Thứ Sáu, 11/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 9/4/2016 10:22'(GMT+7)

Thế giới tuần qua: Cơn địa chấn "Hồ sơ Panama"

Rất nhiều chính trị gia trên toàn cầu được cho là có tên trong Hồ sơ Panama. (Ảnh: BBC)

Rất nhiều chính trị gia trên toàn cầu được cho là có tên trong Hồ sơ Panama. (Ảnh: BBC)

1. Ngày 3/4, Báo "Sueddeutsche Zeitung" (Nam Đức, SZ) đã công bố nhiều tài liệu mật, trong đó đề cập tới hoạt động tài chính của một loạt nhân vật giàu có và có thế lực trên thế giới, được cho là trốn thuế với sự trợ giúp của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama và có văn phòng tại hơn 35 nước trên thế giới. Nguồn tin được lấy từ một người giấu tên.

Theo thông tin từ 2,6 terabyte dữ liệu, 11,5 triệu bản ghi chép đã thu thập được, công ty luật Mossack Fonseca đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế", giúp khách hàng trốn thuế và rửa tiền thông qua 214.000 công ty ma, ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong danh sách công bố, khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước trốn tránh nghĩa vụ của mình.

Ủy viên Ban Đạo đức FIFA Juan Pedro Damiani; Ngôi sao bóng đá Lionel Messi, trùm truyền hình thực tế Simon Cowell, con trai cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, đạo diễn Stanley Kubrick và ngôi sao điện ảnh Thành Long… cũng có tên trong danh sách này. Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson đã từ chức do sức ép của dư luận sau những cáo buộc cho rằng, ông và vợ đã che giấu các khoản đầu tư hàng triệu USD bằng bình phong là một công ty nước ngoài.

Giới chức nhiều nước đã cam kết sẽ tiến hành các cuộc điều tra toàn diện về “Hồ sơ Panama” để trấn an dư luận.

Sau vụ WikiLeaks tiết lộ các bí mật về hoạt động tại nhà tù của Mỹ ở Vịnh Guantanamo; Edward Snowden tiết lộ vụ tòa án bí mật của Mỹ ra lệnh buộc công ty viễn thông Mỹ Verizon phải cung cấp thông tin cuộc gọi của các khách hàng cho NSA; “Hồ sơ Panama” được xem là vụ rò rỉ thông tin mật lớn nhất mà truyền thông quốc tế tiếp cận và công bố.

Hiện công tác giải mật nguồn dữ liệu trên vẫn được tiếp tục tiến hành, và danh sách những người liên quan được nối dài từng ngày.

2. Sau hơn 2 thập kỷ im tiếng súng, vùng đất tranh chấp giữa hai nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ là Armenia và Azerbaijan là Nagorno-Karabakh đã bùng phát giao tranh dữ dội, gây thương vong lớn cho cả 2 phía. Ít nhất 77 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. An ninh toàn bộ khu vực Caucasus, vốn tồn tại nhiều bất ổn đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Binh sĩ Armenia nã pháo vào các vị trí của quân đội Azerbaijan ở Nagorny Karabakh. (Ảnh: Reuters)

Hai bên đổ lỗi cho nhau gây hấn trước. Chính phủ Armenia cho rằng, Azerbaijan đã mở một cuộc tấn công quy mô với xe tăng, pháo và máy bay trực thăng tại Nagorno-Karabakh. Azerbaijan thì tuyên bố họ phản công để đáp lại hành động của Armenia. 

Mặc dù đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngày 5/4, nhưng giao tranh vẫn nổ ra và mỗi bên đều có những mô tả khác nhau về những gì diễn ra trên thực địa.  

Cộng đồng quốc tế và giới chức nhiều nước đã lên tiếng kêu gọi hai bên kiềm chế. Nhiều hoạt động ngoại giao con thoi đã được tiến hành để ngăn khu vực này bị cuốn vào vòng xung đột mới.

Nagorny Karabakh là vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia mong muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) do Nga, Mỹ và Pháp làm đồng chủ tịch, xung đột vẫn xảy ra tại đây. Giao tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người và khiến hàng nghìn dân thường phải chạy lánh nạn. 

Điều đáng lo ngại hơn hiện nay là Nagorny Karabakh nằm ở khu vực Caucasus, ranh giới giữa châu Âu và châu Á có đa số người Hồi giáo sinh sống, từ nhiều năm qua, đây cũng là một trong những “điểm nóng”, là địa bàn hoạt động của các nhóm ly khai cực đoan cũng như các tổ chức khủng bố. Đặc biệt, nơi đây rất gần khu vực mà lực lượng khủng bố tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng kiểm soát.

3. Ngày 4/4, thỏa thuận về việc tiếp nhận người di cư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức có hiệu lực. Các bên đã bắt đầu thực hiện cam kết của mình.

Người tị nạn Syria vượt rào tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AP)

Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ nhận lại tất cả những người di cư, kể cả những người xin tị nạn tới Hy Lạp sau ngày 20/3 và sẽ bố trí “tái định cư” cho những người này trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, EU sẽ nhận những người đang tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ theo nguyên tắc “1 đổi 1”, với tối đa là 72.000 người. Thỏa thuận 1 đổi 1 chỉ được áp dụng đối với người tị nạn đến từ Syria.

Ngoài ra, EU sẽ phải hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 6 tỷ euro để cải thiện điều kiện sống cho khoảng 2,7 triệu người tị nạn Syria đang ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Ankara cũng yêu cầu EU phải đẩy nhanh tiến trình xem xét kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào khối này.
Thỏa thuận này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với EU, giúp Lục địa già giảm bớt gánh nặng người tị nạn cho các nước như Hy Lạp, đồng thời kiểm soát, sàng lọc tốt hơn những người tị nạn đặt chân vào châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều lo ngại về an ninh như hiện nay.

4. Năm 2015, thế giới đã chi gần 1.700 tỷ USD cho ngân sách cho quân sự.

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, trong năm 2015, chi tiêu quân sự của Mỹ dù đã giảm 2,4% so với năm trước nhưng vẫn ở mức 596 tỷ USD, lớn hơn chi tiêu của 7 nước đứng sau gộp lại và lớn gần gấp 3 lần so với chi tiêu quân sự của nước chi nhiều thứ 2 - Trung Quốc (215 tỷ USD). Trung Quốc năm 2015 đã tăng 7,4% chi tiêu quốc phòng so với năm 2014. Chi tiêu nhiều thứ 3 là Saudi Arabia - 87,2 tỷ USD, tăng 5,7%, thứ 4 là Nga với 66,4 tỷ USD, tăng 7,5%. 

Theo SIPRI, tổng cộng thế giới năm 2015 đã chi gần 1.700 tỷ USD cho quân sự, tăng 1% so với năm 2014 và chiếm khoảng 2,3% Tổng sản phẩm (GDP) toàn cầu. Sự gia tăng chi tiêu quân sự được ghi nhận lần đầu tiên năm từ năm 2011, do gia tăng chi tiêu quốc phòng ở Trung và Đông Âu, Trung Đông, châu Á và châu Đại Dương. Đặc biệt là sự giá tăng đáng kể chi tiêu quân sự (13%) ở Trung Âu, cụ thể là ở các quốc gia láng giềng với Nga và Ukraine gồm Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Slovakia và Estonia. 

5. Ngày 4/4, Mỹ và Philippines đã bắt đầu cuộc tập trận chung thường niên mang tên "Balikatan" (Vai kề vai). Khoảng 5.000 binh sĩ Mỹ cùng với gần 4.000 binh sĩ Philippines và 80 binh sĩ Australia tham gia cuộc tập trận dự kiến kéo dài 11 ngày này. Trung Quốc lên tiếng cảnh báo rằng, cuộc tập trận “có thể gây tổn hại cho chủ quyền của Trung Quốc”.

Cuộc tập trận diễn ra tại nhiều địa điểm gồm căn cứ không quân Clark, vịnh Subic và đảo Palawan. Đây là những địa điểm có vị trí chiến lược hướng ra Biển Đông. Philippines đã đưa vào thử nghiệm nhiều loại vũ khí mới mua gần đây. Trong cuộc tập trận còn có nội dung tái chiếm một đảo bị kẻ thù chiếm đóng trên Biển Đông.

Ngoài lực lượng Mỹ, vào ngày 3/4, tàu ngầm Nhật Bản Oyashio đã cập cảng ở Philippines lần đầu tiên trong 15 năm qua nhân chương trình tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước.

Cũng tại Biển Đông, tối ngày 3/4, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã di chuyển đến vị trí có tọa độ 17º3’12 Bắc - 110º04’18 Đông để tác nghiệp. Đây là khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán phân định. Ngoài ra, Trung Quốc đưa vào hoạt động trạm hải đăng trên đá Xubi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bội Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức họp báo lên án những hành động phi pháp này của phía Trung Quốc, đồng thời gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.

6. Nhóm Hồi giáo Jaysh al-Islam chống chính phủ Syria ngày 8/4 đã lên tiếng thừa nhận một đơn vị của lực lượng này đã sử dụng vũ khí hóa học trong vụ pháo kích nhằm vào các tay súng người Kurd tại Aleppo. Vụ tấn công đã khiến 23 người thiệt mạng và 100 người khác bị thương.

Trước đó ba ngày, các phần tử IS đã bắn một loạt tên lửa mang khí độc mù tạc vào một căn cứ không quân của quân đội Syria; đồng thời ra tay sát hại 175 công nhân của một nhà máy xi-măng ở phía Đông thủ đô Damass.

Trong khi đó, quân đội chính phủ Syria đã mở cuộc tấn công vào một số vị trí của quân nổi dậy tại tỉnh miền Bắc Aleppo nhằm đáp trả các vụ vi phạm thoả thuận ngừng bắn.

Trong một diễn biến liên quan, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bác dự thảo nghị quyết của Nga trong đó đề xuất cho phép người Kurd tham gia các cuộc hòa đàm dự kiến diễn ra ngày 13/4, tại Geneva.

Văn Duyên (tổng hợp)

(Nguồn: QĐND)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất