Thứ Bảy, 14/2/2009 19:29'(GMT+7)
Thể thao Việt Nam: Muộn còn hơn không!
Với thể thao Việt Nam, sự trăn trở chưa bao giờ mất đi, nhất là trên góc độ tầm nhìn và công tác chuẩn bị. Indoor Games đang khó khăn. Mục tiêu đặt ra ở SEA Games ở Lào trở nên mong manh và hy vong ở ASIAD Quảng Châu 2010 và Olympic London 2012 có vẻ thiếu điểm tựa.
Xu hướng phát triển thể thao thế giới thay đổi
30 năm trở lại đây vai trò của thể thao trong xã hội hiện đại có nhiều đổi thay rõ rệt, trong đó có việc thương mại hóa và nó đã trở thành một ngành kinh doanh, dẫn tới sự thay đổi về các cuộc thi và cả môn thi. Từ đấy, các quốc gia phải điều chỉnh chiến lược phát triển các môn thể thao, buộc phải lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển.
Ngoài ra, việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ là nhân tố hết sức quan trọng để nâng cao thành tích thể thao.
Và cuối cùng là xu hướng sử dụng thuốc kích thích (Doping) trong thi đấu thể thao ngày càng gia tăng, xu hướng này là một thách thức thể thao toàn cầu và phá hoại đạo đức thể thao cao thượng.
Tác động với thể thao Việt Nam
Tình hình phát triển của thể thao Việt Nam từ 6 tháng cuối năm 2007 đến cả năm 2008 cho thấy rõ: thể thao Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh mẽ của các xu hướng trên. Thị trường chuyển nhượng đã lan từ Bóng đá sang Bóng chuyền, Điền kinh, Cử tạ, Bóng bàn… và ở đâu chi nhiều tiền ở đó sẽ chiến thắng. Có điều chưa thấy thành tích của thể thao Việt Nam phát triển.
“Doping” đã chui vào ngôi nhà thể thao Việt Nam từ năm 2003 và gia tăng vào năm 2008 khi vận động viên Việt Nam tham dự Olympic Bắc Kinh và 1 vài giải vô địch châu lục khác (từ năm 2003 đến nay đã có 7 trường hợp bị án kỷ luật vì sử dụng doping).
Hiện nay, thể thao châu Á đã “phát sinh” ra nhiều cuộc chơi mới. Ngoài Olympic Games và Asian Indoor Games, Beach Games, The World Games, đại hội Thể thao Thanh niên, đại hội các môn võ thuật, song song tồn tại là SEA Games cho Đông Nam Á, Đại hội thể thao cho các vùng Trung Á, Đông Á, Tây Á và Đại hội Thể thao mùa đông.... Có quá nhiều đại hội thể thao.
Rõ ràng trong bối cảnh đó thể thao Việt Nam buộc phải lựa chọn và điều chỉnh. Lựa chọn trên cơ sở tiềm lực của quốc gia, khả năng và trình độ phát triển của thể thao Việt Nam, lựa chọn trên cơ sở kiên trì thực hiện mục tiêu chiến lược của thể thao Việt Nam là duy trì và ổn định vị trí là 1 trong 3 quốc gia hàng đầu Đông Nam Á, chủ yếu là vượt lên đấu trường ASIAD và giành thành tích cao ở Olympic Games ở một vài nội dung của 1 vài môn thể thao thích hợp.
Mục tiêu chiến lược này đã được ngành Thể dục Thể thao xác định từ năm 2004-2006. Đáng tiếc rằng, thực tiễn chỉ đạo và tổ chức thực hiện, thể thao Việt Nam đã không lựa chọn như thế. Mặc dù kinh phí hạn hẹp, nhưng không tập trung ưu tiên cho việc chuẩn bị lực lượng vận động viên tham gia Olympic Bắc Kinh. Trong khi đó, lại phải tham gia Asian Indoor Games II – Macau và Beach Games I (những đại hội tổ chức các môn thi không có trong chương trình ASIAD và Olympic).
Cần hành động ngay
Tháng 10/2008, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Tổng cục Thể dục thể thao trong năm 2009 phải tổ chức Asian Indoor Games III và chuẩn bị tham gia SEA Games 25 tại Lào. Chương trình thi đấu ở Indoor Games là những môn không có ở ASIAD và Olympic, trong đó bao gồm cả những môn thể thao chưa xuất hiện, hoặc mới xuất hiện ở Việt Nam (thể thao mạo hiểm, thể thao điện tử, Kurash (Vật Trung Á), bóng rổ 3 người, kick boxing, Muay...). Công tác chuẩn bị tiến hành chậm (các tiểu ban ra đời và hoạt đông trong tháng 12), chưa có điều lệ thi đấu, bộ máy điều hành thiếu kinh nghiệm và nhân lực, thiếu tiền...Tất cả đều là khó khăn và thách thức ở phía trước.
SEA Games 25 ở Lào tổ chức 25 môn thi, khó khăn chồng chất không chỉ về nội dung môn thi, mà gặp rất nhiều hạn chế về chế độ tập luyện, thiếu đầu tư, nên chưa ai dám khẳng định đoàn thể thao Việt Nam có còn nằm trong tốp 3 của SEA Games.
Đến thời điểm này, không có văn bản nào, hoặc cá nhân lãnh đạo ngành nêu kế hoạch chuẩn bị cho ASIAD 2010 ở Quảng Châu và Olympic London 2012. Thông thường việc chuẩn bị cho Olympic và ASIAD cần phải tiến hành trước 4-6 năm, nên không biết việc cải thiện thành tích và thứ hạng ở ASIAD Quảng Châu 2010 và Olympic London 2012 có khả thi hay không.
Trước mắt, muốn có kết quả tốt ở ASIAD 2010 Quảng Châu và Olympic London 2012, thể thao Việt Nam cần phải xác định rõ các môn, các nội dung thi, các vận động viên ưu tú có khả năng giành huy chương để có thể tập trung đầu tư chăm sóc đặc biệt. Công việc này tuy muộn, nhưng còn hơn là không tiến hành./.
Theo Nguyễn Hồng Minh (TT&VH/Vietham+)