Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 24/10/2008 22:10'(GMT+7)

Thị trường tiền tệ trong nước tiếp tục ổn định

>>>LHQ tin tưởng Việt Nam sẽ kiềm chế lạm phát thành công

Vốn khả dụng đang ở mức dư thừa khá lớn

Theo đó, vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng trong nước đang dư thừa ở mức khá lớn (khoảng 50.000 tỷ đồng). Lãi suất chào bán qua đêm đồng Việt Nam trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng hiện có xu hướng giảm từ mức 13%/năm ngày 16/10 xuống 10,33%/năm ngày 22/10.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam cũng đang có xu hướng giảm từ 0,5-1%/năm. Cụ thể, các ngân hàng thương mại nhà nước hiện cho vay ở mức 17%-18,5%/năm, riêng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam áp dụng mức lãi suất 16,2%/năm đối với các khách hàng là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trực tiếp tạo sản phẩm, tham gia xác lập và bình ổn các cân đối lớn của nền kinh tế. Còn lại, các ngân hàng thương mại cổ phần cho vay ở mức 17%-19,5%/năm.

Tuy nhiên, theo Vụ Chính sách tiền tệ, cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới hiện nay đang làm kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, khiến doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn. Vì thế, để tháo gỡ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các ngân hàng phải xác định danh mục đối tác để ứng xử trên nguyên tắc đảm bảo an toàn.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Doãn Hữu Tuệ, trong giai đoạn này, các ngân hàng trong nước cần đề ra các giải pháp để hạn chế tác động từ thị trường thế giới, đặc biệt là Mỹ. Đó là các ngân hàng nên xem xét lại các khoản tiền gửi ở nước ngoài (như Vietcombank đã rút những khoản tiền gửi thanh toán lớn từ các ngân hàng nước ngoài về); sau đó thận trọng khi cho vay, nhất là cho vay bất động sản; ngoài ra cần tăng cường vai trò kiểm soát nội bộ, hệ thống quản trị rủi ro, cân nhắc hoạt động kinh doanh sao cho thật hợp lý.

Tỷ giá VND/USD sẽ ổn định do nguồn cung dồi dào

Về biến động tỷ giá VND/USD những ngày qua, Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng, do cuộc khủng hoảng tài chính làm cho thị trường tín dụng trên thế giới bị thu hẹp đã khiến các nhà đầu tư phải cơ cấu lại danh mục đầu tư. Tỷ giá bán chuyển khoản của các ngân hàng thương mại ngày 23/10/2008 ở mức 16.850 đồng/USD, tăng 240 đồng/USD so với ngày 16/10.

Tuy nhiên, theo ông Doãn Hữu Tuệ, một trong những nguyên nhân dẫn đến cầu ngoại tệ trên thị trường tăng mạnh là do nhu cầu xuất nhập khẩu cuối năm tăng cao, nhất là việc nhập nguyên liệu để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu, nhập khẩu các nguyên nhiêu liệu chiến lược...

Ông Tuệ đánh giá, việc tăng giá USD so với VND không phải là một hiện tượng bất thường của thị trường tiền tệ, cũng không đồng nghĩa với việc VND tiếp tục bị trượt giá sâu. Tỷ giá thông qua thị trường tiền tệ được điều tiết bởi cung cầu ngoại tệ.

Ông Tuệ cho biết thêm, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng hiện không biến động mạnh mà chủ yếu là trên thị trường tự do. Vấn đề lúc này là tâm lý người dân.

Với nguồn cung ngoại tệ như hiện nay, ông Tuệ dự báo, tỷ giá VND/USD sẽ ổn định trở lại trong thời gian tới. Khi cân đối các mục tiêu xuất khẩu - nhập khẩu thì tỷ giá hợp lý có thể ở mức 17.000 đồng/USD.

Thông tin từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong hai ngày 22 và 23/10, BIDV đã bán ra khoảng 70 triệu USD, trong đó ngày 22/10 là 20 triệu USD và ngày 23/10 là 50 triệu USD, tăng cao so với mức trung bình của cả tháng 9.

Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngày 20/10 đã mua vào khoảng trên 70 triệu, bán ra 60 triệu USD; ngày 21/10 mua vào 127 triệu USD, bán ra 122 triệu USD; ngày 22/10 mua vào 160 triệu USD, bán ra 161,6 triệu USD.

Ngày 23/10, Tổng Giám đốc hai ngân hàng BIDV và Vietcombank đều khẳng định vẫn chỉ đạo các chi nhánh thực hiện việc mua bán USD bình thường cho các đối tượng. Khả năng tự cân đối nguồn ngoại tệ của các ngân hàng vẫn đảm bảo và hoàn toàn có đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu mua bán của khách hàng. Các ngân hàng khẳng định, họ chưa cần đến bất cự sự hỗ trợ nào từ NHNN.



(Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất