Thứ Ba, 17/12/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 23/1/2010 22:5'(GMT+7)

Thị trường tiền tệ dịp Tết ổn định

Các TCTD đã tích cực huy động vốn từ nhiều nguồn đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất – kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng, đảm bảo khả năng an toàn thanh toán. Ảnh minh họa

Các TCTD đã tích cực huy động vốn từ nhiều nguồn đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất – kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng, đảm bảo khả năng an toàn thanh toán. Ảnh minh họa

Xin ông cho biết các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong năm 2009?

Ông Nguyễn Đồng Tiến: Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế nước ta.

Thực hiện chủ trương và giải pháp của Chính phủ về ngăn chặn suy giảm kinh tế, trong năm 2009, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng và thận trọng, với các giải pháp chủ yếu:

Một là, thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất 4%/năm; Hai là, điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ như giảm lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và chiết khấu, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, hoán đổi ngoại tệ để đảm bảo an toàn thanh toán hệ thống và mở rộng tín dụng ở mức hợp lý; Ba là, điều hành linh hoạt tỷ giá, kết hợp với các biện pháp quản lý ngoại hối, can thiệp mua, bán ngoại tệ, xử lý tình hình giao dịch trên các sàn vàng để ổn định thị trường ngoại hối; Bốn là, tăng cường thanh tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất, áp dụng lãi suất thoả thuận, đảm bảo các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh nhằm xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh về an toàn hệ thống.

Việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đó có kết quả tương đối tốt qua diễn biến tiền tệ và hoạt động ngân hàng về cơ bản phù hợp với chủ trương kích thích kinh tế của Chính phủ: Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán là 26,6%; tăng trưởng tín dụng 37,4%; hầu hết các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả, đảm bảo khả năng thanh toán, nợ xấu ở mức thấp (2,3%); việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã góp phần quan trọng đối với ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức 5,32%, kiểm soát lạm phát ở mức thấp (6,52%).

Trong năm 2009, tín dụng tăng ở mức cao (37,4%), thanh khoản của hệ thống ngân hàng về cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, trong 2 tháng cuối năm, thanh khoản có biểu hiện khó khăn, xin ông cho biết  nguyên nhân và các biện pháp xử lý?

Ông Nguyễn Đồng Tiến: Trong năm 2009, các TCTD đã năng động, tích cực huy động vốn từ nền kinh tế, từ nước ngoài và các nguồn vốn tự có để đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất – kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng, đảm bảo khả năng an toàn thanh toán.

Tuy vậy, tháng 11 và 12, thanh khoản của các TCTD có biểu hiện khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua ở mức cao hơn khả năng huy động vốn bởi tác động của các giải pháp kích thích kinh tế; mặt khác theo tính quy luật vào dịp cuối năm, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu lớn về vốn, rút tiền gửi để thanh toán chi tiêu.

NHNN đã dự báo trước được tình hình này. Vì thế, trong 6 tháng cuối năm 2009, NHNN giám sát chặt chẽ tình hình thanh khoản của thị trường, liên tục cảnh báo và chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thanh toán và tháng 11, tháng 12/2009 , NHNN đã điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và tăng cường thanh tra, giám sát chặt chẽ tình hình thị trường để xử lý tình hình căng thẳng thanh khoản.

Một số biện pháp đã được thực hiện như: Điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản từ 7%/năm lên 8%/năm, lãi suất tái cấp vốn từ 7%/năm lên 8%/năm, lãi suất chiết khấu từ 5%/năm lên 6%/năm, tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng huy động vốn; điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các TCTD, với kỳ hạn chào mua giấy tờ có giá dài hơn, tăng từ 7 ngày lên 14 ngày, thực hiện giao dịch 2 phiên/ngày từ ngày 21/12/2009; tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho vay chi phí mùa vụ đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn; sửa đổi cơ chế cho vay bằng ngoại tệ để tạo điều kiện cho các TCTD đáp ứng các nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp; chỉ đạo các TCTD tiếp tục điều chỉnh cơ cấu tín dụng, tập trung cho vay vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh, xuất khẩu và khu vực nông nghiệp, nông thôn...

Thưa ông, theo dự báo, nhu cầu thanh toán và chi tiêu của doanh nghiệp và người dân trong dịp Tết Canh Dần tương đối cao, việc đảm bảo khả năng thanh khoản và ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng trong những tháng đầu năm 2010 được thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Đồng Tiến: Theo tập quán của nền kinh tế - xã hội nước ta, vào dịp cuối năm Dương lịch và Tết Nguyên đán, nhu cầu rút tiền để thanh toán, chi tiêu của doanh nghiệp và dân cư tăng lên ở mức cao và nguồn vốn này sẽ quay trở lại ngân hàng sau Tết Nguyên đán.

NHNN đã dự báo tình hình và nhu cầu vốn thanh toán của các TCTD, đang tích cực thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thanh toán của hệ thống và tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý.

Cụ thể: Điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, với kỳ hạn và khối lượng đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản của các TCTD; thực hiện giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ để tăng nguồn vốn cho vay đối với sản xuất – kinh doanh; thực hiện tái cấp vốn trực tiếp theo cơ chế hiện hành đối với các TCTD thiếu hụt về thanh khoản; xem xét tái cấp vốn cho các TCTD cho vay chi phí sản xuất mùa vụ, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn; yêu cầu các TCTD thực hiện các biện pháp huy động vốn và tiếp tục điều chỉnh cơ cấu tín dụng để tập trung vốn tín dụng cho sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu và khu vực nông nghiệp, nông thôn; điều hành linh hoạt tỷ giá và thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thị trường ngoại hối.

Việc điều hành linh hoạt các công cụ của NHNN như nói ở trên đồng nghĩa với “tăng cung tiền”, như vậy liệu có tác động lên lạm phát không thưa ông?

Ông Nguyễn Đồng Tiến:  NHNN sẽ hỗ trợ vốn (thanh khoản) ngắn hạn cho các NHTM, thông qua điều hành linh hoạt công cụ nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, cho vay qua đêm... và sẽ thu về trong thời hạn nhất định, cho nên không gây áp lực quá lớn đối với lạm phát.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc.

Theo Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất