"Tre đã già…"
Không phải ngẫu nhiên mà lâu nay SEA Games được ví như "hội làng", nơi
các nước trong khu vực giao lưu, học hỏi lẫn nhau, thay vì mang ý nghĩa
như một thước đo chính xác sự phát triển thể thao Đông Nam Á (ĐNÁ).
|
Tay vợt trẻ Lý Hoàng Nam cần được đầu tư nhiều hơn để có thể tỏa sáng trong tương lai. |
Nhiệm vụ giữ vị trí trong tốp 3 của TTVN tại SEA Games 2013 không hề
đơn giản. Đặc biệt khi những điểm sáng từng mang về nhiều tấm Huy chương
Vàng (HCV) khu vực: Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện (điền
kinh), Vũ Thị Nguyệt Ánh (karatedo), Đỗ Thị Ngân Thương (thể dục dụng
cụ), Nguyễn Mai Phương (wushu)… hoặc đã bước sang bên kia sườn dốc của
sự nghiệp, hoặc không thể thi đấu tại SEA Games 2013 vì chấn thương, đã
chia tay thảm đấu, đường chạy. "Những năm qua, TTVN thường chuẩn bị theo
kiểu "chạy nước rút" 1-2 năm hướng tới SEA Games, ASIAD, Olympic. Các
vận động viên (VĐV) thi đấu nổi bật tại giải vô địch quốc gia được lấy
lên đội tuyển đầu tư "ăn xổi", thỏa mãn thành tích SEA Games - giải đấu
mà trên thế giới ít ai biết đến, rồi thôi. Vậy nên, chuyện "tre đã già
nhưng măng chưa kịp mọc" cũng dễ hiểu", cựu võ sĩ taekwondo Nguyễn Văn
Hùng, người đã góp mặt tại 2 kỳ Olympic 2004, 2008, và từng là "độc cô
cầu bại" ở SEA Games bày tỏ.
Những "hạt giống đỏ" hiếm hoi
Thực tế, nếu TTVN không giữ được vị trí trong tốp 3 khu vực, thì đó
cũng chẳng phải là thảm họa. Điều quan trọng là qua SEA Games 2013, TTVN
có thể trình làng được bao nhiêu gương mặt có triển vọng tỏa sáng ở đấu
trường ASIAD, trước khi nghĩ tới biển lớn Olympic?
Gương mặt đầu tiên đang được đặt nhiều kỳ vọng là nữ VĐV điền kinh
Quách Thị Lan. Ở tuổi 17, mới tập luyện và thi đấu được 2 năm nhưng cô
gái xứ Thanh có chiều cao 1m74 với sải chân rất dài đã khiến giới chuyên
môn phải ngỡ ngàng khi đoạt 3 HCV cự ly 200m, 400m, 4x400m giải điền
kinh trẻ ĐNÁ 2012.
Tại giải điền kinh vô địch quốc gia 2012, Lan tiếp tục khẳng định mình
khi cán đích đầu tiên cự ly 400m, 400m rào. Ở cả 2 nội dung này, Lan đều
vượt qua thành tích của VĐV đoạt HCV SEA Games, và tiếp cận tới huy
chương châu Á. Thành tích 57 giây 36 trên đường chạy 400m rào của Lan
cũng phá sâu kỷ lục quốc gia đã tồn tại hơn 10 năm qua của Nguyễn Thanh
Hoa (57 giây 97).
Lúc này, Lan đang được giới chuyên môn đánh giá cao và khả năng chị có
HCV SEA Games 2013 không có gì lạ. Giáo sư Dương Nghiệp Chí - nguyên Phó
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT
còn đánh giá Lan cao hơn cả "kình ngư" Nguyễn Thị Ánh Viên (sinh năm
1996), và coi chị như một điểm sáng đặc biệt, hiếm hoi của TTVN trên
hành trình chuẩn bị cho ASIAD 2019.
Năm ngoái, Hoàng Nam đã tạo ra "cú sốc" khi lật đổ sự thống trị hơn
chục năm qua của tay vợt kỳ cựu Đỗ Minh Quân để đăng quang danh hiệu vô
địch quốc gia. |
Cùng với Lan, tay vợt năm nay 16 tuổi Lý Hoàng Nam cũng được coi như
một "viên ngọc thô" có thể làm rạng danh TTVN trên đấu trường quốc tế.
Theo bảng xếp hạng tháng 1.2013 của Liên đoàn Quần vợt thế giới (ITF),
Hoàng Nam xếp hạng 117 trẻ thế giới, đứng trên "đàn anh" Nguyễn Hoàng
Thiên (18 tuổi, hạng 123 trẻ thế giới). Năm ngoái, Hoàng Nam đã tạo ra
"cú sốc" khi lật đổ sự thống trị hơn chục năm qua của tay vợt kỳ cựu Đỗ
Minh Quân để đăng quang danh hiệu vô địch quốc gia.
Làm quen môn banh nỉ từ năm lên 8 với niềm đam mê đến mức "mê muội", 7
năm sau, cậu bé Hoàng Nam ngày nào đã trở thành tay vợt hay nhất Việt
Nam, vô địch giải quốc tế U18 ITF; thi đấu thành công ở 3 giải đấu nhóm 1
của ITF diễn ra tại châu Mỹ trong năm 2012: Vào vòng 2 Giải Mexico, vào
tứ kết Giải Costa Rica; vào vòng 3 Giải Venezuela; được Liên đoàn Quần
vợt châu Á mời khoác áo đội tuyển trẻ của châu lục so tài tại các giải
quốc tế tại Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo nhận xét của HLV Trần Đức Quỳnh, người đã theo sát Hoàng Nam từ
khi em chập chững vào nghề, thì điểm mạnh nhất của Nam là ý chí cầu
tiến. Thắng không kiêu, bại không nản, Hoàng Nam luôn biết cách "soi"
lại mình qua từng giải đấu: "Điểm cần cải thiện nhất của em là thể
lực, di chuyển cần phải nhanh, linh hoạt hơn. Ra nước ngoài thi đấu em
mới thấy mình còn yếu quá, chưa là gì cả. Nhiều bạn cùng lứa với em chơi
hay lắm. Mình chỉ còn cách tập luyện thật nhiều mới hy vọng đạt được
những thành quả nhất định" - Lý Hoàng Nam thể hiện quyết tâm trong những ngày đầu năm mới.
Tin rằng trong năm 2013, Hoàng Nam sẽ hoàn thành mục tiêu lọt vào tốp
70 trẻ thế giới. Và cái ngày anh mang về tấm HCV SEA Games lịch sử cho
quần vợt Việt Nam nói riêng và TTVN sẽ không còn xa.
Một cái tên đầy tiềm năng khác của TTVN là kỳ thủ nhí Nguyễn Anh Khôi.
Năm ngoái, khi mọi ánh mắt đều chú ý vào những bước đi của siêu đại kiện
tướng quốc tế Lê Quang Liêm, thì Anh Khôi đã gây ấn tượng với tấm HCV
U10 thế giới tại Slovenia. Trước Anh Khôi, cờ vua Việt Nam đã có không
ít tên tuổi vô địch "U" thế giới: Đào Thiên Hải (U16 thế giới 1993),
Nguyễn Thị Dung (U12 thế giới 1994), Nguyễn Ngọc Trường Sơn (U10 thế
giới 2000), Lê Quang Liêm (U14 thế giới 2005), Trần Minh Thắng (U8 thế
giới 2008). Nhưng tấm HCV U10 thế giới của Khôi đặc biệt ở chỗ em là kỳ
thủ Việt Nam đầu tiên vô địch các nhóm tuổi thế giới với chuỗi 11 trận
toàn thắng. Phía trước, làng cờ Việt Nam đang kỳ vọng Khôi sẽ trở thành
một "Quang Liêm 2" nếu nhận được đầu tư kỹ lưỡng từ nhiều phía trong
tương lai.
Làm gì để "hóa rồng"?
Tất cả những người làm chuyên môn có tâm huyết và bản thân các điểm
sáng hiếm hoi đều thừa nhận muốn phát triển bền vững, không còn cách nào
khác là phải phát triển thể thao học đường, đẩy mạnh công tác đào tạo
VĐV trẻ, tạo lực lượng kế cận hùng hậu.
Ông Dương Đức Thủy - Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT thừa nhận: “Lúc
này, lực lượng VĐV kế cận còn rất mỏng. Chúng ta sẽ phải tìm kiếm được
những nhân tố "gà nòi" nằm trong độ tuổi 12-14, có chu trình huấn luyện
thật khoa học, hướng tới những mục tiêu dài hơi trong tương lai, mà đích
ngắm chính là ASIAD 2019 khi Việt Nam là nước chủ nhà”. |
Tay vợt Nguyễn Tiến Minh (hạng 7 thế giới) từng nhiều lần khẳng định ở
Trung Quốc, Malaysia, Indonesia có rất nhiều cây vợt đạt trình độ tương
đương như anh, còn ở Việt Nam thì chỉ có 1 Tiến Minh. Việc thiếu đối thủ
tập luyện, thi đấu ở trong nước khiến Minh gặp rất nhiều khó khăn trong
sự nghiệp của mình, và cầu lông Việt Nam vẫn chưa khẳng định được vị
thế trên đấu trường quốc tế.
Chia sẻ với suy nghĩ của Tiến Minh, HLV quần vợt Trần Đức Quỳnh nói: "Mô
hình quần vợt dành cho thiếu nhi cần phải phát triển rộng rãi trong học
đường hay tại các câu lạc bộ quần vợt để tạo ra nhiều Lý Hoàng Nam.
Chính môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các VĐV với nhau sẽ là "đòn
bẩy" đưa một Lý Hoàng Nam xuất sắc nhất tiếp cận tới trình độ cao nhất
của châu lục, thế giới".
Dưới góc nhìn của một chuyên gia đầu ngành, Giáo sư Dương Nghiệp Chí đưa ra một con số đáng để TTVN phải suy ngẫm: "Ở
Trung Quốc, có khoảng 2 vạn VĐV năng khiếu tập trung hàng năm. Nhưng từ
số VĐV đó, chỉ cho ra lò khoảng 5-7 VĐV có tài, có thể vươn tới đẳng
cấp là những tấm HCV Olympic mà thôi!"./.
Theo tintucthethao