Chủ Nhật, 6/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 5/3/2011 9:59'(GMT+7)

Thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực mới

 

Thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực mới khi chỉ số giá lương thực của thế giới trong tháng 2  đã tăng 2,2% so với tháng 1 và đạt mức cao kỷ lục 236 điểm , vượt mức của năm 2008 - thời điểm bạo loạn bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới do giá lương thực tăng cao. Như vậy chỉ số này phá kỷ lục trong 3 tháng liên tiếp và đã tăng trong suốt 8 tháng qua. Chỉ số giá các loại ngũ cốc như bắp và bột mì đã tăng đến 70% chỉ trong năm qua.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), giá lương thực thế giới đã đạt mức kỷ lục và có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Theo các chuyên gia kinh tế của FAO, giá lương thực tăng cao là do một loạt thiên tai xảy ra trong năm 2010 như lũ lụt tại Pakistan, hạn hán ở Australia và cháy rừng ở Nga.

Các chuyên gia của FAO cũng cảnh báo, giá lương thực trên thế giới sẽ còn tăng trong thời gian tới. Ông Abbassian, chuyên gia kinh tế của FAO nói: “Vấn đề mà chúng tôi quan tâm nhất là giá cả đã tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Sự tăng giá của lương thực vẫn chưa cho thấy dấu hiện dừng lại trong những tháng sắp tới. Nếu điều này tiếp diễn, tôi nghĩ giá lương thực tại nhiều nước sẽ còn tăng cao tuỳ thuộc vào tình hình cung ứng lương thực, tình hình kinh tế của nước đó. Nhưng tôi hy vọng rằng, chúng ta sẽ có một vụ mùa tốt vào mùa hè này.”

Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình giá lương thực tăng cao. Theo tổ chức này, giá lương thực sẽ “tác động mạnh tới những nước nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là các nước có thu nhập thấp”.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, nguyên nhân chủ yếu khiến biên độ giá các mặt hàng nông sản tăng vọt là do nhu cầu đã bị thay đổi cơ cấu. Cũng theo Quỹ Tiền tệ quốc tế , 75% tăng trưởng nhu cầu đối với các mặt hàng lương thực chủ lực trong thập kỷ qua đều xuất phát từ các thị trường mới nổi. Và chi phí thực phẩm tăng cao sẽ vẫn có tác động mạnh đến các quốc gia đang phát triển, nơi người tiêu dùng chi phần lớn thu nhập của mình vào nhu cầu thực phẩm.

Trước tình hình hiện tại, các quốc gia trên thế giới đang đàm phán về việc thay đổi căn bản Công ước về viện trợ lương thực - quy định cách thức tiến hành viện trợ lương thực.

Theo FAO, sẽ tốt hơn nếu như các quốc gia phát triển tập trung hỗ trợ thêm tiền cho các nỗ lực phát triển và cải cách nông nghiệp tại các quốc gia nghèo để họ có thể “tự thân vận động”, thay vì dồn đến 80% tài trợ vào các chương trình cứu đói khẩn cấp như hiện nay.

Nhiều quan chức Liên Hiệp Quốc cũng muốn Mỹ trực tiếp mua lương thực từ các nước đang phát triển. Theo quy định hiện tại của Quốc hội Mỹ, tất cả các loại lương thực viện trợ phải được mua tại Mỹ và vận chuyển từ đây. Chương trình lương thực thế giới ước tính chi phí mua lương thực và vận chuyển từ Mỹ đến các quốc gia cần hỗ trợ đã chiếm hết 50% trị giá các gói viện trợ lương thực của Mỹ./.

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất