Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 23/9/2017 20:46'(GMT+7)

Thế giới tuần qua: Tâm điểm Đông Bắc Á

Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Iran. (Ảnh: Reuters)

Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Iran. (Ảnh: Reuters)

1. Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên

Triều Tiên vừa dọa thử bom nhiệt hạch (bom H) có sức công phá cực mạnh trên Thái Bình Dương nhằm phản ứng “ở mức độ cao nhất” đối với Mỹ.

Tuyên bố trên được Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho đưa ra ngay sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết, đang cân nhắc những hành động mạnh mẽ nhất nhằm đáp trả lời đe dọa sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tại Đại hội đồng Liên hợp quốc đối với nước này.

Lời đe dọa này được coi là lời ám chỉ trực tiếp nhất của Tổng thống Mỹ về một hành động quân sự với Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 ngày 3/9 vừa qua.

Ngay lập tức, tuyên bố của Triều Tiên đã khiến các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế quan ngại. Hàn Quốc tuyên bố sẽ tăng cường sức ép với Bình Nhưỡng nếu cứ tiếp tục các hành động khiêu khích. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên không nên đi xa hơn nữa và nên đàm phán mới có thể giải quyết cuộc khủng hoảng. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết có thể phải chuẩn bị cho khả năng một tên lửa Triều Tiên gắn bom H bay qua lãnh thổ Nhật Bản nếu Bình Nhưỡng phóng thử một tên lửa như vậy ở Thái Bình Dương.

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang nhanh chóng sau hai lần Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản và thử thành công bom nhiệt hạch chỉ trong vòng một tháng qua. Trong một động thái được nhìn nhận là cảnh báo Triều Tiên, Mỹ đã triển khai 4 máy bay chiến đấu tàng hình loại F-35B và 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B tham gia cuộc tập trận ném bom trên bầu trời Hàn Quốc.  Ngoài ra, tàu sân bay Ronald Reagan của Hải quân Mỹ cũng đang tiến hành các cuộc tập trận với tàu chiến Nhật Bản tại vùng biển phía nam bán đảo Triều Tiên.

2. Bắn pháo qua biên giới Pakistan-Ấn Độ

Giới chức Pakistan và Ấn Độ cho biết hai bên đã xảy ra nã pháo qua khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước làm 6 người dân thiệt mạng và 30 người bị thương.

Vụ việc diễn ra dọc biên giới phân cách tỉnh Punjab của Pakistan với khu vực Jammu thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý, và phần lớn thương vong được đưa tin là bên phía Pakistan. Quân đội Pakistan cho biết 6 dân thường đã thiệt mạng và 26 người khác bị thương, đồng thời tuyên bố Pakistan đã đáp trả thích đáng nhằm vào những trạm gác phía Ấn Độ bắn pháo vào người dân nước này.

Trong khi đó, giới chức cảnh sát Ấn Độ tại Jammu cho biết các lực lượng Pakistan đã vi phạm lệnh ngừng bắn, làm bị thương 4 dân thường phía Ấn Độ.

Khu vực Kashmir chia cắt thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, nhưng cả hai nước đều nhận chủ quyền toàn bộ khu vực này. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn năm 2003, đụng độ giữa binh sĩ hai bên ở khu vực biên giới này vẫn tiếp diễn và hai bên thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.

3. Nguy cơ tái hiện “thảm họa trên biển” đối với người di cư

Hơn 120 người di cư thiệt mạng và mất tích trong hai vụ chìm tàu gần đây khi đang trên đường tìm đến “miền đất hứa” châu Âu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ tái hiện những “thảm họa trên biển” như từng xảy ra hồi năm 2015.

Hai chiếc tàu chở người di cư, một bị chìm ngoài khơi bờ biển tỉnh Kocaeli, phía đông thành phố Istanbul, và chiếc còn lại bị đắm ở ngoài khơi Sabratha, phía bắc thủ đô Tripoli của Libya, vốn là điểm tập kết và khởi hành của những người tìm cách di cư trái phép sang châu Âu.

Trước đó, lực lượng bảo vệ bờ biển Libya cũng đã cứu hơn 3.000 người di cư đang tìm cách vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu, trong khi đó phía Italy cứu được khoảng 2.000 người. Những con số trên chứng tỏ con đường di cư giữa Libya và Italy, nước châu Âu gần nhất, vẫn không bị khép lại hoàn toàn, bất chấp sự sụt giảm mạnh của dòng người di cư giữa hai quốc gia sau một thỏa thuận về người di cư giữa nhà chức trách Libya và Italy, được truyền thông công bố trong vài tuần gần đây.

Vượt biển để đến “miền đất hứa” châu Âu là sự lựa chọn của nhiều người di cư song luôn tiềm ẩn những rủi ro. Theo thống kê, năm 2015, khoảng một triệu người đã vượt biển Địa Trung Hải tới châu Âu. Tuy nhiên, hàng nghìn người đã thiệt mạng trong những chuyến vượt biển nguy hiểm này.

4. Động đất kinh hoàng tàn phá Mexico

Mexico hiện vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những nạn nhân mất tích trong trận động đất mạnh 7,1 độ Richter hôm 20-9 khiến ít nhất 250 người thiệt mạng. Mexico cũng tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng niệm những nạn nhân xấu số.

Sau trận động đất, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực chung tay giúp Mexico sớm khắc phục hậu quả. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện cho người đồng cấp Pena Nieto và đề nghị tham gia tìm kiếm cứu hộ với Mexico. Chile và El Salvador cam kết viện trợ và Honduras đã cử 36 nhân viên cứu hộ đến Mexico. Một nhóm 71 binh sĩ Israel gồm các kỹ sư và các chuyên gia tìm kiếm-cứu hộ đã có mặt ở Mexico.

Đây là vụ động đất mạnh thứ 2 xảy ra tại Mexico trong tháng này. Trước đó, hôm 7/9, một vụ động đất ở phía nam Mexico cũng đã khiến ít nhất 98 người thiệt mạng.

5. Iran quyết tâm phát triển tên lửa đạn đạo

Tổng thống Hassan Rouhani khẳng định quốc gia vùng Vịnh này sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự, cụ thể trong lĩnh vực phát triển tên lửa đạn đạo bất chấp sự phản đối của nhiều nước phương Tây.

Phát biểu trên được ông Rouhani đưa ra tại lễ diễu binh ở thủ đô Tehran ngày 22/9 nhân dịp tưởng niệm cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1980-1988 giữa Iran và Iraq, thể hiện rõ lập trường của Iran trong chương trình phát triển tên lửa của nước này.

Tuyên bố trên của Tổng thống Rouhani được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Iran và Mỹ đang rơi vào tình trạng căng thẳng liên quan đến Kế hoạch hành động Chung toàn diện (JCPOA), một thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi năm 2015 giữa Iran và Nhóm 5+1 (bao gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức).

Mỹ đã yêu cầu sửa đổi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Trong khi đó, Tehran khẳng định sẽ không dung thứ cho bất cứ mối đe dọa nào nhằm vào nước này.

6. Anh - EU và vấn đề Brexit

Trong bài phát biểu quan trọng tại thành phố Florence (Italy), Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sự thành công của các cuộc đàm phán giữa nước này và Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề Brexit hoàn toàn là “vì lợi ích của chúng ta”.
 
Đặc biệt, với mong muốn phá vỡ thế bế tắc hiện nay trong các đàm phán liên quan tới Brexit, bà May bày tỏ quyết tâm tăng cường bảo hộ về mặt pháp lý cho các công dân EU hiện đang sinh sống tại "Đảo quốc Sương mù".

Bà  bày tỏ mong muốn các tòa án của Anh “xem xét” các quyết định của Tòa án Tư pháp châu Âu (ECJ) khi các tòa Anh ra phán quyết về quyền hạn của công dân EU sinh sống tại Anh, sau khi các quan chức EU tuyên bố ECJ cần duy trì quyền xét xử đối với công dân EU tại Anh.

Thiện chí này của phía Anh được thể hiện sau khi 3 vòng đàm phán về Brexit giữa Anh và EU đã trôi qua mà hầu như không đạt được tiến triển đáng kể nào. Hai rào cản lớn nhất đối với tiến trình này là việc thanh toán "hóa đơn ly hôn" nhiều tỷ Euro và quyền lợi của công dân EU hiện đang sinh sống tại Anh./.

Văn Hiếu/QĐND (Tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất