Thứ Năm, 26/9/2024
Thể thao
Thứ Ba, 24/3/2009 16:51'(GMT+7)

Thể thao thời khủng hoảng

General Motors phải huỷ hợp đồng với Tiger Woods

General Motors phải huỷ hợp đồng với Tiger Woods

Nhưng trong thời buổi tình hình khó khăn biến thành một sự suy thoái toàn cầu, mọi con người, mọi ngóc ngách, mọi khía cạnh của thế giới đều bị ảnh hưởng, thì thể thao cũng không tránh khỏi.

Dĩ nhiên, thể thao Mỹ và Bắc Mỹ đang thiệt hại nhất bởi chính từ Mỹ, cuộc khủng hoảng phát sinh và bùng nổ sang các nước khác. Một loạt các giải đấu từng một thời lộng lẫy giờ phải áp dụng những biện pháp chống khủng hoảng chẳng kém các ngân hàng, công ty. Giải bóng bầu dục NFL cắt 169 việc làm và ủy viên hội đồng của giải bị giảm 20% lương. Giải bóng rổ nhà nghề NBA cũng cắt 1/10 đội ngũ nhân viên còn mạng lưới cáp truyền hình thể thao ESPN không tuyển thêm người lấp 200 công việc còn khuyết. ủy ban Olympic quốc gia của Mỹ sa thải 54 nhân viên. Các đội đua xe Nascar thì chấm dứt hợp đồng với hàng trăm lao động. Giải golf L.P.G.A Tour phải hủy 4 giải nhỏ trong hệ thống bởi ba nhà tài trợ rút lui.

Carolyn Biven, một quan chức phụ trách L.P.G.A Tour than vãn: “Người tiêu dùng và các công ty đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng. Một số còn không biết liệu có còn mái nhà để ở hay không. Chúng tôi chỉ biết suy nghĩ một cách tích cực rằng L.P.G.A thuộc ngành giải trí và sẽ dần hồi phục”.

Ngày nay, thể thao hiện đại ngày càng phụ thuộc nhiều vào lợi nhuận từ tài trợ, quảng cáo cũng như các lô ghế VIP trên khán đài. Nhưng những “đầu vào” này đang ngày càng bị thu hẹp. Tài trợ và quảng cáo đang bị nhiều tập đoàn, thương hiệu cắt giảm mạnh, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính và ô tô. Đây vốn là các tên tuổi từ trước đến nay luôn đầu tư mạnh vào thị trường thể thao nhưng giờ thì họ đang là khu vực “đau đớn” bậc nhất trong cuộc khủng hoảng, phải xếp hàng chờ các kế hoạch cứu trợ từ chính phủ.

Tháng trước, tập đoàn ô tô General Motors (GM), đối tác quảng cáo lớn nhất trong thể thao ở Mỹ, đã không ký lại hợp đồng quảng cáo với giải bóng bầu dục Super Bowl. GM cũng cắt tài trợ với 2 đội đua Nascar và thậm chí còn hủy hợp đồng quảng cáo với tay golf số 1 thế giới Tiger Woods.

Theo các chuyên gia phân tích tài chính, thể thao thường là lĩnh vực cuối cùng khi người tiêu dùng thể hiện sự nguy cấp về tài chính của mình. Nhưng cũng vì thế, thể thao sẽ phải chịu đựng ảnh hưởng từ khủng hoảng lâu hơn trong khi một số khu vực khác trong nền kinh tế bắt đầu phục hồi. Trong khoảng 2 thập kỷ gần đây, nhiều giải thể thao luôn tự tin vào sự ổn định tiền bạc của mình bằng các hợp đồng bạc tỷ, dài hơi với nhà tài trợ, với truyền hình. Song, giờ thì các hợp đồng “chắc cú” như vậy rất khó được gia hạn hay ký mới. Ngân hàng Bank of America vừa rút khỏi đàm phán tài trợ cho SVĐ Yankee mới xây dựng, đồng nghĩa CLB bóng chày New York Yankee mất một nguồn thu hàng năm ít nhất là 10 triệu USD.

Nhiều CLB thể thao đang báo động đỏ. Đội bóng rổ Indiana Pacers thua lỗ 30 triệu USD mùa giải này và nằm trong số 15 tên tuổi ở giải nhà nghề NBA có dấu hiệu nguy hiểm về tài chính. Mới đây, NBA đã phải bơm thêm 200 triệu USD tín dụng cho 12 đội vay mượn.

Và các sự kiện thể thao lớn trên thế giới sắp diễn ra như World Cup 2010 ở Nam Phi cũng đang hồi hộp với lo ngại kém thành công về tài chính. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter mới đây đã không giấu được âu lo rằng các nhà tài trợ và truyền hình sẽ không còn sức mạnh tiền bạc quen thuộc như trước khiến World Cup 2010 giảm nguồn thu nặng nề. Dù còn hơn 1 năm nữa, giải đấu này mới diễn ra song lúc này, không nhiều nhà kinh tế dám dự đoán tích cực rằng thế giới sẽ hồi phục nhanh chóng trong ngắn hạn. Và như vậy, thể thao sẽ còn tiếp tục đau đầu về tiền nong trong tương lai khá xa./.

(Theo: Khánh Chi/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất