Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 3/8/2019 14:16'(GMT+7)

Thị trường bán lẻ: “miếng bánh” không dễ ăn

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

THIẾU AM HIỂU THỊ TRƯỜNG, NHIỀU DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI RÚT LUI

Mới đây, hệ thống siêu thị Auchan tuyên bố dừng hoạt động 15 siêu thị từ ngày 3/6/2019 và chỉ giữ lại ba siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh. Như vậy, sau gần 5 năm đầu tư khai thác thị trường Việt Nam, tập đoàn bán lẻ lớn không chỉ của Pháp, mà còn của cả châu Âu đã phải dừng hoạt động, rút khỏi Việt Nam do thua lỗ kéo dài.

Trước đó vào năm 2016, Tập đoàn Casino Group (Pháp) đã phải bán Big C Việt Nam cho Central Group (Thái-lan). Đầu năm 2018, trung tâm thương mại cuối cùng của Parkson (thuộc tập đoàn bán lẻ của Malaysia) cũng tuyên bố đóng cửa, rút lui khỏi Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác như Lotte không giấu tham vọng đầu tư mở rộng hệ thống tại Việt Nam, nhưng đến thời điểm này không đạt kết quả như kỳ vọng.

Lý giải nguyên nhân khiến nhiều “ông lớn” rời khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam – vốn được đánh giá là rất hấp dẫn, các chuyên gia cho rằng, hệ thống bán lẻ nước ngoài có mô hình kinh doanh khá đơn điệu, không phù hợp với thị trường Việt Nam. Hầu hết các siêu thị nằm ở các con phố lớn, kinh doanh bán lẻ đơn thuần, thiếu các hình thức vui chơi giải trí. Trong khi đó, thói quen của một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là các bà nội trợ - vẫn chuộng hình thức bán lẻ tiện lợi, dễ dàng như chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi… Hoặc họ chọn mua hàng ở siêu thị với mong muốn vừa mua hàng, vừa vui chơi.

THỜI CƠ CỦA DOANH NGHIỆP NỘI?

Việc các doanh nghiệp ngoại rời bỏ thị trường lại là thời cơ cho các doanh nghiệp bán lẻ nội mở rộng hệ thống. Đơn cử, như Shop&Go đã sang nhượng 87 cửa hàng của mình cho VinCommerce - đơn vị chủ quản của VinMart+ và VinMart… Từ đó, nâng tổng số các cửa hàng tiện lợi của thương hiệu VinCommerce đã lên gần 2.000 cửa hàng, phủ khắp các khu vực đông dân cư, giao thông thuận lợi, tiện cho người tiêu dùng mua sắm.

Hoặc Saigon Coop đã mua lại chuỗi bán lẻ Auchan, để mở rộng hệ thống, đồng thời mang lại nhiều cơ hội khác cho doanh nghiệp này. Đơn cử, dù rời khỏi Việt Nam, Auchan vẫn là đối tác của Saigon Co.op, giúp nhà bán lẻ Việt này tiếp cận hơn 2.800 điểm bán tại 15 quốc gia trên toàn thế giới. Điều này giúp Saigon Coop tăng thị phần xuất khẩu sang những thị trường châu Âu, Nga, Trung Quốc... mà Auchan đã có sẵn mạng lưới phân phối.

Cơ hội là vậy, nhưng sẽ khó thành hiện thực nếu doanh nghiệp không biết nắm bắt. Theo các chuyên gia, cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa vào lĩnh vực thương mại bán lẻ và lĩnh vực tiêu dùng xã hội ở các nước. Ở Việt Nam, giai đoạn 2018-2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, giữa các kênh bán hàng hiện đại và truyền thống. Do đó, doanh nghiệp cần nhanh chóng áp dụng công nghệ mới vào ngành bán lẻ.

Ông Vũ Vinh Phú – Chuyên gia bán lẻ cho biết, sự phát triển của công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi sẽ đem lại năng suất lao động cao cho các nhà bán lẻ, đồng thời thay đổi những hành vi mua sắm của người tiêu dùng xã hội. Các nhà bán lẻ cần sớm nhận biết vấn đề này để sử dụng những công nghệ tiên tiến vào quản lý kinh doanh của mình. “Giai đoạn tới là giai đoạn của bán hàng đa kênh, cả trực tiếp và bán hàng online. Mô hình bán lẻ kiểu liên doanh và bách hóa tổng hợp đã có lúc không còn phù hợp, thay vào đó là mô hình shopping mail, vừa bán hàng vừa có các dịch vụ tổng hợp như vui chơi, ăn uống, làm đẹp…” – ông Phú cho hay.

Cùng quan điểm, bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc khu vực miền Bắc – Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, nhà đầu tư bán lẻ hiểu mình phải thay đổi, phải linh hoạt trong việc đáp ứng nguyện vọng của người tiêu dùng, có những hướng đi riêng và cách tiếp cận năng động để làm mới cơ cấu hoạt động và chăm sóc khách hàng.

Việc khai thác các dữ liệu lớn (Big Data) hay thông tin từ trí tuệ nhân tạo (AI)… nếu được ứng dụng và khai thác đúng cách, sẽ không những giúp nhà bán lẻ cập nhật hơi thở thị trường, mà còn tối ưu hóa đầu tư dựa vào các quyết định đúng đắn từ cơ sở số.

Nắm bắt thời cơ, đồng thời đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử vào bán lẻ, mới đây, mô hình siêu thị ảo đã được Vingroup cho ra đời. Theo đó, thay cho việc đến tận siêu thị, cửa hàng, chọn đồ rồi chờ được thanh toán, giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại có cài ứng dụng VinID và một cuốn Cẩm nang mua sắm thông minh của hệ thống siêu thị VinMart, khách mua hàng chọn tính năng Scan & Go, quét mã vạch các sản phẩm muốn mua, thanh toán ngay bằng ví điện tử. Hai đến bốn giờ sau, nhân viên của VinMart sẽ giao hàng đến tận nơi. Người tiêu dùng cũng có thể quét mã QR sản phẩm mình muốn mua được in trên các tấm áp-phích khổ lớn của siêu thị ảo “VinMart 4.0” đặt tại các khu dân cư, tòa nhà văn phòng, trường học, điểm chờ xe buýt... để “đi chợ” mọi lúc. Nhờ hơn 1.500 điểm bán mà doanh nghiệp đang có được bao gồm hàng trăm cửa hàng mua lại từ Shop&Go sẽ đóng vai trò như những điểm trung chuyển hàng hóa, tạo lợi thế trong cuộc đua về giao hàng online so với các đối thủ. Mô hình của Vingroup đang được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá trên thị trường bán lẻ.

Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, doanh nghiệp Việt Nam được nhận định đang có nhiều lợi thế bởi am hiểu thị trường và xu hướng tiêu dùng của người Việt. Bên cạnh đó, quy định ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) vẫn đang được triển khai, được xem là một công cụ vô cùng hữu ích, là hàng rào kỹ thuật để hạn chế các đại gia bán lẻ nước ngoài nhằm hỗ trợ cho ngành bán lẻ trong nước… Tuy nhiên, những cam kết hội nhập được thực thi như CPTPP sẽ khiến các quy định như ENT phải xóa bỏ trong thời gian tới. Do đó, thời điểm này đang là thời cơ vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh tận dụng cơ hội, giành lấy thị phần./.

Hà Anh (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất