) Thiết lập hệ thống tư pháp độc lập, cơ chế giải quyết khiếu kiện, tranh chấp hiệu quả; quy định chặt chẽ về giám sát thực thi pháp luật cũng như chế tài xử phạt nghiêm minh nhằm bảo đảm tính ổn định, lâu bền của luật pháp, tránh sự thay đổi thường xuyên.

Đối với quá trình cải cách thể chế pháp luật kinh tế giai đoạn mới, các tác giả cho rằng trước hết cần thống nhất trong nhận thức và quan điểm mới về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các giải pháp, nhiệm vụ cải cách thể chế kinh tế mà trọng tâm là về mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.

Tiếp đó, trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần nhanh chóng thay đổi các văn bản pháp luật cũng bằng các văn bản pháp luật mới để tạo cơ sở pháp lý đầu đủ, tiến bộ, phù hợp khi có sự ra đời và phát triển của các quan hệ kinh tế mới.

Cần ban hành các văn bản pháp luật theo thứ tự ưu tiên: văn bản pháp luật nào được coi là gốc phải được ban hành trước, còn văn bản pháp luật chuyên ngành phải được ban hành sau để đảm bảo tính hệ thống trong hệ thống pháp luật tư. Cần mạnh dạn, nghiên cứu áp dụng các tư tưởng, quan điểm tiến bộ mang tính phổ quát về thể chế pháp luật trên thế giới. Cần xác định một cách rõ ràng, đầy đủ, khoa học các quan điểm của Nhà nước trước khi tiến hành sửa đổi hoặc xây dựng mới một văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tình trạng vừa “thiết kế”, vừa “thi công”, vừa xây dựng pháp luật, vừa đề xuất chính sách.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng đã thảo luận và đưa ra nhiều nội dung cải tiến về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội năm 2016-2020, đặt ra yêu cầu về tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế phù hợp với chủ trương, định hướng mới.

Việc hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế Việt Nam trong thời kỳ tới cũng cần đáp ứng đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN và WTO, hướng tới hình thành Cộng đồng kinh tế Châu Á (AEC), phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, các hiệp định thương mại tự do với EU, EFTA, Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Karzakstan… với mức độ hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thể chế ở giai đoạn này thể hiện rõ quyết tâm hướng tới một thể chế pháp luật kinh tế thị trường hoàn chỉnh, hoàn thiện thể chế pháp luật hiện đại; có sự đổi mới về chất và ở trình độ  cao so với giai đoạn trước; kiến tạo môi trường thuận lợi và cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, thúc đẩy, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình đổi mới tăng trưởng; giải quyết những hạn chế, bất cập, khiếm khuyết trong việc xây dựng, thực thi và giám sát pháp luật.

Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất