Hôm nay (10/7), tại thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước và Tập đoàn WorldSoft - chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin tổ chức hội thảo “Các giải pháp bảo mật trong hệ thống ngân hàng và thương mại điện tử” thu hút đông đảo chuyên gia trong và nước ngoài cùng đại diện các ngân hàng ở thành phố Hồ Chí Minh tham dự.
Sự bùng nổ của Internet và các dịch vụ ngân hàng điện tử làm gia tăng nguy cơ về các loại hình tội phạm công nghệ cao đe dọa đến hoạt động của ngành ngân hàng, có thể gây thiệt hại về tài chính do các giao dịch giả mạo làm gián đoạn giao dịch, bị đánh cắp thông số của các chủ thẻ...
Tại hội thảo, đại diện nhiều ngân hàng trình bày về bảo mật thông tin. Theo Ngân hàng Công Thương Việt Nam, khi có sự đầu tư về công nghệ bảo mật mới có thể kiểm soát sự truy cập cũng như phân vùng giám sát để ngăn chặn, sàng lọc nội dung và cấm truy xuất các thông tin xấu.
Hiện, mỗi ngày hệ thống bảo mật của Ngân hàng Công thương phát hiện trên 13.300 virus gây hại, gần 40 phần mềm gián điệp các loại, đặc biệt có gần 67.000 thư rác được phát hiện. Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam cho biết: Ngân hàng phải đảm bảo độ bí mật về an toàn thông tin khách hàng và phải đảm bảo các giao dịch trực tuyến giữa ngân hàng và khách hàng là giao dịch thật, giao dịch chính xác của chủ tài khoản. Để làm được điều đó thì vấn đề an toàn, bảo mật phải được các ngân hàng quan tâm. Hiện nay chúng ta có rất nhiều công nghệ về bảo mật khác nhau, nhưng đối với Việt Nam, theo khuyến cáo của Chính phủ cũng như của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng cần phải triển khai các hạ tầng mã hóa công khai để tăng thêm mức độ bảo mật cao hơn nữa, điều đó giúp cho khách hàng yên tâm tuyệt đối./.
(Theo VOVNews)