Tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu không có nhiều tiến triển trong thời gian qua khiến Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy “sốt ruột”.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong chuyến thăm Đức mới đây đã khiến dư luận bất ngờ khi tuyên bố nước này sẽ từ bỏ các nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nếu như không đạt được mục tiêu này vào năm 2023. Đây là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra tuyên bố cụ thể về thời hạn mà nước này có thể chờ đợi trên con đường gia nhập EU. Có vẻ như tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu không có nhiều tiến triển trong thời gian qua khiến Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy “sốt ruột”.
Đến thăm Đức nhưng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lại khiến dư luận phải quan tâm đến mối quan hệ giữa Ankara với Liên minh châu Âu (EU) nhiều hơn. Lý do là bởi ông Erdogan đã lần đầu tiên công khai phàn nàn rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chờ đợi quá lâu để được gia nhập Liên minh Châu Âu, đồng thời tuyên bố liên minh châu Âu sẽ "để mất" Thổ Nhĩ Kỳ nếu không sớm kết nạp nước này làm thành viên.
Trong bối cảnh, thời gian gần đây mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU không được “thuận buồm xuôi gió”, những tuyên bố của Thủ tướng Erdogan được xem như là “tối hậu thư” gửi đến Liên minh châu Âu. Tuy vậy, thái độ này của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khiến cho dư luận không khỏi bất ngờ, bởi gần 50 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ luôn theo đuổi mục tiêu được kết nạp vào Cộng đồng châu Âu (EC) trước đây và Liên minh châu Âu (EU) hiện nay.
Hầu hết, các nước thành viên Liên minh châu Âu đều có chung cảm nhận Thổ Nhĩ Kỳ cần khối này hơn là ngược lại. Kể từ khi được công nhận quyền đàm phán chính thức để gia nhập khu vực này từ năm 2005, cho đến nay, người ta chỉ thấy Liên minh châu Âu đưa ra điều kiện và áp đặt lộ trình để Ankara đàm phán việc gia nhập khối chứ không thấy điều ngược lại.
Tuyên bố của Thủ tướng Erdogan khiến dư luận thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ dường như tự tin hơn có lẽ do nước này nhận thấy tầm quan trọng và lợi ích đối với Liên minh châu Âu.
Do đâu mà Thủ tướng Erdogan có những phát biểu đáng ngạc nhiên như vậy? Trước tiên, có lẽ do Thổ Nhĩ Kỳ đã quá nóng lòng với mục tiêu trở thành thành viên của ngôi nhà chung châu Âu. Thực tế, suốt 7 năm qua, những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ để trở thành thành viên Liên minh châu Âu không đạt được những bước tiến triển đáng kể nào do vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia thành viên trong khối. Đơn cử như Cộng hòa Cyprus đã khẳng định rằng họ sẽ cản trở nỗ lực này của Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi nào đảo Cyprusp được thống nhất và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi đất nước này.
Một thành viên khác của Liên minh châu Âu là Bulgaria thậm chí đưa ra yêu cầu đòi Thổ Nhĩ Kỳ bồi thường 20 tỷ USD do Đế quốc Ottoman đã trục xuất khoảng 250.000 người Bulgaria trong thời kỳ chiến tranh Balkan năm 1913 để đổi lấy lá phiếu thuận của Bulgaria cho phép Thổ Nhĩ Kỳ ra nhập khối này.
Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ hoàn thành 1 trong 35 điều khoản mà Liên minh châu Âu đặt ra, và những khúc mắc còn tồn tại mà Thổ Nhĩ Kỳ chưa đáp ứng được đó là các yêu cầu về nhân quyền và tự do ngôn luận.
Lý do thứ hai có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ đang tự tin về vị thế quốc tế và tiềm lực kinh tế, tài chính của mình. Không thể phủ nhận rằng, trong những năm qua kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển một cách nhanh chóng và được coi là một “Trung Quốc ở châu Âu”. Thậm chí nước này còn tuyên bố sẵn sàng tham gia giúp Liên minh châu Âu thoát khỏi khủng hoảng tài chính. Nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng mình có thể đóng góp tích cực cho sự ổn định tình hình khu vực và trở thành đối tác không thể bỏ qua của Liên minh châu Âu. Bản thân Liên minh châu Âu cũng coi Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác rất quan trọng. Nhưng để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của khối thì vẫn còn nhiều điều phải bàn.
Vì thế, thái độ “sốt ruột” đã chuyển thành “tự ái” của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là điều có thể lý giải. Mặc dù ngay sau đó, trong buổi họp báo chung, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cam kết rằng Liên minh châu Âu sẽ chân thành trong các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này, song tiến trình để Ankara hòa nhập với Liên minh châu Âu chắc chắn sẽ là một chặng đường dài phía trước./.
Theo VOVnews