1. Ngày 2-3, sau khi các hoạt động ở cấp ủy ban và nhóm công tác trong khuôn khổ Hội nghị SOM 1 và các cuộc họp liên quan kết thúc, Hội nghị lần thứ nhất quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017 đã khai mạc tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. 

Hơn 170 đại biểu, bao gồm quan chức cao cấp từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, đại diện Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) đã tham dự Hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận việc thực hiện khung chương trình APEC về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu; Khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn và thành thị nhằm tăng cường an ninh lương thực, tăng trưởng bao trùm; Vai trò của các thị trường lương thực trong việc tăng cường an ninh lương thực ở khu vực; Các bước đi tiếp theo nhằm chuẩn bị cho tầm nhìn APEC sau năm 2020; thảo luận đề xuất của Australia và Canada về cải cách dự án. 

Ngoài ra, các đại biểu cũng nghe báo cáo kết quả hoạt động của các ủy ban và nhóm công tác được tổ chức trong 12 ngày làm việc vừa qua.

Tại Hội nghị lần này, các đại biểu sẽ khởi động triển khai các kế hoạch hành động chung nhằm mở rộng cơ hội đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực để người dân, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung tận dụng được các cơ hội của một thế giới toàn cầu hóa đang thay đổi nhanh chóng. 

2. Bê bối chính trị tại Hàn Quốc tiếp tục có diễn biến phức tạp

Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Park Geun-hye ngày 28-2 đã bị xác định là một nghi phạm tham nhũng. Các công tố viên cáo buộc bà Park cấu kết với người bạn thân Choi Soon-sil để nhận hối lộ từ Tập đoàn Samsung, nhằm đổi lấy những ưu đãi đối với hoạt động của mình. 

Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye. Ảnh: Yonhap  

Bà Park hiện đang chờ phán quyết của Tòa án Hiến pháp về việc Quốc hội luận tội bà tháng 12-2016, tuy nhiên bà sẽ không phải đối mặt ngay lập tức với các lời buộc tội do quy định tổng thống đương nhiệm được miễn trừ truy tố. 

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-Yong và 4 giám đốc hàng đầu của tập đoàn này cũng bị truy tố vì các tội danh hối lộ, tham ô và che giấu tài sản ở nước ngoài...  

Mặc dù thời hạn cho cuộc điều tra về vụ bê bối chính trị liên quan tới Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye đã kết thúc nhưng những sóng gió trên chính trường Hàn Quốc vẫn chưa hề lắng xuống. Ngày 27-2, sau khi quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn bác bỏ đề nghị gia hạn cuộc điều tra, các đảng đối lập chính ở Hàn Quốc tỏ ra vô cùng tức giận. Phe đối lập thậm chí tuyên bố tìm cách luận tội quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình ủng hộ và phản đối bà Park Geun-Hye vẫn diễn ra tại thủ đô Seoul với sự tham gia của hàng triệu người ở cả hai phe. Khoảng 17.000 cảnh sát chống bạo động đã được huy động để đảm bảo an ninh.

3. Hòa đàm Syria: Phe đối lập chấp nhận đưa vấn đề chống khủng bố vào chương trình nghị sự

Ngày 3-3, vòng đàm phán mới nhất về Syria do LHQ bảo trợ diễn ra tại Geneva đã kết thúc sau 8 ngày thương lượng. Dù không có đột phá, song Đặc phái viên LHQ Staffan de Mistura khẳng định các bên liên quan đã có một chương trình nghị sự rõ ràng để theo đuổi một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài 6 năm qua ở quốc gia Trung Đông này. 

Quang cảnh một cuộc đàm phán tại Geneva về tình hình Syria. Ảnh: DPA

Nội dung chương trình nghị sự sẽ bao gồm 4 lĩnh vực, trong đó có vấn đề chống khủng bố như yêu cầu của chính phủ Syria. Đây được xem là một kết quả tích cực cho chính quyền Syria, bởi trước đó hòa đàm bị bế tắc do phe đối lập phản đối đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự. Như vậy, vòng đàm phán sắp tới tại Geneva sẽ đề cập tới "chiến lược chống khủng bố", nhưng việc thực hiện cụ thể các biện pháp chống lại các nhóm khủng bố sẽ được thảo luận tại Astana. 

Nasr al-Hariri, Trưởng đoàn đàm phán của Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) khẳng định đây là lần đầu tiên các bên thảo luận chiều sâu về các vấn đề liên quan tới tương lai của Syria và chuyển giao chính trị. Bên cạnh đó, phe đối lập Syria cũng tạm thời chấp nhận bộ tài liệu được LHQ trao cho tất cả các phái đoàn đàm phán, gồm 12 nguyên tắc được cho là nền tảng của vòng hòa đàm tiếp theo, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục can dự vào các vòng đàm phán này.  

Trong một diễn biến liên quan, tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 28-2, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết dự thảo nghị quyết áp đặt lệnh cấm vận nhằm vào các thực thể và cá nhân ở Syria có liên quan đến cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học do Mỹ, Anh, Pháp đệ trình.  

4. Colombia khởi động tiến trình giải giáp FARC

Ngày 1-3, dưới sự giám sát của Liên hợp quốc, Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã bắt đầu giải giáp vũ khí theo một thỏa thuận hòa bình lịch sử, khởi đầu giai đoạn chuyển tiếp sang đảng phái chính trị sau hơn một nửa thế kỷ xung đột. Theo đó, khoảng 7.000 tay súng FARC hiện đang có mặt tại 26 vùng chuyển tiếp tham gia giao nộp vũ khí và quá trình này sẽ kết thúc vào đầu tháng 6.

Các cựu thành viên của FARC . Ảnh: EFE

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, người đã giành giải thưởng Nobel hòa bình vào tháng 10 năm ngoái nhờ những nỗ lực trong việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 53 năm qua ở Colombia đã gọi việc giải giáp vũ khí của FARC là "những tin tức lịch sử đối với người Colombia." 

Trong khi đó, thủ lĩnh FARC Rodrigo Londono cho biết, các thành viên FARC thực sự mong muốn tiến trình này. Một thủ lĩnh cấp cao khác của FARC đã gọi việc giải giáp vũ khí là "một khoảnh khắc" đáng nhớ. 

Cuối tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Colombia Santos và FARC đã ký thỏa thuận hòa bình sửa đổi, thay thế cho thỏa thuận lần thứ nhất bị các cử tri nước này bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý. Để đẩy nhanh tiến trình hòa giải, Tổng thống Santos đã quyết định văn bản lần này không phải thông qua trưng cầu dân ý. Quốc hội Colombia cũng đã thông qua luật ân xá cho các quân nhân và thành viên FARC, trừ những người phạm tội ác chiến tranh hoặc tội ác diệt chủng trong hàng ngũ của cả 2 phía.

5. Gia tăng căng thẳng trong quan hệ Đức – Thổ Nhĩ Kỳ

Sau Gaggenau và Cologne, đến lượt Frechen quyết định hủy một cuộc mít-tinh lớn của cộng đồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, động thái có thể đẩy căng thẳng giữa hai nước lên một nấc thang mới. 

Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag chỉ trích phía Đức vì đã hủy buổi mit tinh quan trọng của ông trên đất Đức. Ảnh: Reuters 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố Đức cần phải "học cách cư xử" nếu muốn tiếp tục duy trì quan hệ với nước này. Ông Cavusoglu cho rằng việc Đức cản trở các Bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu tại các cuộc mít tinh của cộng đồng người gốc Thổ cho thấy Đức đang áp dụng các tiêu chuẩn kép trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trước đó, 2-3, với lý do không đủ không gian, thị trấn Gaggenau đã hủy cuộc mít tinh mà Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag dự kiến sẽ có bài phát biểu nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của 1,5 triệu người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ đối với cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 4 tới. Sau sự việc trên, ông Bozdag đã hủy cuộc gặp với người đồng cấp Đức, trở về Thổ Nhĩ Kỳ và Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu Đại sứ Đức đến để yêu cầu giải thích. 

Ngoài ra, hôm 26-2, thành phố Cologne của Đức cũng đã hủy sự kiện Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybecki đến dự và phát biểu vào với lý do không đảm bảo an ninh. 

Cũng liên quan đến căng thẳng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Đức, hôm 27-2, Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ phóng viên nổi tiếng Deniz Yucel làm việc cho tờ "Die Welt" của Đức. Berlin tuyên bố vụ bắt giữ phóng viên người Đức đang điều tra vụ đảo chính thất bại vào tháng 7 năm ngoái, đã gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ hai nước. 

6. Nhóm khủng bố Abu Sayyaf tại Philippines ngày 27-2 đã đăng tải đoạn video chặt đầu con tin người Đức, sau khi hết hạn nhận tiền chuộc ngày 26-2. 

Abu Sayyaf hiện quy tụ khoảng 400 phần tử Hồi giáo cực đoan. (Nguồn: BBC) 

Quân đội Philippines đã lên tiếng xác nhận sự việc này. Nạn nhân là ông Juegen Kantner, 70 tuổi, quốc tịch Đức, bị nhóm khủng bố bắt cóc hồi tháng 11-2016. Theo nguồn tin quân đội, nhóm phiến quân Abu Sayyaf đã đòi khoản tiền chuộc 30 triệu peso (tương đương 600.000 USD) với hạn chót là 15h ngày 26-2 để thả ông. Quân đội Philippines đã tăng cường chiến dịch chống Abu Sayyaf nhằm nỗ lực giải cứu con tin trên song không thành công. 

Abu Sayyaf là một trong các các nhóm thánh chiến nhỏ nhất nhưng bạo lực nhất ở miền nam Philippines, do Abu Sayyaf - Abdurajak Abubakar Janjalani, một giáo sĩ Hồi giáo đã tham gia cuộc chiến giữa Liên Xô và phiến quân Afghanistan thành lập. Nhóm này có khoảng 400 thành viên, bắt nguồn từ phong trào ly khai ở miền nam Philippines – một khu vực nghèo khó, nơi người Hồi giáo chiếm đa số. Abu Sayyaf khét tiếng với việc bắt cóc đòi tiền chuộc và tấn công cả dân thường lẫn quân đội. Năm 2004, tổ chức Abu Sayyaf đã đánh bom một con phà ở vịnh Manila, làm 116 người thiệt mạng.

VĂN DUYÊN (tổng hợp)