Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa lãnh đạo 3 nước sau 3 năm gián đoạn, chấm dứt một giai đoạn bế tắc về ngoại giao do những căng thẳng trong khu vực.
Tại cuộc gặp, 3 nhà lãnh đạo nhất trí tạm thời gạt sang một bên những khúc mắc lịch sử để thảo luận các mối quan tâm chung về an ninh và thương mại, như thúc đẩy đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên; hoàn tất hiệp định thương mại tự do 3 bên...
Việc các nhà lãnh đạo Trung-Nhật-Hàn bắt tay cùng ngồi vào bàn đàm phán được xem là bước tiến mới trong quan hệ 3 nước, hướng tới cải thiện quan hệ 3 bên sau thời gian dài căng thẳng. Việc nhất trí nối lại cơ chế hợp tác 3 bên cũng sẽ tạo cơ sở để vượt qua những rào cản trong các cặp quan hệ song phương, không để những trở ngại đó ngăn cản sự hợp tác và liên kết khu vực.
2. Ngày 4-11, Hội nghị ADMM mở rộng (ADMM+) diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia.
Hội nghi đã đánh giá lại tình hình hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ADMM+ thời gian qua. Theo đó, Cơ chế hợp tác ADMM+ ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Các nhóm chuyên gia (EWG) của ADMM+ đang đi vào hợp tác thực chất với các hoạt động diễn tập thực binh trên các lĩnh vực: An ninh biển; Hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa (HADR); Quân y; Chống khủng bố; Hành động mìn nhân đạo; Gìn giữ hòa bình.
|
Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Ảnh: Vietnam+
|
Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian để trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh – quốc phòng ở khu vực và trên thế giới, như sự gia tăng hoạt động của các nhóm khủng bố trong đó có lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và những diến biến gần đây ở Syria.
Về vấn đề Biển Đông, Hội nghị khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.
Trước đó, tại Hội nghị ADMM Retreat lần thứ 3, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cũng nhấn mạnh hợp tác quốc phòng là trụ cột chính trong Cộng đồng An ninh Chính trị ASEAN.
Trong những ngày gấp rút chuẩn bị hướng tới Cộng đồng chung ASEAN vào tháng 12 năm nay, một loạt những Hội nghị quan trọng khác của Khối đã diễn ra như: Hội nghị Đối thoại chính sách tại Singapore, Đại hội Hội đồng Tổ chức Kiểm toán tối cao ASEAN lần thứ 3, Hội nghị Bộ trưởng Giao thông Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 21, Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN 16. Hòa chung dòng chảy hữu nghị hợp tác đó là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 12 tại Luxembourg.
3. Mặc dù chưa nhất trí về tương lai chính trị của Tổng thống Al Assad, nhưng cả Nga và Mỹ đã có động thái mạnh mẽ hơn thể hiện quyết tâm “bắt tay” chống IS để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria. Theo đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng cấp Mỹ Kerry đã điện đàm trao đổi cách thức, lập trường chống IS và thành lập một phái đoàn thống nhất của phe đối lập Syria, tạo đà cải thiện tiến trình đối thoại chính trị quốc gia giữa chính phủ với phe đối lập.
|
Cái bắt tay mang đầy tính biểu tượng giữa ông Kerry (trái) và ông Lavrov (phải) trong cuộc gặp. Ảnh AP
|
Trước đó, Không quân Nga và Mỹ tiến hành một cuộc tập trận chung, kiểm tra phản ứng của tổ lái và các cơ quan mặt đất trong trường hợp xảy ra va chạm trên không.
Nga cũng đã thành lập một nhóm điều phối, kết nối các nỗ lực của quân đội Syria và các lực lượng yêu nước Syria từng tham gia phe đối lập; đồng thời định hướng cho các lực lượng đối lập tại Syria, mở ra cơ hội đi tới một giải pháp hòa bình.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 4-11, đại diện 24 quốc gia trong tổng số 65 thành viên của liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhóm họp ở thủ đô Brussels, Bỉ nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các thành viên trong cuộc chiến chống IS. Năm vấn đề chính được thảo luận tại cuộc họp gồm tình hình quân sự, vấn đề tài chính, chiến binh nước ngoài, phương tiện truyền thông và ổn định.
4. Chính phủ Nam Sudan, nhóm vũ trang đối lập Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLM/SPLA-IO), các thủ lĩnh SPLM từng bị bắt giữ đã ký kết một thỏa thuận về an ninh chuyển tiếp, sau cuộc họp kéo dài 14 ngày tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.
|
Người dân Nam Sudan bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Nguồn: capitalfm
|
Theo bản thỏa thuận, Quân đội và phe nổi dậy nhất trí triển khai lực lượng chung tại thủ đô Juba, cùng các sĩ quan an ninh tại 3 thành phố Bentiu, Malakal và Bor. Đây được coi là động thái quan trọng để triển khai lệnh ngừng bắn lâu dài.
Nam Sudan rơi vào nội chiến từ tháng 12-2013, sau khi bùng phát xung đột giữa quân đội của Tổng thống Salva Kiir với lực lượng nổi dậy trung thành với cựu Phó tổng thống Riek Machar bị cáo buộc âm mưu đảo chính. Ngày 27-8, hai bên đã ký thỏa thuận hòa bình, song các vụ đụng độ vẫn xảy ra và cả hai bên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.
5. Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể tiếp tục sử dụng quyền hành pháp để nới lỏng cấm vận cho Cuba mà không cần điều kiện đi kèm.
Ngày 3-11, Cố vấn đặc biệt của Ngoại trưởng Mỹ David Thorne, cho biết Washington sẽ cân nhắc các biện pháp tiếp theo sau khi các biện pháp nới lỏng mà Nhà Trắng ban hành trước đó phát huy hiệu quả. Washington đánh giá cao cách thức mà La Habana muốn tiến hành. Quan chức Mỹ nhấn mạnh, Washington không yêu cầu phải có thêm các điều kiện khác, đặc biệt liên quan tới vấn đề nhân quyền.
|
Một công nhân làm việc ởcảng vịnh Mariel, Cuba. Nguồn: AP
|
Kể từ tuyên bố lịch sử ngày 17-12 năm ngoái về tái thiết lập quan hệ ngoại giao, cho tới nay Tổng thống Obama đã 2 lần sử dụng quyền hạn của mình để nới lỏng lệnh cấm vận cho Cuba, trong đó bao gồm giảm nhẹ hạn chế đi lại cho công dân Mỹ tới Cuba, cho phép các công ty viễn thông Mỹ được hoạt động tại Cuba cũng như nhập khẩu hàng hóa từ thành phần kinh tế tư nhân của nước này.
Cuba cũng đã cấp phép cho doanh nghiệp Mỹ đầu tiên hoạt động tại Đặc khu Phát triển Mariel, một khu vực tự do thương mại nằm cách thủ đô La Habana 48km về phía Tây.
6. Ngày 31-10, Máy bay Airbus A321 mang số hiệu KGL-9268 của Hãng hàng không Kogalymavia của Nga đã gặp nạn khi đang trong hành trình từ thành phố nghỉ dưỡng Sharm El-Sheikh ở Ai Cập tới St. Petersburg của Nga. Toàn bộ 224 hành khách và phi hành đoàn, đa số là người Nga, được tuyên bố đã thiệt mạng.
|
Một mảnh vỡ của chiếc máy bay Nga gặp nạn tại Ai Cập. Ảnh: EPA
|
Đến nay, công tác nhận dạng nạn nhân và điều tra nguyên nhân máy bay gặp nạn vẫn đang được gấp rút tiến hành. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra. Nhà chức trách Ai Cập cho rằng, nguyên nhân vụ tai nạn có thể là trục trặc kỹ thuật. Trước đó, hãng tin TASS của Nga dẫn lời một nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết trên thi thể các nạn nhân không tìm thấy dấu vết tác động của chất nổ. Các quan chức an ninh Anh và Mỹ thì nhận định máy bay đã nổ tung trên bầu trời do bị khủng bố đặt bom. Chính phủ Ai Cập và Nga đã lên tiếng bác bỏ giả thuyết này.
Trong diễn biến liên quan, trang web FlightRadar24, chuyên giám sát các chuyến bay trên toàn thế giới, ngày 4-11 đã công bố độ cao trong 40 giây cuối cùng của chiếc máy bay xấu số này. Số liệu cho thấy chiếc A321 trước khi rơi đã đột ngột mất độ cao sau một " sự kiện đáng kể" nào đó.
Ngày 4-11, một thảm họa hàng không khác đã xảy ra tại Nam Sudan khi một máy bay vận tải đã bị rơi sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế ở thủ đô Juba, làm ít nhất 41 người thiệt mạng, bao gồm cả người trên máy bay và dưới mặt đất.
Theo QĐND
VĂN DUYÊN (tổng hợp)