Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 8/5/2018 14:12'(GMT+7)

Theo dòng thời sự: “Chất xúc tác” cho ổn định ở Đông Bắc Á

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường

và Tổng thống Moon Jae-in.(Nguồn: Nikkei Asian Review/Kyodo)

 

Trong bối cảnh an ninh Đông Bắc Á đang chuyển động tích cực với việc tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên chuẩn bị bước vào một giai đoạn bước ngoặt, còn nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, Hội nghị cấp cao ba bên Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, diễn ra vào ngày 9/5, tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản được xem là cơ hội để ba nền kinh tế hàng đầu khu vực khôi phục lòng tin chiến lược và nâng tầm hợp tác.

Được khởi động từ năm 2008, hội nghị cấp cao Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc là một trong những cơ chế ngoại giao cấp cao quan trọng hàng đầu của khu vực, tạo ra những tác động to lớn đối với các chuyển động an ninh và thương mại của vùng Đông Á.

Được Hàn Quốc đề xuất năm 2004 bên lề Hội nghị ASEAN+3 (ASEAN và ba nước Đông Bắc Á), hội nghị cấp cao Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc đã được lãnh đạo ba nước quyết định tổ chức thường niên, theo cơ chế luân phiên bắt đầu từ năm 2008.

Mục tiêu của tiến trình ngoại giao cấp cao này là tăng cường hiểu biết, duy trì quan hệ thương mại giữa các bên, phát triển kinh tế trong khu vực.... Tuy nhiên, do một số bất đồng, tiến trình này bị gián đoạn trong các năm 2013 và 2014.

Năm 2015, hội nghị được nối lại tại Seoul, Hàn Quốc, song lại tiếp tục bị gián đoạn trong năm 2016 và 2017 do căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với Nhật Bản và các biến động chính trị tại Hàn Quốc.

Năm 2018 đã mở màn với các tín hiệu tốt đẹp từ bán đảo Triều Tiên. Xu thế đối đầu trong năm 2017 được chuyển hướng sang xu thế đối thoại và hòa giải, đã tạo một bầu không khí tích cực cho triển vọng an ninh khu vực Đông Bắc Á.

Với tư cách là ba quốc gia có lợi ích an ninh gắn chặt với tình hình trên bán đảo Triều Tiên và cũng là ba quốc gia tham gia tiến trình đàm phán sáu bên, rõ ràng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều mong muốn một bán đảo Triều Tiên hòa bình và ổn định lâu dài.

Chính vì vậy, sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba hôm 27/4 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã điện đàm trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về kết quả hội nghị.

Động thái này cho thấy Seoul đánh giá cao tầm quan trọng của việc hợp tác với Trung Quốc và Nhật Bản. Đáp lại, cả Bắc Kinh và Tokyo đều bày tỏ thiện chí sẵn sàng xúc tiến hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên, cũng là hòa bỉnh ổn định của khu vực Đông Bắc Á. Đó là chất xúc tác đầu tiên, để cả ba nước đồng thuận tiến hành hội nghị cấp cao ba bên sau gần ba năm gián đoạn.

Gạt bỏ những bất đồng và rào cản liên quan những vấn đề tranh chấp lãnh thổ, vướng mắc trong lịch sử hay căng thẳng xung quanh hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong khu vực, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng bày tỏ sẵn sàng đối thoại.

Cùng với cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và cuộc hội đàm cấp cao Mỹ-Triều Tiên sắp tới với nội dung tập trung vào vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, sự phối hợp chặt chẽ của ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn đóng vai trò tối quan trọng đối với việc tìm kiếm giải pháp phù hợp cho các vấn đề bất đồng trên bán đảo Triều Tiên.

Song song với an ninh, thương mại đang nổi lên là một chủ đề quan trọng tại hội nghị cấp cao ba bên lần này trong bối cảnh cả ba nước đang phải đối mặt với một vấn đề chung, đó là xu hướng chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ.

Cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích là những quốc gia làm Mỹ thâm hụt thương mại.

Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc đang chịu sức ép từ Mỹ đòi đàm phán lại hiệp định thương mại song phương, Trung Quốc và Nhật Bản mới đây trở thành hai trong số những nền kinh tế bị Chính phủ Mỹ áp đặt các loại thuế nhập khẩu mới đối với nhôm và thép.

Trước đó, vào tháng Ba. Mỹ đã áp đặt biểu thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá lên tới 50 tỷ USD, khiến Bắc Kinh ngay lập tức trả đũa bằng cách tăng 25% thuế nhập khẩu đối với 128 mặt hàng của Mỹ.

Việc Mỹ, thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của cả ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chủ trương thực thi các biện pháp bảo hộ thương mại đang gây ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến hoạt động thương mại của ba nền kinh tế này.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là ba nền kinh tế có quy mô lớn không chỉ ở châu Á mà cả trên bình diện thế giới, chiếm khoảng 22% GDP toàn cầu và khoảng 70% GDP châu Á.

Trước sức ép từ Washington, thay vì thụ động trước xu thế bảo hộ thương mại của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã và đang chủ động thúc đẩy thương mại đa phương, coi đó là nền tảng cho sự phát triển và thịnh vượng của khu vực.

Bắc Kinh và Tokyo đã chủ động đề xuất và xúc tiến các sáng kiến thương mại đa phương, trong đó đáng chú ý là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Nhật Bản khởi xướng thay thế cho Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút lui, hay Trung Quốc thúc đẩy Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Tại hội nghị cấp cao ba bên lần này, xu thế tự do thương mại đa phương dự kiến sẽ được tiếp thêm động lực mới nếu ba nền kinh tế lớn ở châu Á nhất trí thúc đẩy Hiệp định tự do thương mại Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc.

Tất cả các sáng kiến thương mại đa phương nói trên chính là những nỗ lực của ba chính phủ với chủ trương hợp tác để tăng cường tự do thương mại đa phương tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới, tạo động lực cho một nền kinh tế toàn cầu cân bằng, tự do, công khai và đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

Hội nghị cấp cao ba bên lần này được kỳ vọng sẽ là dịp để ba nước bày tỏ sự đồng thuận cao đối với chủ trương ủng hộ tự do thương mại toàn cầu.

Những chuyển động đáng chú ý về an ninh và thương mại tại Đông Bắc Á đã đụng chạm tới lợi ích chiến lược của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đòi hỏi ba nước thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình với tư cách là những quốc gia, nền kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn ở khu vực cũng như trên thế giới.

Trong bầu không khí địa chính trị như vậy, tăng cường đối thoại nghiêm túc và mở rộng hợp tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Sự khởi động trở lại của hội nghị cấp cao ba bên lần này được kỳ vọng sẽ tạo chất xúc tác củng cố sự ổn định và phát triển ở Đông Bắc Á, đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực và thế giới./.

Nguyễn Tuyến (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất