Chủ Nhật, 29/9/2024
Môi trường
Thứ Năm, 17/12/2009 8:23'(GMT+7)

Thế giới trước nguy cơ mất đa dạng sinh học nghiêm trọng

Khu bảo tồn động vật hoang dã ở Xri-Lanca

Khu bảo tồn động vật hoang dã ở Xri-Lanca

Ðó là cảnh báo của Phó Giám đốc chương trình về các loài vật của Nhóm bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Liên đoàn quốc tế bảo tồn thiên nhiên (IUCN) G.Cri-xtốp-phơ Vi khi ông ví von đây là thời điểm để thừa nhận rằng thiên nhiên là "công ty" lớn nhất thế giới đang đem lại lợi nhuận 100% cho con người. Vậy mà thiên nhiên đang bị tàn phá nặng nề, để lại những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường. Ông kêu gọi các chính phủ nỗ lực, nếu không nói là nhiều hơn nữa, trong việc cứu lấy thiên nhiên như họ đã làm đối với các lĩnh vực kinh tế và tài chính.
Các loài thực vật và động vật tạo nên sự kỳ diệu trong thế giới hoang dã đều có vai trò cụ thể, đóng góp thiết yếu cho cuộc sống con người như cung cấp lương thực, thuốc men,  ô-xy, nước và cân bằng hệ sinh thái. Khí hậu thay đổi dẫn tới môi trường sống thay đổi và các loài động, thực vật cũng phải thay đổi chu kỳ sinh trưởng và các đặc điểm cơ thể hoặc thay đổi đường di cư để thích nghi với môi trường mới, làm mất đi sự đa dạng sinh học. Theo một nghiên cứu mới đây về đa dạng sinh học quốc tế, các nhà khoa học cảnh báo, hơn một phần ba loài động vật trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài 47.677 loài nằm trong danh sách Ðỏ, một đánh giá có thẩm quyền nhất của các nước về các loài vật trên Trái đất có nguy cơ tuyệt chủng và được đưa ra dựa trên nghiên cứu của hàng nghìn nhà khoa học, hiện nay 17.291 loài đang bị đe dọa, trong đó 21% là động vật có vú, 30% động vật lưỡng cư, 70% thực vật và 35% loài không xương sống. Các loài động vật lưỡng cư là nhóm sinh vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trên Trái đất với 1.895 trong số 6.285 loài nằm trong danh sách bị đe dọa. Trong số này, 39 loài tuyệt chủng, 484 loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, 754 loài bị đe dọa và 657 loài không được bảo vệ. Các nhà khoa học cảnh báo, thế giới không những lo ngại số loài vật có nguy cơ tuyệt chủng cao mà còn bị đe dọa phá vỡ hoàn toàn hệ sinh thái. Những con số trên báo động nguy cơ các loài sinh vật biến mất vĩnh viễn mặc dù các nhà lãnh đạo trên thế giới đều cam kết sẽ hành động để đảo ngược xu hướng đó.

Công ước về đa dạng sinh học (CBD) có hiệu lực năm 1993 đã đưa ra ba mục tiêu: bảo tồn đa dạng sinh học; sử dụng sự đa dạng sinh học một cách bền vững; chia sẻ lợi ích của đa dạng sinh học một cách công bằng. Hiện nay, 168 quốc gia đã ký công ước trên, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2010 giảm đáng kể tỷ lệ mất đa dạng sinh học ở các cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia. Tuy nhiên, theo các nhà bảo tồn, loài người chưa tiến hành đủ các biện pháp để ngăn chặn những mối đe dọa chính. Ô nhiễm môi trường, khí hậu thay đổi dẫn tới sự mất dần môi trường sống của các loài động, thực vật, một trong những nguyên nhân dẫn tới sự mất đa dạng sinh học. Mất đi môi trường sống ảnh hưởng đến 40% động vật có vú. Giám đốc IUCN, bà G.Xmát cảnh báo, hiện có những bằng chứng khoa học về một cuộc khủng hoảng tuyệt chủng nghiêm trọng. Sự mất đa dạng sinh học xảy ra nghiêm trọng nhất ở khu vực Trung và Nam Mỹ; Ðông, Tây và Trung Phi, nhất là ở Ma-đa-ga-xca; Nam và Ðông-Nam Á. Mất đa dạng sinh học là một trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất thế giới khi số các loài sinh vật giảm xuống mức thấp. Các nước châu Phi cảnh báo rằng, hệ sinh thái của châu lục này dễ tổn thương nhất thế giới trước những biến động của thời tiết. Nạn đói, khan hiếm nước, tình trạng sa mạc hóa, năng suất nông nghiệp giảm khiến chất lượng cuộc sống con người ở châu Phi xuống thấp. Châu Phi chiếm khoảng một phần năm diện tích đất toàn cầu và có khoảng một phần năm các loài cây, động vật có vú và chim trên thế giới, chiếm một phần sáu loài lưỡng cư và bò sát. Khoảng một phần năm số loài chim ở miền nam châu Phi đã di cư theo mùa ở châu Phi và một phần mười di cư giữa châu Phi và các châu lục khác trên thế giới.

Theo các nhà phân tích, thế giới sẽ không đạt được mục tiêu giảm sự mất đa dạng sinh học vào năm 2010. Vì vậy đã đến lúc chính phủ các nước phải hành động để cứu các loài động, thực vật và phải đưa vấn đề này trở thành trọng tâm của các chương trình nghị sự năm tới khi không còn nhiều thời gian. Các tổ chức quốc tế và nhiều nước kêu gọi đưa vấn đề hậu quả nhân đạo vào nội dung các cuộc thương lượng chống biến đổi khí hậu. Mới đây, một nhóm khoảng 70 nhà khoa học trên thế giới đã đề xuất thành lập một "vườn bách thú gien", coi đây là kho dữ liệu về gien của 10.000 loài động vật có vú, chim, bò sát, động vật lưỡng cư và cá trên toàn thế giới. Ra đời từ tháng 4-2009 với sự tham gia của các nhà khoa học làm việc tại các vườn thú, bảo tàng động vật, trung tâm nghiên cứu và các trường đại học lớn trên thế giới, mục tiêu của dự án  trị giá 50 triệu USD này là tập hợp và giải mã toàn bộ gien của khoảng 10.000 loài động vật có xương sống trên Trái đất.  Theo GS Ð.Hau-xlơ, Ðại học Ca-li-fo-ni-a (Mỹ), những kiến thức và sự hiểu biết về quá trình tiến hóa của các loài động vật có xương sống là một trong những khám phá vĩ đại nhất của khoa học. Với việc thành lập "vườn bách thú gien", giới khoa học sẽ có một cái nhìn xác thực hơn về quá trình tiến hóa cũng như biến đổi về gien của các loài động vật qua thời gian để chúng thích hợp với môi trường và điều kiện sống. Kho dữ liệu này cũng sẽ góp phần vào công tác bảo tồn như so sánh sự đa dạng hóa về gien, giúp các nhà khoa học dự báo chính xác hơn về phản ứng của các loài động vật đối với những thay đổi về môi trường như ô nhiễm, biến đổi khí hậu, biến đổi về sinh học...

(Theo Nhân Dân)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất