Theo các báo cáo trình bày tại cuộc họp của Liên hiệp Khoa học Trắc địa
châu Âu tổ chức tại Vienna, Áo, hôm 18/4, thiên tai đã gây ra thiệt hại
kinh tế tới hơn 7 tỷ USD và lấy đi sinh mạng của hơn 8 triệu người trong
115 năm qua (1900-2015); trong đó, thiệt hại kinh tế do lũ lụt và bão
chiếm tới 60%.
Khái niệm về thiên tai trong báo cáo này bao gồm cả động đất, núi lửa, hạn hán, các đợt nóng và cháy rừng.
Theo nghiên cứu của kỹ sư nghiên cứu rủi ro James Daniell thuộc Viện
nghiên cứu Kỹ thuật Karlsruhe tại Đức, với hơn 35.000 trận lũ, lụt xảy
ra trong 115 năm qua, lũ lụt được nhận định là thủ phạm hàng đầu gây ra
thiệt hại về người và của cho thế giới.
Cụ thể, số người thiệt mạng do lũ lụt chiếm hơn một nửa số tổng số người
chết do thiên tai và chiếm 38,5% tổng thiệt hại kinh tế của thế giới.
Nghiên cứu còn cho thấy kể từ năm 1960 trở lại đây, bão và các đợt sóng
bất thường do bão gây ra đã thay thế lũ lụt trở thành hiện tượng thiên
tai có sức tàn phá khủng khiếp nhất, với tần suất và quy mô các trận bão
ngày càng nhiều và mạnh hơn.
Tuy nhiên, ông này cho rằng chưa thể khẳng định sự gia tăng tần suất các trận bão là do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.
Thủ phạm thiên tai lớn thứ hai gây ra thiệt hại cho thế giới là động
đất, chiếm 26% tổng số thiệt hại kinh tế của thế giới và cướp đi sinh
mạng của 2,3 triệu người trong 115 năm qua./.
(TTXVN)