Chủ Nhật, 29/9/2024
Môi trường
Thứ Năm, 25/2/2010 12:18'(GMT+7)

Thích ứng và giảm tác hại của biến đổi khí hậu

Những trụ chống lũ cho cầu Long Biên lộ trơ trên móng mực nước (Ảnh: V.Hưng)

Những trụ chống lũ cho cầu Long Biên lộ trơ trên móng mực nước (Ảnh: V.Hưng)

Năm năm gần đây, các tỉnh đồng bằng sông Hồng liên tục phải đối phó tình trạng hạn hán gay gắt trong vụ đông xuân do mực nước sông Hồng liên tục xuống thấp dưới mức lịch sử trong vòng mười năm qua. Từ nay đến năm 2050, hiện tượng ấm lên của khí hậu trái đất sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, như thiên tai lũ lụt tàn phá các nước, trong đó có Việt Nam.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước tình hình khí hậu thay đổi và mực nước biển dâng. Nếu nước biển dâng lên một mét nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền. Trong khi nước ta có bờ biển dài 3.260 km, khi đó 22 triệu người Việt Nam tương đương một phần năm dân số sẽ mất nhà ở, 12% số diện tích đất canh  tác bị mất, sinh kế của hàng chục triệu người dân bị đe dọa. Ðồng thời, do biến đổi khí hậu (BÐKH), nước biển dâng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái động thực vật ven biển.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN và PTNT) với sáu lĩnh vực chính là: Nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và phát triển nông thôn; là ngành có liên quan tới cuộc sống của 73% dân số, trong đó tập trung phần lớn người nghèo của Việt Nam. Theo đánh giá của UNDP, người nghèo là đối tượng chịu ảnh hưởng của BÐKH  nhiều nhất. Nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quản lý đê điều và phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai là vô cùng quan trọng đối với ổn định xã hội và phát triển bền vững. Những hoạt động thích ứng, giảm nhẹ với BÐKH của ngành NN và PTNT sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược ứng phó, giảm nhẹ với BÐKH ở Việt Nam. Sản xuất nông nghiệp sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức trong các thập kỷ tới.  Suy thoái tài nguyên đất và nước là yếu tố hạn chế lớn nhất đối với việc thực hiện mục tiêu an ninh lương thực.

Nước biển dâng sẽ gây nguy cơ ngập lụt tại đồng bằng sông Hồng (ÐBSH) và Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là hai vựa lúa lớn nhất của cả nước. Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) nhận định, sản xuất lúa gạo của Việt Nam tập trung chủ yếu vào hai vùng ÐBSH và ÐBSCL, do đó chỉ cần một sự gia tăng nhỏ của mực nước biển cũng sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc. Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), trường hợp mực nước biển dâng lên một mét, nếu chỉ tính riêng thiệt hại do mất đất sản xuất tại các vùng bị ngập ước tính tổng sản lượng lương thực của nước ta sẽ giảm khoảng 12%  (khoảng năm triệu tấn). Ngoài diện tích bị ngập lụt, một diện tích khá lớn tại ÐBSCL và ÐBSH sẽ bị nhiễm mặn, sản lượng lương thực của nước ta có thể bị giảm tới hàng chục phần trăm do phải chịu ảnh hưởng này.

Diện tích canh tác cây lương thực có thể giảm do BÐKH làm một số vùng không còn phù hợp với sản xuất lương thực và một phần đất hiện trồng cây lương thực sẽ phải chuyển đổi thành đất cho những người phải di dời do ngập lụt vùng duyên hải. Ðối với ngành chăn nuôi, năng suất và sản lượng một số loại vật nuôi có thể bị giảm do biên độ dao động của nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố ngoại cảnh khác tăng lên. Sản lượng lương thực giảm cũng làm cho nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi giảm đi, ảnh hưởng việc phát triển của ngành chăn nuôi. Nhiệt độ tăng cùng với biến động về các yếu tố khí hậu và thời tiết khác có thể làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển bùng phát gây ra những đại dịch trên gia súc, gia cầm. Ðó là chưa kể tác động của BÐKH đến thủy lợi; tác động của BÐKH đến lâm nghiệp; thủy sản và phát triển nông thôn. Trước nguy cơ và thách thức của BÐKH toàn cầu, để phát triển bền vững, ngành nông nghiệp đã xây dựng chương trình hành động thích ứng và giảm thiểu những thiệt hại do BÐKH gây ra. Trong Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm  nhẹ thiên tai đến năm 2020 đã chỉ rõ: "Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai lấy phòng ngừa là chính, không ngừng nghiên cứu tác động của BÐKH toàn cầu, nước biển dâng và những hiện tượng bất thường khác của khí hậu để phòng, tránh".

Các chương trình trồng rừng và bảo vệ rừng của Bộ NN và PTNT, đặc biệt là Chương trình năm triệu ha rừng là những đóng góp rất lớn cho các hoạt động giảm thiểu những thiệt hại do BÐKH tại Việt Nam. Ðồng thời, bộ thực hiện nhiều đề tài về xử lý chất thải trong chăn nuôi để sản xuất biogas; về phát triển năng lượng sạch (hệ thống thủy lợi kết hợp thủy điện nhỏ). Tuy nhiên, trước mắt để phòng tránh, cần đề ra nhóm giải pháp chính. Ðó là, nâng cao nhận thức về BÐKH, tác động của BÐKH đối với ngành NN và PTNT; huy động lực lượng chuyên gia ở các bộ, ngành, các viện nghiên cứu, hội nghề nghiệp để xây dựng kế hoạch cụ thể, đúng tiến độ triển khai thực hiện chương trình hành động ngành. Rà soát sự phân công nhiệm vụ giữa các ban, ngành thuộc bộ, các địa phương trong việc xây dựng và thực hiện các giải pháp thích ứng với BÐKH, hoàn thiện văn bản pháp quy liên quan việc lồng ghép các vấn đề BÐKH trong quy hoạch phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ða dạng hóa các hình thức hợp tác với các nước trong lĩnh vực thích ứng BÐKH để học tập, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tiếp nhận các mô hình thích ứng với BÐKH. Tổ chức đào tạo lại, đào tạo mới, hình thành đội ngũ chuyên gia, nhất là các chuyên gia khoa học đầu đàn, cán bộ quản lý nhà  nước có trình độ cao trong lĩnh vực này. Bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện chương trình hành động ngành từ ngân sách nhà nước, đồng thời huy động các nguồn ODA, vốn từ các chương trình hợp tác quốc tế, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc mọi thành phần kinh tế. Bảo đảm  công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và đánh giá định kỳ mức độ hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình hành động ngành.

TS NGUYỄN BỈNH THÌN
(Theo Nhân Dân điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất