Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 30/9/2017 19:19'(GMT+7)

Thế giới tuần qua: Chặng đường dài gian nan

Người nhập cư vạ vật ở vùng biên giới Hi Lạp - Macedonia chờ xin được nhập cư. (Ảnh: Reuters)

Người nhập cư vạ vật ở vùng biên giới Hi Lạp - Macedonia chờ xin được nhập cư. (Ảnh: Reuters)

1. Iraq trước nguy cơ đất nước bị chia tách

Iraq đang đối mặt vơi nguy cơ đất nước bị chia tách khi ngày 25/9, cộng đồng người Kurd ở miền Bắc nước này (chiếm khoảng 20% dân số) tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về độc lập gây nhiều tranh cãi. Kết quả bỏ phiếu được công bố cho thấy hơn 93% cử tri ở khu vực Kurd Iraq ủng hộ việc ly khai.

Động thái trên của cộng đồng người Kurd ở miền Bắc Iraq đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ chính quyền Baghdad và một số nước trong khu vực.

Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Iraq coi đây là hành động “bất hợp pháp”, cùng lên tiếng kêu gọi hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân và cảnh báo sẽ có những biện pháp đáp trả. Hai nước này tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc diễn tập trên biên giới sát khu vực người Kurd. Iran đã đóng không phận tới khu vực này.

Quốc hội Iraq cũng đã bỏ phiếu để cô lập các quan chức người Kurd tham gia trưng cầu ý dân và yêu cầu kiểm soát biên giới giữa khu vực người Kurd với các nước láng giềng. Bộ Ngoại giao Iraq yêu cầu các quốc gia trên thế giới đóng cửa lãnh sự quán tại khu vực này.

Ai Cập và Saudi Arabia cũng bày tỏ quan ngại về cuộc trưng cầu. Chính phủ Syria lên tiếng phản đối cuộc trưng cầu ý dân này, khẳng định công nhận một Iraq thống nhất và bác bỏ bất cứ hành động nào có thể dẫn tới sự chia rẽ đất nước.

Mỹ tuyên bố  động thái trên của cộng đồng người Kurd tại Iraq làm "gia tăng bất ổn"; đồng thời hối thúc các nhà lãnh đạo người Kurd tại Iraq đối thoại nghiêm túc và lâu dài với chính quyền trung ương về mọi vấn đề liên quan.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cũng cảnh báo cuộc trưng cầu về độc lập của cộng đồng này sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn tại khu vực.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cộng đồng người Kurd với khoảng 30 triệu người sinh sống tại vùng đất Kurdistan, đã bị phân chia ra 4 quốc gia là Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng thập kỷ qua, người Kurd tại các quốc gia này đã phát động nhiều chiến dịch đòi quyền độc lập hoặc tự trị.

2. Khủng hoảng nhân đạo gia tăng tại Rakhine, Myanmar

Mặc dù Chính phủ Myanmar tuyên bố các chiến dịch an ninh đã kết thúc từ ngày 5/9, nhưng tình trạng người dân tại Rakhine rời bỏ nhà cửa, thiêu hủy làng mạc tại bang Rakhine vẫn tiếp tục diễn ra.

LHQ cho biết, cuộc khủng hoảng di cư và nhân đạo ở bang Rakhine diễn biến với tốc độ rất nhanh và nay đã trở thành "cơn ác mộng". Ít nhất 500.000 người đã rời bỏ nhà cửa, trong đó 94% là người Hồi giáo Rohingya, đi lánh nạn tại quốc gia láng giềng Bangladesh. Nếu không nhanh chóng kiểm soát, tình hình rối loạn có thể lan rộng ra khu vực trung tâm bang Rakhine, khiến 250.000 người Hồi giáo khác đứng trước nguy cơ phải rời bỏ nhà cửa.

Cho đến nay, Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR) đã thực hiện 3 chuyến bay chở hàng cứu trợ và đang phân phối các nhu yếu phẩm cần thiết cho người Rohingya. Tuy nhiên, người tị nạn Rohingya vẫn trong hoàn cảnh tuyệt vọng và tiến độ viện trợ cần được đẩy nhanh.

3. Mỹ cân nhắc đóng cửa Đại sứ quán tại Cuba

Các quan chức Mỹ cho biết nước này đang hoàn tất kế hoạch rút hàng loạt nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Cuba và ngừng cấp thị thực nhập cảnh vô thời hạn cho công dân Cuba sau sự cố y tế xảy ra với một số nhà ngoại giao Mỹ tại La Habana.    

Cho đến nay đã có ít nhất 21 nhân viên ngoại giao Mỹ tại La Habana được xác nhận tổn hại sức khỏe trong vụ việc được cho là “tấn công sóng âm” nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ, trong khi nguyên nhân vẫn chưa được làm rõ. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã cân nhắc việc đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại La Habana do vụ việc này. Sau khi xảy ra vụ việc, Mỹ đã lặng lẽ trục xuất 2 nhà ngoại giao Cuba để trả đũa.

Phía Cuba khẳng định không tiến hành bất cứ hành động nào gây tổn hại thể lực của các nhà ngoại giao nước ngoài và cho biết đã hợp tác điều tra vụ việc. Sau cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez nhấn mạnh "sẽ rất đáng tiếc nếu các bên vội vã đưa ra những quyết định mà không có chứng cứ rõ ràng".

Tháng 12/2014, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro quyết định nối lại quan hệ ngoại giao bị đóng băng từ năm 1961. Tháng 7/2015, Đại sứ quán Mỹ và Cuba đã chính thức mở cửa trở lại tại thủ đô mỗi nước.

4. Bầu cử diễn ra tại nhiều nước

Ngày 24/9, cử tri Đức đã đi bỏ phiếu bầu ra Quốc hội liên bang khóa 19 và từ đó là một chính phủ mới. Mặc dù chỉ thu được kết quả kém hơn nhiều so với cuộc bầu cử trước, Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) đã giành chiến thắng, đồng nghĩa với việc bà Angela Merkel sẽ tiếp tục làm Thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa. Tuy nhiên, Đảng của bà sẽ phải tìm kiếm liên minh để thành lập chính phủ. 

Bà Merkel bước vào nhiệm kỳ mới với rất nhiều thách thức như: dung hòa các lợi ích với các đảng trong liên minh cầm quyền, tìm cách giành lại cử tri, đồng thời giải quyết các thách thức và thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế, thúc đẩy thương mại tự do và chống biến đổi khí hậu…

Tại Nhật Bản, ngày 28/9, Thủ tướng Shinzo Abe đã chính thức giải tán Hạ viện, mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử sớm được ấn định vào ngày 22/10 tới. Động thái trên được cho là nhằm đảm bảo một kết quả thắng lợi cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe trong cuộc tổng tuyển cử sớm trong bối cảnh các đảng đối lập chưa sẵn sàng cho bầu cử.

Tại Pháp, ngày 24/9, cuộc bỏ phiếu bầu cử Thượng viện đã được tiến hành với chiến thắng dự đoán sẽ thuộc về phe bảo thủ. Đây được coi là một thử thách với Tổng thống Emmanuel Macron, đó là phải có đủ số thượng nghị sỹ của đảng mình hoặc liên minh để giành được đa số phiếu ủng hộ các chương trình cải cách.

5. Châu Âu tiếp tục nỗ lực giải quyết vấn đề người di cư

Nhằm giảm số người đi cư qua Địa Trung Hải vào châu Âu, ngày 27/9, Liên minh châu Âu (EU) ngày 27/9 đã công bố kế hoạch tiếp nhận ít nhất 50.000 người tị nạn trực tiếp từ châu Phi.

Theo đó, việc tiếp nhận người tị nạn tới các nước EU trong 2 năm tới theo tiến độ chương trình tái định cư của khối. EU sẽ có cơ chế tái định cư mới nhằm đưa ít nhất 50.000 người, thuộc diện dễ bị tổn thương nhất cần có sự bảo vệ quốc tế, tới châu Âu. Chương trình tái định cư này khác với chương trình phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư gây tranh cãi của EU, trong đó chuyển những người di cư đã đến lãnh thổ Italy và Hy Lạp sang các nước EU khác theo hạn ngạch bắt buộc.

Cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu xảy ra từ năm 2015 khiến các quốc gia "đau đầu" tìm hướng giải quyết, như siết chặt kiểm soát biên giới, ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn dòng người di cư hay đóng cửa tuyến lộ trình Balkan - tuyến đường di cư chính vào châu lục này. Nhiều quốc gia châu Âu cũng đẩy nhanh việc trục xuất những người không được phê duyệt đơn xin tị nạn. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề hóc búa mà "Lục địa già" chưa thể giải quyết liên quan cuộc khủng hoảng này.

6. Mỹ bổ sung Triều Tiên, Venezuela và Chad vào danh sách cấm nhập cảnh

Ngày 24/9, Mỹ đã bổ sung Triều Tiên, Venezuela và Cộng hòa Chad vào danh sách các nước bị áp lệnh cấm nhập cảnh, với lý do được đưa ra là tình trạng an ninh không được đảm bảo và sự thiếu hợp tác của các nước này với giới chức Mỹ.

Lệnh cấm nhập cảnh toàn diện tới Mỹ được áp dụng đối với công dân các nước Triều Tiên và Chad, trong khi các biện pháp hạn chế nhập cảnh được áp dụng với Venezuela. Lần này, Mỹ đã loại Sudan, một trong 6 nước có đa số là người Hồi giáo nằm trong lệnh cấm ban đầu này, ra khỏi danh sách cấm nhập cảnh.

Như vậy, với lần bổ sung mới nhất nêu trên, hiện có 8 nước bị cấm nhập cảnh toàn diện hoặc một phần vào Mỹ, gồm: Iran, Libya, Syria, Somalia và Yemen, Triều Tiên, Venezuela và Cộng hòa Chad.

Sắc lệnh trên của Mỹ ngay lập tức vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các nước.

Bộ Ngoại giao Venezuela cho rằng đây là hành vi “thù địch” của “đế quốc” Mỹ, mang tính áp đặt đơn phương và vi phạm trắng trợn nguyên tắc, quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế cũng như các quy định trong mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia. Venezuela tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi và chủ quyền chính đáng.

Trong khi đó, Chính phủ lâm thời Libya ngày 27/9 thông báo cấm công dân Mỹ nhập cảnh vào lãnh thổ Libya nhằm đáp trả sắc lệnh trên của Whashington.

Văn Duyên/Báo QĐND (Tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất