1.
Căng thẳng tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, đặc biệt tại khu
vực Đông Nam. Ngày 2-5, xung đột dữ dội đã nổ ra tại thành phố
Slavyansk, miền Đông Ukraine, sau khi quân đội Ukraine mở cuộc tấn công
vào thành phố này nhằm trấn áp những người biểu tình và các đơn vị tự vệ
địa phương. Các phóng viên của hãng tin “Nước Nga 24 giờ” cho biết
trong thành phố có tiếng súng máy và tiếng đạn pháo, máy bay trực thăng
quần đảo trên bầu trời thành phố. Đại diện của lực lượng dân quân
Slavyansk, ông Vyacheslav Ponomarev thông báo với hãng tin RIA Novosti
của Nga rằng ít nhất một người thiệt mạng và một người khác bị thương,
ngoài ra ba xe bọc thép của lực lượng tự vệ Slavyansk đã bị hư hại.
Trong khi
đó, phía quân đội Ukraine cũng chịu thiệt hại. Hãng tin AFP của Pháp dẫn
lời các quan chức tại Kiev cho biết các đơn vị tự vệ địa phương đã bắn
rơi 2 máy bay trực thăng và làm 2 binh lính quân đội Ukraine bị thiệt
mạng. Quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cũng xác nhận một phi
công đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương sau khi những nhóm vũ
trang ở thành phố Slavyansk sử dụng tên lửa phòng không tấn công các lực
lượng của Kiev.
|
Binh lính Ukraine triển khai tại khu vực phía Đông. Ảnh: MLTR |
Suốt tuần
qua, không ngày nào không có thông tin về các cuộc xung đột giữa cảnh
sát và người biểu tình. Ngày 1-5, khoảng 300 người biểu tình đã tấn công
văn phòng công tố ở thành phố Donetsk, miền Đông Ukraine. Cảnh sát buộc
cảnh sát phải đáp trả bằng lựu đạn gây choáng và hơi cay. Trước đó,
ngày 29-4 đưa tin, hơn 3.000 người biểu tình đã chiếm giữ tòa nhà chính
quyền thành phố Lugansk, miền Đông Ukraine sau khi chính phủ tạm quyền
Kiev không đáp ứng thời hạn chót cho những người biểu tình đề ra về việc
tổ chức trưng cầu dân ý liên bang hóa Ukraine. Ngày 28-4, trụ sở cảnh
sát tại thành phố Konstantinovka, thuộc tỉnh Donesk, cũng đã bị một số
người lạ mặt chiếm giữ. Ngày 27-4, gần 3.000 người đã xuống đường tham
gia cuộc mít tinh tại Quảng trường Lenin ở trung tâm thành phố Donetsk.
|
Khu vực quân đội Ukraine sẽ triển khai quân. Ảnh: MTLR |
Gia tăng
xung đột tại miền Đông khiến chính quyền tại Kiev ra lệnh tiếp tục tăng
cường quân phục vụ chiến dịch quân sự tại miền Đông. Tổng thống tạm
quyền Ukraine Oleksandr Turchynov cho biết quân đội nước này được lệnh
"trực chiến toàn diện". Ông Turchynov cũng cho biết để ngăn chặn căng
thẳng leo thang trên toàn Ukraine, các nhà chức trách nước này đã ra
lệnh thành lập các đơn vị quân đội đặc biệt ở các địa phương. Ngày 27-4,
Bộ Quốc phòng Nga đã công bố các dữ liệu cho thấy Ukraine hiện đã bố
trí khoảng 11.000 binh lính, 400 xe tăng và xe bọc thép cùng nhiều hệ
thống pháo hỏa tiễn “Grad” và "Smerch” gần thành phố Slavyansk, miền
Đông Ukraine.
|
Người biểu tình xông vào chiếm một số tòa nhà công quyền. Ảnh Reuters |
Trước
những diễn biến xung đột nguy hiểm nói trên, Nga đã lên tiếng cảnh báo
thỏa thuận hòa bình Geneva mới đạt được có thể sẽ bị phá vỡ. Phía Nga
kêu gọi áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp để giảm căng thẳng. Ngày
1-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng
Angela Merkel. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin khẳng định việc
chính quyền Kiev rút các đơn vị quân sự ra khỏi khu vực Đông Nam, chấm
dứt bạo lực và tiến hành đối thoại dân tộc là những vấn đề then chốt
nhằm giải quyết cuộc xung đột hiện nay.
Trong một
diễn biến mới nhất, ngày 30-4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã thông qua
gói viện trợ tài chính trị giá 17 tỷ USD cho Ukraine trong hai năm. Đây
là một phần trong chương trình cứu trợ quy mô lớn dành cho Ukraine có
tổng trị giá 27 tỷ USD, gồm cả Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu và
các đối tác khác. Chương trình viện trợ của IMF đi kèm theo các yêu cầu
cải cách khắc khổ, nhằm hỗ trợ khôi phục sự ổn định của nền kinh tế vĩ
mô và tăng trưởng bền vững cho Ukraine.
2.
Nhằm tái khẳng định cam kết chuyển trọng tâm ngoại giao sang khu vực
châu Á - Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thực hiện chuyến
công du 4 nước châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines.
Chuyến đi của ông Obama chú trọng việc trấn an các đồng minh về sự hậu
thuẫn an ninh của Mỹ. Với chuyến thăm châu Á lần này, Tổng thống Obama
muốn phát đi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ sẽ là nhân tố trung tâm ở
châu Á trong nhiều năm tới.
|
Ông Obama và S.Abe tại một quán ăn ở Nhật Bản. Ảnh: NHK |
Kết quả
sau chuyến đi là những tuyên bố và thỏa thuận hợp tác an ninh song
phương. Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Nhật Bản - một trong những
đồng minh thân cận nhất tại châu Á, Mỹ đã đáp ứng mong đợi của Tokyo với
tuyên bố quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông (Nhật Bản gọi là
Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) nằm trong phạm vi bảo vệ của Hiệp
ước an ninh Mỹ-Nhật. Điều đó có nghĩa là các lực lượng Mỹ đóng tại Nhật
Bản sẵn sàng đáp trả bất cứ sự đe dọa nào về quân sự nhằm vào Nhật Bản.
Tại Hàn Quốc, vấn đề cốt lõi là Mỹ đồng ý hoãn việc chuyển giao Quyền
chỉ huy thời chiến (OPCON) cho Hàn Quốc, trước đó được dự kiến vào tháng
12-2015. Tại Malaysia, hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ song phương
lên "quan hệ đối tác toàn diện". Tổng thống Obama đã khẳng định sự đồng
tình của Mỹ với quan điểm của Malaysia trong vấn đề Biển Đông, theo đó
tất cả các quốc gia đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Còn tại điểm
dừng chân cuối cùng là Philippines, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác
quân sự mới, cho phép Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ
quốc cảu Philippiines.
Về vấn đề tranh chấp lãnh hải trên Biển
Đông, Tổng thống Mỹ Obama nêu rõ, Mỹ ủng hộ một giải pháp hòa bình. Bên
cạnh đó, hai nhà lãnh đạo còn nhất trí tăng cường mối quan hệ về kinh
tế.
3.
Tối 30-4, tại ga tàu hỏa lớn nhất ở thủ phủ Urumqi (U-rum-chi) của khu
tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, miền Tây Bắc Trung Quốc đã xảy ra một vụ
tấn công khủng bố. Theo thông báo mới nhất của cảnh sát Trung Quốc,
những kẻ tấn công đã sử dụng thiết bị nổ làm 3 người chết và 79 người bị
thương. Trong số những người thiệt mạng có một dân thường và 2 kẻ tình
nghi là thủ phạm. Các thông tin ban đầu xác nhận thủ phạm là Sắc Địa Nhĩ
Đinh (Sedierding) và Sa Ngô Đề (Shawudi), người huyện A Khắc Tô Sha Nhã
(Akesushaya). Hai tên này từng tham gia vào các hoạt động tôn giáo cực
đoan và chịu ảnh hưởng sâu sắc của các hoạt động này.
|
Khu vực ga tàu hỏa lớn nhất ở thủ phủ Urumqi. Ảnh: Xinhua |
Thông tin
của cảnh sát cho biết thêm, những kẻ tấn công đã dùng dao đâm chém những
người có mặt gần khu vực cửa ra của nhà ga, đồng thời gây nổ lớn. Vụ
tấn công xảy ra đúng thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết
thúc chuyến khảo sát Tân Cương lần đầu tiên kể từ sau Đại hội 18. Phản
ứng khi biết tin về vụ tấn công, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi “có
những hành động quyết liệt” đối với các vụ tấn công khủng bố bạo lực.
|
Cảnh sát Bắc Kinh diễn tập chống khủng bố tại nhà ga Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua |
Một ngày
sau khi xảy ra vụ khủng bố tại nhà ga tàu hỏa lớn nhất thủ phủ
Urumqi cảnh sát Trung Quốc đã tiến hành một cuộc diễn tập chống khủng bố
ngay tại một nhà ga xe lửa ở Bắc Kinh. Theo thông báo của cảnh sát Bắc
Kinh, cuộc diễn tập diễn ra từ đêm mùng 1 đến trưa ngày 2-5 với sự tham
gia của cảnh sát có vũ trang, các đơn vị đặc nhiệm và chống khủng bố,
với tình huống giả định là "một vụ tấn công khủng bố" xảy ra ngay tại
nhà ga xe lửa ở Bắc Kinh.
4.
Ngày 30-4, Chương trình so sánh quốc tế (ICP) thuộc Ngân hàng Thế giới
(WB) công bố một báo cáo cập nhật, dự báo ngay trong năm 2014 này, Trung
Quốc sẽ qua mặt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo báo
cáo của ICP, cho biết ở thời điểm năm 2005 quy mô nền kinh tế Trung Quốc
chưa bằng một nửa, cụ thể chỉ bằng 43% kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, đến năm
2011, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng lên khá nhanh,
chiếm tới 87% kinh tế Mỹ, tính theo phương pháp sức mua hàng hóa và
dịch vụ tương đương (PPP). Cách đây không lâu, Trung Quốc cũng đã vượt
qua Mỹ trở thành quốc gia buôn bán lớn nhất thế giới.
|
Cách đây không lâu, Trung Quốc cũng đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia buôn bán lớn nhất thế giới.Ảnh: Xinhua |
Trước đó,
ngày 29-4, tờ “The Economist” và tờ “The Financial Times” cũng đưa tin
về việc Trung Quốc vươn lên vị trí đứng đầu về quy mô kinh tế. Tuy
nhiên, phương pháp so sánh sức mua tương đương không phản ánh được sự
giàu có của một quốc gia tính theo đầu người. Nếu tính theo đầu người,
Trung Quốc, với dân số hơn 1,3 tỉ người, vẫn bị xem là quốc gia đang
phát triển và đứng sau Mỹ. Dữ liệu từ WB cho biết GDP của Mỹ năm 2012 là
hơn 16.000 tỷ USD và kinh tế Trung Quốc chỉ bằng hơn một nửa, khoảng
hơn 8.800 tỷ USD.
5.
Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia
Hishammuddin Hussein cho biết nước này sẽ thảo luận với các đối tác quốc
tế, trong đó có Australia, về cách thức thực hiện phương án mới trong
việc tìm kiếm máy bay mất tích MH-370.
|
Ông Hishammuddin Hussein cho biết, Malaysia sẽ cố gắng cao nhất để tìm bằng được máy bay MH-370. Ảnh: AP |
Cụ thể,
triển khai các phương tiện có khả năng tìm kiếm ở vùng biển sâu, chi phí
hoạt động tìm kiếm, cách thức phối hợp thông tin giữa các bên hữu quan
về những diễn biến mới nhất trong chiến dịch tìm kiếm và cung cấp thông
tin cho thân nhân hành khách. Bộ trưởng Hishammuddin cũng thông báo về
việc bổ nhiệm ông Kok Soo Chon phụ trách Đội điều tra quốc tế. Nhiệm vụ
chính của Đội điều tra quốc tế là đánh giá, điều tra và đưa ra kết luận
về vụ máy bay MH-370 mất tích nhằm tránh tái diễn các vụ việc tương tự
trong tương lai. Đội điều tra bao gồm các đại diện của Ủy ban an toàn
giao thông quốc gia Mỹ (NTSB), Cơ quan điều tra tai nạn hàng không Anh
(AAIB), Cục điều tra tai nạn máy bay Trung Quốc (AAID), Cơ quan điều tra
và phân tích an ninh hàng không Pháp (BEA), Cơ quan an toàn giao thông
Austrialia (ATSB), đại diện của ASEAN từ Singapore và Indonesia. Ngoài
ra, còn có đại diện của tập đoàn Boeing (Mỹ), và Rolls Royce và Inmarsat
(Anh).
6.
Ngày 27-4, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won đã đệ đơn từ chức do vụ
chìm phà SEWOL khiến hơn 300 người thiệt mạng và mất tích. Phát biểu
trong cuộc họp báo ngày 27-4, ông Chung Hong-Won cho biết điều đúng đắn
mà ông cần làm là nhận trách nhiệm và từ chức. Ông Chung Hong-Won nêu rõ
ông muốn từ chức sớm hơn nhưng phải ưu tiên xử lý tình hình trước.
Chính phủ Hàn Quốc đã bị chỉ trích kịch liệt về vụ chìm phà SEWOL và xử
lý công tác cứu hộ không hiệu quả. Ngày 28-4, các công tố viên và cảnh
sát Hàn Quốc đã tiến hành một loạt vụ khám xét nhằm mở rộng điều tra các
cá nhân có liên quan đến vụ chìm phà SEWOL.
|
Hiện trường vụ đâm tàu. Ảnh: Yonhap |
Trong khi
Hàn Quốc còn đang đau buồn về thảm họa chìm phà SEWOL hôm 16-4 vừa qua
thì chiều 2-5, trên tuyến đường xe điện ngầm số 2 ở thủ đô Seoul đã xảy
ra va chạm giữa 2 đoàn tàu khi ra vào ga Sangwangsimni làm khoảng 170
người bị thương. Các nhân chứng cho biết một đoàn tàu đang rời ga
Sangwangsimni ở phía Đông thủ đô Seoul, thì bị một đoàn tàu khác đâm từ
phía sau./.
Nguyễn Hoà (QĐND)