Sáng 7-9, Bộ Y tế triển khai Hội nghị Nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình dựa trên mô hình 26 trạm y tế điểm các tỉnh phía bắc và ký cam kết tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở các tỉnh phía bắc. Hội nghị có ý nghĩa tổng kết bước đầu việc xây dựng mô hình điểm 26 trạm y tế xã thuộc tám tỉnh; mỗi tỉnh tham gia xây dựng mô hình điểm sẽ lựa chọn ra ba trạm tại ba vùng (vùng 1-2-3) phân theo mức độ khó khăn của người dân trong tiếp cận đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực. Qua nửa năm triển khai, nhiều bất cập vẫn tiếp tục lộ rõ.
Khoảng trống về quản lý điều trị
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, thực trạng quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình vẫn còn khoảng trống quản lý điều trị rất lớn với 86,4% người tăng huyết áp chưa được điều trị; 56,9% người không được phát hiện. Tỷ lệ này với bệnh đái tháo đường cũng cao với 68,9% số người không được phát hiện và 71,1% chưa được điều trị.
Thực tế, hiện nay, các trạm y tế xã mới thực hiện quản lý được 13,6% người bệnh tăng huyết áp; 28,9% người bệnh đái tháo đường.
Ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, hiện nay, chất lượng chuyên môn giữa các tuyến không chênh lệch nhiều do điều trị bệnh không lây nhiễm mạn tính đã có hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật, phác đồ điều trị được chuẩn hóa, phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, thực tế người dân vẫn dồn lên tuyến trên gây gia tăng chi phí, bội chi quỹ BHYT.
Mục tiêu Nghị quyết 20-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt ra mục tiêu, đến năm 2025 có 95% và đến 2030 có 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Vì thế, để giảm tải cho y tế tuyến trên, mục tiêu ngành y tế đặt ra là phát huy vai trò y tế cơ sở, tăng cường chuyển giao kỹ thuật tuyến trên cho y tế cơ sở để các trạm y tế thực hiện nhiệm vụ phát hiện, quản lý và điều trị người bệnh mắc các bệnh mãn tính tại trạm y tế xã.
Thiếu nhân lực, thiếu cơ chế cho y tế cơ sở
Theo ông Lương Ngọc Khuê, hiện nay các trạm y tế mới thực hiện được 76 dịch vụ theo danh mục kỹ thuật; 241 thuốc. “Hiện nay, có 8/26 trạm y tế chưa có bác sĩ làm việc gồm Thạch Mỹ, Bản Vược, Mường Vi, Dền Sáng, Sơn Diệm, Ninh Hà, Ninh Sơn, Bình Thành; 9/26 trạm chưa có y sĩ y học cổ truyền, cơ cấu chưa phù hợp, có vị trí thừa, có vị trí thiếu. Các trạm cũng bố trí các phòng, công năng sử dụng chưa phù hợp, hầu hết phải được cải tạo, nâng cấp. Nhiều trang thiết bị thiếu, cũ, cần phải bổ sung, thay thế”, ông Khuê cho hay.
Trong số 26 trạm y tế thí điểm, mới chỉ có 10 trạm đã quản lý hồ sơ sức khỏe gồm: Sơn Kim 1, Sơn Diệm, Phố Châu, Cổ Phúc, Báo Đáp, Việt Hồng, Minh Châu, Tân Hội, Yên Nghĩa, Tây Mỗ. Quản lý NCD chỉ có ở Hà Nội và chưa triển khai được ở các trạm y tế khác. Các trạm y tế mới làm dự phòng, tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số…
Cũng theo ông Khuê, hiện nay ngân sách cấp cho trạm y tế thấp, có rất ít kinh phí hoạt động; BHYT chưa thanh toán một số dịch vụ; kinh phí BHYT thanh toán do Trung tâm y tế huyện quản lý, trạm y tế rất khó khăn.
Để hỗ trợ cho y tế cơ sở, ngày 20-4-2018, Bộ trưởng Y tế ban hành Quyết định số 2559/QĐ-BYT về Kế hoạch tăng cường thực hiện điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018-2020. Trong đó, tập trung vào tập huấn nâng cao năng lực cho y tế cơ sở với mục tiêu đến năm 2019, 100% trạm y tế được đào tạo về điều trị quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường.
Bộ Y tế cử các bác sĩ bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối về giúp trạm y tế, huyện điểm để khám chữa bệnh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Bộ đề nghị các tỉnh phải triển khai thực hiện luân phiên bác sĩ xuống y tế cơ sở, cầm tay chỉ việc cho cán bộ y tế.
Việc triển khai mô hình thí điểm tại 26 xã điểm có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục hoàn thiện tổ chức, mạng lưới y tế cơ sở với mục tiêu sớm thực hiện mô hình Trung tâm y tế huyện đa chức năng, trực tiếp quản lý trạm y tế xã; những xã có phòng khám đa khoa khu vực thì phải lồng ghép hoạt động của phòng khám và trạm y tế xã
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hai việc cần làm ngay với trạm y tế xã là lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân và theo dõi, quản lý, cấp thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính, chăm sóc giảm nhẹ ung thư.
“Trong năm 2018, chúng ta phải hoàn thành mô hình 26 trạm y tế xã điểm. Các tỉnh, thành phố phải triển khai rộng khắp tại các trạm y tế xã còn lại; không chờ kết quả các trạm y tế làm điểm. Mỗi tỉnh phải chọn 1, 2 huyện và một số trạm y tế xã để chỉ đạo điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm trong triển khai. Các tỉnh xây dựng lộ trình, phấn đấu hoàn thành trong năm năm, từ 2019- 2023”, Bộ trưởng nói.
Dự kiến tháng 11-2018, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến đến tất cả các trạm y tế xã trong toàn quốc.