Ngày 18/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi tất
cả các nước thúc đẩy giải trừ vũ khí và không phổ biến các loại vũ khí hạt nhân,
hóa học và sinh học cũng như các loại vũ khí trái phép, đồng thời nhấn mạnh các
nước thành viên không nên trì hoãn vấn đề giải trừ vũ khí lâu hơn
nữa.
Phát biểu trước hội nghị của Viện Nghiên cứu Quốc tế Monterey ở
California, Mỹ, Tổng Thư ký Ban Ki-moon khẳng định việc trì hoãn vấn đề giải trừ
vũ khí khiến thế giới sẽ phải trả giá đắt. Trì hoãn càng lâu, nguy cơ sử dụng
các loại vũ khí nguy hiểm đó càng lớn, càng phát triển và dễ rơi vào tay bọn
khủng bố.
Ông chỉ ra 5 thách thức mà các nước thành viên cần giải quyết
để đạt tiến bộ trong quá trình thực hiện kế hoạch giải trừ vũ khí gồm: nâng cao
trách nhiệm giải trình, tăng cường quy định của luật pháp, thiết lập các mối
quan hệ đối tác, đẩy mạnh vai trò của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và không
ngừng nỗ lực giáo dục thanh niên về mối nguy hiểm của phổ biến các loại vũ khí.
Ông cũng cho rằng các nước cần ủng hộ các nỗ lực giải trừ vũ khí quốc
tế, kể cả Diễn đàn về giải trừ vũ khí của Liên hợp quốc, trong đó chủ yếu chú
trọng chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, giải trừ vũ khí hạt nhân, ngăn
chặn chiến tranh hạt nhân và cuộc chạy đua vũ trang bên ngoài không gian vũ trụ.
Đặc biệt, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đề nghị các nước xem xét lại sức mạnh
hạt nhân quốc gia, cam kết với nhau và nhanh chóng cắt giảm các kho hạt nhân ở
mỗi nước.
Ông cho rằng tăng cường khả năng của các tổ chức quốc tế như
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức cấm các loại vũ khí hóa
học để các tổ chức này có thể đẩy mạnh nỗ lực thực hiện các hiệp ước và các thỏa
thuận khác cũng phải là ưu tiên của cộng đồng quốc tế.
Ngoài ra, Tổng Thư
ký Ban Ki-moon còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được một thỏa thuận về
Hiệp ước Thương mại Vũ khí, để từ đó thắt chặt việc chuyển giao các loại vũ khí
thông thường, kể cả các loại vũ khí nhỏ và bảo đảm không có kẽ hở bằng cách bao
gồm tất cả các hình thức chuyển giao, kể cả các hoạt động như quá cảnh, chuyển
đổi tàu cũng như cho vay hoặc thuê các loại vũ khí.
Mặc dù đánh giá cao
các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự đang đẩy mạnh hoạt động ủng hộ giải
trừ vũ khí và không phổ biến hạt nhân, nhưng ông cho rằng, trách nhiệm chính về
vấn đề này thuộc các nước thành viên. Bởi vì các nước sẽ quyết định chi phí ngân
sách mua sắm các loại vũ khí hoặc các vấn đề quan trọng khác như biến đổi khí
hậu và phát triển.
Ông cũng ủng hộ các nước tăng ngân sách cho giáo dục
giải trừ vũ khí để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giải trừ vũ khí và
xóa bỏ quan niệm cho rằng thế giới không thể giải trừ các loại vũ khí hạt
nhân./.
TH