Sáng sớm 3-12, chúng tôi ngược quốc lộ 4D lên Sa Pa. Dọc đường, tại các khu vực Toòng Sành, Cốc San (sát với thành phố Lào Cai) rất nhiều lán trại tạm bằng cột gỗ và che bạt dứa được dựng lên. Đó là nơi ở tạm và nơi nhốt trâu sơ tán tránh rét của bà con người Mông, Dao ở các xã Tả Phìn, Sa Pả, Trung Chải thuộc huyện Sa Pa. Đợt rét này Sa Pa không có mưa và gió bắc nhưng buốt lạnh, do có hiện tượng sương muối. Đây là dạng thời tiết rất nguy hiểm cho vật nuôi và cây trồng ở địa phương, hoa màu dễ bị táp lá, rụt ngọn, không sinh trưởng được, còn trâu, ngựa rất dễ bị chết rét do sức đề kháng giảm sút nhanh.
Trong rét lạnh buốt da thịt, sương mù dày đặc, đứng sát mà không rõ mặt người, vợ chồng anh Châu A Dơ, ở thôn Giàng Tra, xã Sa Pả vẫn cố quây thêm bạt dứa cho kín chuồng tạm ở nơi sơ tán để trâu không bị rét, do sương muối lùa vào. Anh Dơ cho biết, gia đình có sáu con trâu, vừa để làm sức kéo khi vào vụ gieo trồng, vừa là “món tiền lớn” khi có việc cần thiết như làm nhà, cưới xin, lễ tết…, vì thế rất quan tâm bảo vệ “đầu cơ nghiệp” của mình. “ Ở nhà mình trên Sa Pả cũng có chuồng nhốt, có cỏ khô cho ăn, nhưng rét quá, không chịu được, vợ chồng mình đưa trâu xuống vùng thấp ấm và sẵn cỏ tươi hơn để trâu không bị chết” - anh Dơ chia sẻ. Theo kinh nghiệm của anh Dơ, mùa đông ở Sa Pả rất lạnh và kéo dài, dù nhốt trong chuồng, cho ăn rơm khô dự trữ, đốt lửa sưởi ấm… nhưng trâu vẫn có thể chết do sức đề kháng giảm sút và thiếu thức ăn tươi.
Làm chỗ ở và chuồng trại tạm ở nơi sơ tán trâu tránh rét.
Tại khu vực xã Toòng Sành và xã Cốc San có vài chục hộ người Mông, Dao từ Sa Pa “sơ tán” trâu xuống tránh rét hại. Những lán trại tạm được dựng lên, bên trong là chăn chiếu và xoong nồi, gạo và thức ăn khô cho người đi chăn thả trâu mùa rét; thường là một đợt “sơ tán tránh rét kéo dài 2-3 tháng, cho qua mùa đông khắc nghiệt ở Sa Pa. Dù vất vả, nhưng bảo vệ được đàn trâu là mục tiêu và niềm vui của nông dân vùng cao Sa Pa, theo phương châm “sống chung với rét”.
Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Sa Pa, hiện địa phương có gần bốn nghìn hộ chăn nuôi trâu, bò với hơn 13 nghìn con. Hiện tại, có khoảng hơn 90% số hộ có chuồng trại che kín mưa, gió và dự trữ được thức ăn khô. Từ đầu mùa rét đến nay, nông dân các xã Sa Pả, Trung Chải, Tả Phìn, Sử Pán, Hầu Thào, Lao Chải, Bản Khoang… đã di chuyển khoảng 400 con trâu xuống vùng thấp ở Cốc San, Toòng Sành, Tả Thàng, Gia Phú để tránh rét. Đây cũng là một trong các phương án phòng chống rét, bảo vệ đàn gia súc theo kế hoạch của huyện đề ra từ đầu mùa đông năm nay. Ông Thành cho biết thêm, đợt rét đầu tiên của mùa đông năm nay, kéo dài từ ngày 28 đến ngày 31-10, nhiệt độ giảm xuống 8,3 độ C, đã làm chết 34 con trâu ở Sa Pa. Theo dự báo, mùa đông năm nay, tại Sa Pa có thể sẽ khắc nghiệt hơn, nhiệt độ xuống thấp và kéo dài, do vậy, việc phòng, chống rét cho gia súc được đặt lên hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương này.