(TCTG) - Tin từ TTXVN, theo một khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường IDC tiến hành, tỷ lệ ăn cắp phần mềm trên toàn cầu đã tăng từ 38% trong năm 2007 lên 41% trong năm 2008, gây thiệt hại ước tính 53 tỷ USD.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Liên minh phần mềm doanh nghiệp quốc tế (BSA), Robert Holleyman, nói rằng mặc dù đã có những tiến triển trong cuộc chiến chống nạn ăn cắp phần mềm, với tỷ lệ giảm ở gần một nửa số nước được khảo sát và giữ nguyên ở 1/3 số nước, song tổng số thiệt hại lại tăng.
Tỷ lệ ăn cắp phần mềm ở Mỹ chiếm khoảng 20% trên toàn bộ thị trường béo bở này - mức thấp nhất trên thế giới - song lại là một vấn đề nghiêm trọng vì lượng phần mềm doanh nghiệp được tiêu thụ ở Mỹ nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia nào.
Theo ông, phần lớn những thiệt hại mà nạn ăn cắp phần mềm gây ra xuất phát từ các doanh nghiệp nhỏ đang sử dụng các phiên bản không đăng ký giấy phép của các chương trình phần mềm thông dụng.
Báo cáo nghiên cứu cũng đã chỉ ra 7 quốc gia có tỷ lệ ăn cắp phần mềm doanh nghiệp từ 90% trở nên là Gruzia, Bangladesh, Armenia, Zimbabwe, Sri Lanka, Azerbaijan và Moldova.
Trong các khu vực trên thế giới thì nạn ăn cắp phần mềm doanh nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2008 tiếp tục xấu đi, với 61% các phần mềm không được cấp phép, gây thiệt hại 15,26 tỷ USD, tăng 8,3% so với 14,09 tỷ USD của năm 2007. Bangladesh là nước có tỷ lệ cao nhất trong khu vực với 92%, tiếp theo là Sri Lanka (90%) và Pakistan (86%).
Trong khi đó, Nhật Bản có tỷ lệ ăn cắp phần mềm thấp nhất với 21%, tiếp theo là New Zealand (22%) và Australia (26%). Tỷ lệ này ở Trung Quốc đã giảm từ 82% năm 2007 xuống 80% trong năm 2008.
Phó Chủ tịch BSA kiêm Giám đốc phụ trách khu vực này, Jeffrey Hardee, tỷ lệ ăn cắp phần mềm doanh nghiệp tăng lên trong năm qua gắn liền với lượng máy tính cá nhân bán ra tăng vọt./.
TG