Thứ Tư, 25/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 26/12/2009 13:58'(GMT+7)

Thêm một bằng chứng mới khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp nhận hiện vật.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp nhận hiện vật.

Châu bản được đánh máy trên một mặt của một tờ giấy cỡ 21,5 x 31cm. Đây là loại giấy chuyên dùng ở Ngự tiền Văn phòng dưới thời vua Bảo Đại. Tờ Châu bản đề ngày 15-12 năm Bảo Đại thứ 13, tức là ngày 3-2-1939 có 2 bản : một tiếng Việt, một tiếng Pháp. Nội dung Châu bản tiếng Việt như sau: “Huế, ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (3-2-1939. Ngự tiền Văn phòng kính tâu: Nay Văn phòng chúng tôi có tiếp tờ thơ số 68-sp ngày 2 tháng 2 năm 1939 của Quí Khâm sứ Đại thần thương tá xin thưởng tứ hạng Long tinh cho M. Fontan, Louis, Garde principal de 1ère classe de la Garde Indigène, vừa tạ thế ở nhà thương Huế; và nhờ chúng tôi tâu lên Hoàng đế ban chuẩn. Phí ngân cấp chỉ và thiệt chất huy chương ấy sẽ do ngân sách Trung kỳ đài thọ.Vậy chúng tôi xin sao nguyên thơ của Quí Khâm sứ Đại thần, phụng đính theo phiến nầy, kính tâu lên Hoàng đế tài định, hậu chỉ lục tuân.Nay kính tâu! Tổng lý Đại thần (ký tên: Phạm Quỳnh).

Châu bản 2 được gửi từ Tòa Khâm sứ Trung kỳ đóng ở bờ nam sông Hương và viết bằng tiếng Pháp, tạm dịch như sau: Huế, ngày 2-2-1939 -Khâm sứ Trung kỳ- Huân chương Bắc đẩu Bội tinh - Kính gửi Ngài Tổng lý Ngự tiền Văn phòng, Huế. Thưa Ngài, Tôi kính nhờ Ngài vui lòng tâu lên Đức Kim thượng xin phê chuẩn cho một đề nghị là truy tặng Long tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan là Chánh Cai đội hạng nhất của ngạch lính Khố xanh, vừa tạ thế vào ngày hôm nay tại Nhà thương lớn ở Huế sau khi bị bệnh sốt “typhus” mà ông đã nhiễm phải trong thời gian công tác ở đảo Hoàng Sa. Trong trường hợp lời đề nghị này được chấp nhận, tôi sẽ rất biết ơn Ngài nếu Ngài gửi thật gấp bằng khen và huy chương ấy cho tôi qua trương mục ngân sách địa phương. Ký tên: Graffeuil. Sao y nguyên bản. Thương tá Ngự tiền Văn phòng - Ký tên: Trần Đình Tùng.

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, nội dung của hai văn bản trên đây có thể gộp chung lại để diễn đạt một cách đơn giản như sau: “Vào ngày 2-2-1939, Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil gửi cho Tổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh một văn thư đề nghị tâu xin Hoàng đế Bảo Đại truy tặng huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan, người vừa qua đời trong ngày hôm ấy. Trước đó, ông này giữ chức vụ Chánh Cai đội hạng nhất của đội lính Khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa.

Trong thời gian ra công tác tại đây ông đã bị nhiễm phải một loại bệnh sốt rét rất nguy hiểm, và chết tại Nhà thương lớn ở Huế. Sau khi nhận được văn thư này, Tổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh giao cho quan chức dưới quyền trực tiếp của mình là Thương tá Trần Đình Tùng trách nhiệm sao y nguyên văn một bản để đính kèm vào tờ phiến đệ trình lên nhà vua”.

Chỉ một ngày sau (ngày 3-2-1939), tờ phiến và bản sao văn thư ấy được Ngự tiền Văn phòng dâng lên vua Bảo Đại. Vua Bảo Đại chấp nhận ngay những lời đề nghị và đã ngự phê hai chữ “Chuẩn y” và ký tắt hai chữ “BĐ” (Bảo Đại) bằng viết chì màu đỏ”. Việc đề nghị ban thưởng “Tứ hạng Long tinh” cho viên chức người Pháp Louis Fontan là Chánh Cai đội hạng nhất của ngạch lính Khố xanh làm nhiệm vụ tại quần đảo Hoàng Sa là một thái độ coi trọng công lao của những người thuộc chính quyền Bảo hộ có công phòng thủ đảo Hoàng Sa của triều Nguyễn. Tại buổi lễ bàn giao ông Phan Thuận An cho biết: Châu bản được bàn giao lần này là tư liệu gốc, độc bản, và được bảo quản, giữ gìn nguyên vẹn cả hình thức lẫn nội dung. Thêm nữa, những văn bản trên do Quốc trưởng Bảo Đại (triều Nguyễn) ký, phê duyệt là những cứ liệu có giá trị rất lớn về mặt lịch sử.

Ngoài ra, trong vòng 12 ngày (3-2 – 15-2-1939), triều Nguyễn đã ban hành 2 văn bản (tờ Châu bản đã bàn giao trước và tờ Châu bản bàn giao lần này) do đích thân nhà vua Bảo Đại duyệt ký liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, chứng tỏ vấn đề chủ quyền thời bấy giờ được quan tâm đặc biệt. Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho biết thêm. Tại lễ bàn giao, đại diện lãnh đạo Sở VH-TT-DL Thừa Thiên- Huế đánh giá cao ý thức, trách nhiệm của nhà nghiên cứu Phan Thuận An, đồng thời, cam kết sẽ giữ gìn, bàn giao lại cho Bộ Ngoại giao nhằm góp phần thực hiện chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

                        Văn bản gốc có bút phê của Vua Bảo Đại


(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất