Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 2/9/2017 16:3'(GMT+7)

Thế giới tuần qua: Vẫn còn nhiều bất đồng, căng thẳng

1. Bán đảo Triều Tiên đang trên bờ vực của xung đột quy mô lớn

Bán đảo Triều Tiên lại “dậy sóng” khi sáng 29/8, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo ra vùng biển Nhật Bản. Tên lửa đã lên tới độ cao 550km, bay xa 2.700km qua không phận Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009, một tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản.


Hình ảnh vụ phóng tên lửa cua Triều Tiên hồi tháng 3. (Ảnh: KCNA)

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 30/8 đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn kêu gọi tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa mới vào Thái Bình Dương. KCNA cho biết ông Kim bày tỏ "rất hài lòng" với việc phóng tên lửa nói trên, gọi đây là một "khúc dạo đầu có ý nghĩa" nhằm kiềm chế đảo Guam - nơi có một căn cứ quân sự của Mỹ. Triều Tiên cũng cáo buộc Mỹ đã đẩy tình hình Bán đảo Triều Tiên tới "mức bùng nổ", đồng thời tuyên bố việc đáp trả bằng những "biện pháp phản kháng mạnh" là chính đáng. 

Nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích động thái mới nhất này của Bình Nhưỡng.

Trong cuộc họp khẩn cấp diễn ra vào sáng 30/8, Hội đồng Bảo an LHQ đã lên án vụ Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản, coi đây là "mối đe dọa thái quá".

Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhất trí phối hợp chặt chẽ với nhau và cùng với Mỹ để đối phó với các hành động khiêu khích liên tiếp của Triều Tiên. Bộ Ngoại giao ba nước này lên án mạnh mẽ vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, coi đây là "sự vi phạm trắng trợn Nghị quyết 2371 của Hội đồng Bảo an LHQ”. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định việc tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ nước này là một "mối đe dọa nghiêm trọng, chưa từng có, hủy hoại hòa bình và an ninh khu vực".

Bên cạnh đó, các quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí sẽ có sự đáp trả mạnh mẽ đối với vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Bình Nhưỡng, trong đó có thể có cả các biện pháp quân sự vào thời gian sớm nhất có thể.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng chỉ thị quân đội phô diễn sức mạnh quân sự áp đảo Bình Nhưỡng. Bốn máy bay chiến đấu F-15K của Hàn Quốc đã tiến hành diễn tập ném bom giả định nhắm vào Triều Tiên. Mỹ cũng triển khai nhiều máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến đấu có khả năng tàng hình tới khu vực này.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đã lên chỉ trích mạnh mẽ việc Triều Tiên phóng thử tên lửa qua không phận Nhật Bản. Anh, Nhật Bản đề xuất trừng phạt lao động Triều Tiên ở nước ngoài.

2. Cuộc chiến ngoại giao Nga - Mỹ bước sang giai đoạn mới

Nhằm đáp trả việc Điện Kremlin yêu cầu Mỹ cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại Nga, ngày 31-8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu Nga đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở San Francisco cùng 2 cơ sở Thương vụ Washington và New York. Ngoài ra, số lượng nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Nga ở thủ đô Washington và Tổng lãnh sự quán tại New York cũng bị yêu cầu giảm xuống.


(Ảnh minh họa. vtv.vn)

Phản ứng trước động thái trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bày tỏ lấy làm tiếc về tình trạng "căng thẳng leo thang không phải do Nga khơi mào". Ông Lavrov khẳng định Moskva sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng những động thái của Mỹ, sau đó sẽ có phản ứng.   

Trước đó, hôm 23/8, Mỹ thông báo tạm ngừng thủ tục cấp thị thực không định cư trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga. Thủ tục này sẽ được khôi phục vào ngày 1-9 song chỉ tại Đại Sứ quán Mỹ ở Moskva, còn lãnh sự quán ở các thành phố khác của Nga sẽ tạm ngừng cấp thị thực vô thời hạn. 

Tháng trước, Moskva đã yêu cầu Washington cắt giảm hơn một nửa số cán bộ ngoại giao và nhân viên kỹ thuật tại Nga xuống còn 455 người, sau khi Quốc hội Mỹ ủng hộ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.  

Hiện Mỹ đang điều tra về cái gọi là sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Hy vọng của ông Trump về việc thắt chặt quan hệ với Nga ngày càng trở nên khó khăn hơn khi những cuộc trả đũa ngoại giao giữa hai cường quốc vẫn còn tiếp diễn.

3. Bạo lực leo thang tại Rakhine, Myanmar

Tuần qua, it nhất 18.500 người Rohingya tại bang Rakhine của Myanmar đã phải sơ tán sang nước láng giềng Bangladesh kể từ khi cuộc giao tranh mới bùng phát giữa quân đội và các tay súng nổi dậy.   


Người dân sơ tán khỏi thị trấn Maungdaw, bang Rakhine để tránh bạo lực ngày 26/8. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Giao tranh giữa quân đội Myanmar và các phần tử nổi dậy bùng phát tại bang Rakhine hồi tuần trước sau khi các tay súng tấn công 24 đồn cảnh sát và đột nhập một căn cứ quân sự tại bang trong đêm 24/8. Các tay súng cực đoan đã đốt phá hơn 2.300 căn nhà trong các vụ đụng độ đang diễn ra. Sáng 25/8, các tay súng khủng bố đã tiến hành một loạt các vụ tấn công vào 30 đồn cảnh sát ở bang Rakhine khiến 12 nhân viên an ninh và 1 quan chức nhập cư thiệt mạng. Lực lượng an ninh Myanmar đã tiêu diệt được 77 tay súng và bắt sống 2 đối tượng.

Đụng độ đã làm ít nhất 110 người thiệt mạng và khiến hàng chục nghìn người di cư, chủ yếu là người Hồi giáo Rohingya, chạy sang Bangladesh. 

Myanmar không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước mình, và gọi họ là người Bengalis - hay người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng - dù nhiều người đã sống tại Myanmar qua nhiều thế hệ. Giới chức Myanmar cáo buộc các phần tử nổi dậy là thành viên lực lượng Tổ chức Thống nhất người Rohingya, một nhóm vũ trang sắc tộc nhỏ Rohingya hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước.

4. Đàm phán Anh - EU về Brexit gặp nhiều thách thức

Vòng đàm phán thứ ba về việc Anh rời khỏi EU, còn gọi lại Brexit đã khép lại nhưng hai bên đã không đạt được tiến bộ quyết định đáng kể nào.

Tại vòng đàm phán này, các bên tập trung thảo luận chủ yếu về 3 vấn đề ưu tiên theo quan điểm của EU, đó là: Quyền của các công dân châu Âu sinh sống và làm việc tại Anh, vấn đề thanh toán "các hóa đơn Brexit" và biên giới tương lai giữa Ireland với Bắc Ireland của Anh.


(Ảnh minh họa: Reuters)

Trong khi London luôn tỏ ra "nóng lòng" với việc định hình mối quan hệ hậu Brexit thì phía EU cho rằng cần phải có những "tiến triển hợp lý" trong 3 lĩnh vực chính mới có thể tiến tới các cuộc đàm phán về quan hệ song phương, đặc biệt là quan hệ thương mại. EU cũng đánh tín hiệu rằng khó có thể bắt đầu đàm phán về quan hệ song phương vào tháng 10 tới như dự kiến ban đầu. 

Hiện tại, nước Anh đang trong giai đoạn "đếm ngược" để rời EU vào cuối tháng 3/2019. Để tránh một cuộc ra đi không có trật tự, các quan chức EU và Anh đã thống nhất gặp nhau mỗi tháng bốn ngày tại Brussels để thảo về các điều khoản Brexit trước khi quyết định các bước tiếp theo vào tháng 10 tới, thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU.

5. Ấn Độ, Trung Quốc rút quân khỏi khu vực biên giới tranh chấp

Ngày 28/8, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết nước này và Trung Quốc đã nhất trí rút quân khỏi khu vực cao nguyên Doklam mà Bắc Kinh gọi là Đông Lãng, nơi hai nước này đang có nhiều căng thẳng trong suốt hơn 2 tháng qua. 


Khu vực giữa Trung Quốc và Ấn Độ. (Ảnh: Economist). 

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng xác nhận binh sĩ Ấn Độ đã bắt đầu rút khỏi khu vực biên giới tranh chấp.

Động thái hòa hoãn trên được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) sẽ diễn ra tại Trung Quốc trong tháng tới.

Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu hồi tháng 6 khi binh sĩ Trung Quốc mở rộng một con đường đi qua cao nguyên chiến lược Doklam/Đông Lãng. Đây là một điểm giao cắt 3 nước Ấn Độ-Trung Quốc-Bhutan, đồng thời là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan. Là một đồng minh gần gũi của Bhutan, Ấn Độ đã triển khai binh sĩ để ngăn chặn dự án xây đường, qua đó khiến Bắc Kinh cáo buộc New Delhi xâm phạm lãnh thổ. Căng thẳng Ấn-Trung kéo dài hơn 2 tháng đã dẫn tới nhiều vụ đụng độ tại khu vực biên giới này.

6. Campuchia và Lào nhất trí 4 điểm quan trọng trong giải quyết vấn đề biên giới

Ngày 1/9, Campuchia và Lào đã đạt được những nhất trí quan trọng về vấn đề biên giới giữa hai nước.  


Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen (trái) và Thủ tướng Lào Thongloun Sisulith. (Ảnh: KT/Ven Rathavong).

Theo thông tin từ cuộc họp báo sau cuộc gặp giữa Thủ tướng hai nước, hai bên đã nhất trí 4 điểm quan trọng, bao gồm: Một là, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước sẽ tiến hành họp để thảo luận, tìm kiếm và thống nhất các giải pháp cụ thể. Hai là, phía Lào đồng ý kiểm tra, giải quyết 4 điểm còn tồn đọng theo đề nghị của phía Campuchia. Ba là, Ủy ban Biên giới hai nước xuống thực địa khu vực O Tangao xem xét và phân định biên giới tại khu vực này. Bốn là, hai nước cùng đề nghị Pháp hỗ trợ chuyển vẽ bản đồ biên giới Campuchia – Lào do Pháp vẽ trước đây từ tỷ lệ 1/100.000 sang bản đồ tỷ lệ 1/50.000 và cung cấp các tài liệu liên quan đến biên giới hai nước. 

Trước đó, tại cuộc gặp ngày 12/8, hai Thủ tướng cũng đã nhất trí hai bên sẽ cùng rút quân ra khỏi khu vực biên giới giữa tỉnh Attapue của Lào và tỉnh Strung Treng của Campuchia.

7. Bắt đầu Lễ hành hương của người Hồi giáo

Ngày 30/8, hơn 2 triệu người Hồi giáo trên khắp thế giới đã đổ về Thánh địa Mecca ở Saudi Arabia để tham dự lễ hành hương, kéo dài 5 ngày. 


Người hành hương ở Mecca. (Ảnh: al Jazeera). 

Lễ hành hương năm nay có sự tham gia trở lại của người Hồi giáo Iran. Năm 2016, người Hồi giáo Iran đã không tham dự lễ hành hương do tranh cãi ngoại giao giữa Tehran và Riyadh sau khi xảy ra thảm họa giẫm đạp trong mùa lễ hội hành hương năm 2015. Trong khi đó, do căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh nên nhiều người Qatar cũng không thể tham gia lễ hành hương năm nay. 

Lễ hành hương (hay còn gọi là lễ hội Hajj) là một trong 5 trụ cột của đạo Hồi, bao gồm tôn sùng tuyệt đối Thánh Allah; cầu nguyện mỗi ngày 5 lần; làm bố thí; tuân thủ mọi điều cấm kỵ trong tháng lễ Ramadan; hành hương về Thánh địa Mecca - một nghĩa vụ mà mỗi tín đồ Hồi giáo phải thực hiện ít nhất 1 lần trong đời. /.

Văn Duyên/QĐND (tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất