Theo quy trình thí điểm trên, bắt đầu từ ngày 14/12, Bộ Tài nguyên và
Môi trường thực hiện liên thông đối với 11 thủ tục hành chính thuộc 3
lĩnh vực, bao gồm: Môi trường (3 thủ tục); Tài nguyên nước (2 thủ tục);
Biển và hải đảo (6 thủ tục).
Quy trình liên thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường là quy trình tự
nguyện, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn thực hiện (hoặc không thực
hiện).
Theo đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể nộp đồng thời hồ sơ của các thủ
tục hành chính khác nhau tại Bộ phận một cửa của Bộ Tài nguyên và Môi
trường, hoặc qua dịch vụ bưu chính, hay qua hình thức trực tuyến, sẽ
được Bộ này tổ chức thẩm định, phê duyệt một lần, và trả một lúc các kết
quả cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Việc thực hiện quy trình liên thông mới sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm
được thời gian, chi phí tuân thủ; giảm rủi ro và gia tăng cơ hội trong
đầu tư, kinh doanh.
Cụ thể, về tiết kiệm thời gian, doanh nghiệp có thể rút ngắn trung bình
54% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, một số trường hợp thời gian
có thể rút ngắn lên đến khoảng 2/3, tương đương trên 60% thời gian.
Về tiết kiệm chi phí, doanh nghiệp có thể tiết kiệm trung bình 30% chi
phí tuân thủ, một số trường hợp có thể tiết kiệm lên đến 60% chi phí
thực hiện thủ tục hành chính.
Đáng lưu ý là, quy trình liên thông này không chỉ doanh nghiệp được
hưởng lợi, mà cơ quan giải quyết thủ tục hành chính cũng được hưởng
những lợi ích tương ứng khi triển khai thực hiện liên thông giải quyết
thủ tục hành chính.
Căn cứ vào kết quả triển khai thí điểm, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ
mở rộng liên thông thêm các thủ tục hành chính khác trong thời gian tới;
đồng thời pháp lý hóa việc liên thông thủ tục hành chính trong các văn
bản quy phạm pháp luật để các địa phương triển khai trong lĩnh vực của
ngành trên phạm vi cả nước./.
Quy trình liên thông thủ tục hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Nguồn: Monre)
Theo TTXVN