Ngày càng có nhiều nhà cung cấp tham gia vào thị trường dịch vụ thông tin di động và một câu hỏi được nhiều người đặt ra, là phải chăng, hạ tầng thông tin di động sẽ dần thay thế hạ tầng mạng cố định và thị trường dịch vụ thông tin di động liệu đã bão hòa? Theo số liệu được Bộ Thông tin Truyền thông đưa ra mới đây, số máy điện thoại tính trên 100 dân đã là 105, vượt hơn 1 máy/1 đầu người. Vậy trên thực tế, liệu số người sử dụng điện thoại di động ở Việt Nam có cao như con số thống kê và người tiêu dùng được hưởng lợi gì từ cuộc cạnh tranh dịch vụ này?
Theo điều tra của một công ty nghiên cứu thị trường, có 58% dân thành thị và 37% dân khu vực ngoại thành có điện thoại di động riêng. Tại TP.HCM và Hà Nội, tỷ lệ này lên đến 74%. Những con số này còn cao hơn Trung Quốc và Ấn Độ.
Có thể thấy, ngành công nghiệp thông tin viễn thông của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, thị trường chưa thể coi là bão hoà khi theo phân tích, con số thống kê chưa phản ánh chính xác số đầu máy được sử dụng trên thực tế.
Ông Đoàn Quang Hoan - Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin Truyền thông cho rằng: "Số sim được kích hoạt vượt trên 80 triệu chiếc, không có nghĩa là số người sử dụng điện thoại thực tế cũng như vậy".
Đây là một trong số ít loại sản phẩm hàng hoá không chịu tác động từ những cơn bão giá, kể cả trong thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trên thị trường hiện có 7 nhà mạng cung cấp các dịch vụ thông tin viễn thông. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, hiện nay điện thoại di động đang chiếm ưu thế so với điện thoại cố định. Trong tương lai, các dịch vụ vô tuyến băng rộng cũng sẽ phát triển mạnh và nhanh hơn các dịch vụ băng rộng cố định, nhờ công nghệ 3G và các công nghệ vô tuyến hiện đại khác.
Tuy nhiên, mạng cố định cũng có những lợi thế mà mạng di động không thể thay thế. Các hãng cạnh tranh nhau không chỉ bằng công nghệ mà còn bằng dịch vụ đi kèm và chính sách khuyến mãi, thậm chí liên kết để cạnh tranh. Gtel Mobile, liên doanh viễn thông đầu tiên cũng đang tiếp cận thị trường với đầu số mới bằng một mức giá bằng không cho các cuộc gọi nội mạng. Ông Alecxey Blyumin - TGĐ Gtel Mobile cho biết: "Chiến lược của chúng tôi khi đầu tư vào thị trường Việt Nam là hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, mức cước cạnh tranh và đối tượng chính sẽ là giới trẻ. Việt Nam có nền kinh tế phát triển năng động và chúng tôi tự tin vào sự lựa chọn phân khúc thị trường của mình. Cơ hội vẫn luôn dành cho các nhà đầu tư biết khai thác thế mạnh để phục vụ những đối tượng khách hàng đầy tiềm năng ở đây".
Một ưu điểm khác nữa, đó là về nguyên tắc hầu hết các công nghệ di động cho phép các nhà khai thác có thể chia sẻ, dùng chung nhiều thành phần của hạ tầng mạng. Việc dùng chung hạ tầng truyền dẫn cáp cho phép các doanh nghiệp tiết kiệm đầu tư, tiết kiệm tần số và giảm các yêu cầu treo cáp, đào đường.
Tham gia thị trường trong nước ngày càng có nhiều tên tuổi lớn với tiêu chuẩn quốc tế, sự đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và sự đa dạng các sản phẩm dịch vụ cũng được chú trọng nhiều hơn. Và cuối cùng mặc cho các hãng cạnh tranh nhau trên thị truờng thì có lợi nhiều nhất trong các cuộc cạnh tranh về giá vẫn chính là người sử dụng./.
Theo cuocsongso