Cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch cúm A/H1N1 tiếp tục lây lan trên thế giới vẫn là những vấn đề nóng trong tuần từ ngày 9-15/8.
Trong bài phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh quốc tế tại Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 10/8, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Paul Krugman, Giáo sư kinh tế Trường Đại học Princeton (Mỹ), cho rằng thế giới đã tránh được cuộc Đại suy thoái lần thứ hai nhờ các gói kích thích của chính phủ các nước, nhưng sẽ phải mất ít nhất 2 năm nền kinh tế thế giới mới phục hồi hoàn toàn. Theo giáo sư Krugman, mức độ nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng tài chính đã qua khi có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng trong kinh tế và xuất khẩu. Theo ông, châu Á sẽ phục hối sớm và nhanh hơn Bắc Mỹ và châu Âu.
Theo các số liệu thống kê chính thức do Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 13/8, nền kinh tế khu vực này nhiều khả năng sẽ vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay sớm hơn so với dự đoán khi hai nền kinh tế chủ chốt Đức và Pháp cùng bất ngờ tăng trưởng mạnh trở lại nhờ các chương trình hỗ trợ của chính phủ đối với ngành công nghiệp ô tô. GDP của hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu này trong quý II/2009 đã "đột ngột" cùng tăng 0,3 % so với quý I trước đó.
Trong báo cáo do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố nhân tròn hai năm bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới, cho biết những nước giàu đã chi hơn 9.000 tỷ USD để khắc phục "cơn bão" này. Con số này ở các nước đang phát triển dừng ở mức khiêm tốn hơn với 1.500 tỷ USD. Một điều cần ghi nhận rằng so với mức tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mình, Nga là nước chi ngân sách chống khủng hoảng nhiều nhất với gần 200 tỷ USD. Phần lớn khoản tiền này được chi cho các chương trình xã hội và tạo việc làm mới.
IMF cho biết quỹ này sẽ bơm 250 tỷ USD vào các nguồn dự trữ ngoại tệ của các quốc gia thành viên nhằm tăng cường khả năng thanh toán trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo IMF, hành động này là "nhằm giúp hệ thống kinh tế toàn cầu có khả năng thanh toán thông qua việc bổ sung nguồn dự trữ ngoại tệ của các nước thành viên". Số tiền trên là một phần trong kế hoạch trị giá 1,1 nghìn tỷ USD được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tổ chức ở thủ đô London (Anh) đầu tháng 4 vừa qua nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu. Đây cũng là quyết định phân bổ SDRs (quyền rút vốn đặc biệt) lớn nhất trong lịch sử 60 năm của IMF và sẽ có hiệu lực đối với tất cả 186 quốc gia thành viên của quỹ này vào ngày 28/8.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người nhiễm cúm A/H1N1 trên thế giới tiếp tục gia tăng bất chấp nỗ lực của chính phủ các nước ngăn chặn đại dịch này. Tổng thống Costa Rica, Oscar Arias trở thành vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới thông báo nhiễm loại vi-rút nguy hiểm này.
Trong bối cảnh đại dịch cúm A/H1N1 ngày càng lan rộng, nhiều nước đang khẩn trương xúc tiến việc thử nghiệm vắc-xin phòng cúm A/H1N1 cho người dân. Ngày 10/8, hàng trăm người dân tại 8 thành phố của Mỹ đã đến các trung tâm y tế và bệnh viện tham gia chương trình tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng vi-rút cúm A/H1N1. Cùng thời điểm, Trung Quốc và Nga cũng đang nỗ lực để đưa vắc-xin phòng vi-rút cúm A/H1N1 ra thử nghiệm. Nga dự định thử nghiệm vắc-xin vào tháng 8 này. Không chỉ sản xuất vắc-xin phòng cúm, Trung Quốc còn nỗ lực điều chế cả chất phản ứng để chẩn đoán sớm loại vi-rút cúm mới.
Tại châu Á, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, các nước thành viên ASEAN đang thúc đẩy việc thiết lập một thị trường thống nhất, tạo điều kiện cho các dòng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nguồn vốn và lao động lành nghề lưu chuyển tự do trong khu vực. Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 41, diễn ra tại Bangkok trong các ngày 13-16/8, đã khẳng định ASEAN cần loại bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, hoàn chỉnh các khung pháp lý về quy định xuất xứ hàng hóa trong khu vực, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại.
Nhận dịp này, ngày 13/8, tại Bangkok, Ấn Độ và ASEAN đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sau hơn 6 năm đàm phán.Thỏa thuận thương mại tự do này sẽ loại bỏ các hàng rào thuế quan đối với hàng điện tử, hóa chất, máy móc sản xuất và hàng dệt may, vốn chiếm hơn 80% khối lượng hàng hóa trao đổi song phương. Hiệp định sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2010.
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và 6 quốc gia thành viên ASEAN, bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Myanmar, đã nhất trí hợp tác thành lập mạng lưới thông tin kiểm soát dịch bệnh ở động vật vào cuối năm nay.
Ngày 13/8, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs thông báo Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ lần đầu tiên tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 17 của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), dự kiến diễn ra tại Singapore trong hai ngày 14-15/11 tới.
Chuyến đi Bình Nhưỡng của Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Hyun Jung-eun đang thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài Hàn Quốc bởi đây được xem là thời điểm nhạy cảm, đánh dấu những thay đổi của CHDCND Triều Tiên trong chiến thuật đối thoại. Đây là một trong những chấp nhận hiếm hoi của chính quyền Bình Nhưỡng, cho phép các công dân Hàn Quốc sang miền Bắc trong thời gian qua do căng thẳng leo thang giữa hai miền.
Tuần này, là kỷ niệm 1 năm cuộc chiến 5 ngày tại Abkhazia và Nam Ossetia. Thủ tướng Nga Vladimir Putin ngày 12/8 đã có chuyến thăm bất ngờ đến Abkhazia cùng lời cam kết sẽ viện trợ 500 triệu USD để tăng cường tiềm lực quốc phòng cho vùng lãnh thổ này.
Ngày 12/8, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Susan Rice tuyên bố sau khi phải trả giá đắt cho việc "coi thường" tổ chức thế giới này, giờ đây Mỹ coi LHQ là thể chế thiết yếu trong tiến trình giải quyết các mối đe dọa an ninh toàn cầu. trong đó có cam kết hợp tác mang tính xây dựng với hầu hết các quốc gia.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã hoan nghênh cam kết của Mỹ làm mới quan hệ với tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này. Ông nêu rõ vai trò của Mỹ tại LHQ là hết sức quan trọng khi mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ biến đổi khí hậu tới các vấn đề hòa bình và an ninh. Ông cũng cam kết đẩy mạnh công cuộc cải cách phương thức làm việc của LHQ nhằm đảm bảo tổ chức này có thể đáp ứng mọi yêu cầu của các nước thành viên một cách hiệu quả nhất./.
TH