Căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Âu vẫn tiếp tục leo thang, thậm chí các tranh cãi có thể khiến mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) sụp đổ khi Tổng thống Tayyip Erdogan vừa tuyên bố sẽ xem xét lại quan hệ với EU sau cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp vào tháng Tư tới.
Cho đến lúc này, hai phía dường như vẫn không ngừng các động thái leo thang căng thẳng và không ngần ngại công khai mọi quan điểm bất đồng.
Việc Tổng thống Erdogan chỉ trích lãnh đạo Hà Lan và Đức hành xử “như những kẻ phátxít” khi ngăn nhiều Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc míttinh ở nước ngoài nhằm vận động cộng đồng người Thổ trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới dường như đã đẩy quan hệ xuống mức khó có thể hàn gắn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đi quá giới hạn và Ancara đang ngày càng xa cách với EU. Nhiều chuyên gia cho rằng sự căng thẳng này rất lạ lùng khi mà EU đang cần hơn bao giờ hết mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thực tế cho thấy, từ lâu, quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ luôn tồn tại những mâu thuẫn sâu sắc. Lịch sử cũng đã chia rẽ hai bên, khi các tranh cãi về việc thừa nhận nạn diệt chủng người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất vẫn còn dai dẳng đến ngày nay. Cho dù hợp tác an ninh và quan hệ kinh tế trở nên mạnh mẽ, nhưng những mâu thuẫn giữa hai bên về cái gọi là "những nền tảng quan trọng của dân chủ" theo tiêu chí của phương Tây ngày càng bộc lộ rõ nét.
Sau khi đảng Công lý và Phát triển (AKP) lên nắm quyền dưới thời ông Abdullah Gul năm 2002 và sau đó là dưới thời ông Tayyip Erdogan, những xung đột này dường như đã được giải tỏa.
Trong những năm đầu tiên nắm quyền, AKP muốn Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU và hiện đại hóa nền kinh tế. Đảng này đã tiến hành những cải cách thực sự, đặc biệt là trong các lĩnh vực như tư pháp, điều vốn cần thiết cho mục tiêu trở thành thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, ông Erdogan luôn để ngỏ một lựa chọn “tân Ottoman," mô hình sẽ định hướng Thổ Nhĩ Kỳ ngả về phía Trung Đông và thế giới Hồi giáo. Điều đó đã trở nên rõ rệt vào năm 2007 khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp thời điểm đó là Nicolas Sarkozy cùng nhau đóng cửa trên thực tế đối với khả năng trở thành thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO và đã xin gia nhập EU từ lâu. EU đã nhiều lần kết nạp thêm thành viên mới, trong đó có nhiều nước chưa phải là thành viên NATO, mà Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị EU bắt chờ đợi ở bên ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ muốn được tận hưởng những ưu đãi về kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, cũng như cả những phúc lợi xã hội từ phía EU.
Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, EU luôn tìm cách trì hoãn hoặc không dành ưu tiên cho việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ, vì trong tư tưởng của lãnh đạo nhiều nước EU, Thổ Nhĩ Kỳ thực chất là một quốc gia Hồi giáo mà đạo Hồi luôn là một mối lo canh cánh của EU. Việc EU chưa thực hiện cam kết miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh điều này.
Cho dù hiện tại, EU đang rất cần Thổ Nhĩ Kỳ vì không có sự hợp tác của chính quyền Ankara, EU không thể giải quyết được vấn đề người tỵ nạn. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, mà EU xác định là mối đe doạ an ninh hàng đầu, nhưng EU lại không từ bỏ các nguyên tắc của mình.
Việc chính quyền của ông Erdogan bỏ tù và sa thải hàng chục nghìn binh lính, cảnh sát, thẩm phán, công tố viên, giáo viên... sau khi chặn được âm mưu đảo chính hồi tháng Bảy năm ngoái bị EU coi là vi phạm nhân quyền và các nguyên tắc của luật pháp. Trong khi đó, chính quyền Ankara lại cho rằng chính EU lại đang bao che cho các phần tử đảo chính và dung túng cho các tay súng người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ngoài vòng pháp luật.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa hủy bỏ thỏa thuận với EU về giải quyết vấn đề người tị nạn có thể là "con bài cuối cùng" trong cuộc tranh cãi với EU. Nó sẽ thúc đẩy dòng người tị nạn dường như vô tận tìm đường đến châu Âu. Rõ ràng, các nước EU đã thấm thía bài học để lại từ cuộc khủng hoảng người di cư của những năm trước. Chính cuộc khủng hoảng này được coi là nguồn gốc đã dẫn tới việc Anh rời bỏ EU, khủng bố tràn lan, cùng với đó là phong trào dân tộc chủ nghĩa và dân túy cực đoan đang trỗi dậy tại châu Âu.
EU cũng hiểu rõ sự đổ vỡ trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ có thể đẩy khu vực Biển Đen và vùng Balkan vào bất ổn. Hơn thế nữa, nếu để mất quốc gia có vị trí chiến lược này, phương Tây sẽ để mất một chỗ đứng quan trọng tại Trung Đông, nơi Nga đang tích cực gia tăng ảnh hưởng, đặc biệt sau khi chính quyền của Tổng thống Putin can thiệp quân sự tại Syria.
Giới phân tích cho rằng cả Thổ Nhĩ Kỳ và EU đang đứng trước ngã ba đường lịch sử và đây sẽ là thời điểm họ phải quyết định bản chất mối quan hệ liên minh trong tương lai. Điều chỉnh quan hệ thế nào với Thổ Nhĩ Kỳ là bài toán các nước EU cần sớm tìm lời giải. Bởi một Thổ Nhĩ Kỳ bị bỏ rơi, xa lánh bên lề châu Âu càng khiến EU bất ổn. Càng găng với Thổ Nhĩ Kỳ, EU càng khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn và càng làm hại chính mình./.
(TTXVN)