Nhiều tổ chức cứu trợ quốc tế đã cùng chỉ trích thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép tới Hy Lạp lại khiến cho việc tìm kiếm cơ hội nhập cư ở châu Âu trở nên "bất khả thi" đối với nhóm những người di cư cần được giúp đỡ nhất.
Một năm kể từ ngày thỏa thuận EU-Ankara có hiệu lực, nhiều tổ chức như Hội đồng cứu trợ quốc tế (IRC), Hội đồng cứu trợ Na Uy (NRC) hay Oxfam đều cho rằng thỏa thuận này đẩy người di cư tới những rủi ro và nguy cơ bị lạm dụng, hay nói cách khác châu Âu đang tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm.
Theo thỏa thuận, bất kể người di cư nào tới Hy Lạp mà không có giấy tờ hợp lệ đều sẽ bị trục xuất trở lại Thổ Nhĩ Kỳ trừ những người đủ điều kiện tị nạn tại Hy Lạp. Song các quy trình xét duyệt tị nạn phức tạp trong khi danh sách chờ ngày càng dài hơn khiến khoảng 14.000 người mắc kẹt tại năm hòn đảo của Hy Lạp, gây ra tình trạng quá tải ở các địa phương.
Theo IRC, sự trì trệ khiến cơ hội được giúp đỡ "dần tuột khỏi tầm tay" những người cần được bảo trợ nhất. Những khó khăn nảy sinh kể từ khi thỏa thuận được thực hiện khiến nhóm người tìm kiếm tị nạn này suy sụp tinh thần nhanh hơn, họ dễ tuyệt vọng bế tắc hơn khi phải chờ đợi quá lâu trong điều kiện hết sức khó khăn. Tại nhiều trại tị nạn, đã có tình trạng người di cư tự tử, tự làm đau chính mình hay uống thuốc chống trầm cảm để thoát khỏi "cảnh khổ sở cùng cực."
Thỏa thuận EU- Ankara bắt đầu có hiệu lực từ 20/3/2016 sau khi hơn 1 triệu người di cư và nhập cư đến từ Syria, Iraq, Afghanistan... đã tới tìm tới châu Âu qua nẻo Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp, gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới Hai ở "lục địa già."
Ngay từ khi mới được đề xuất, thỏa thuận này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các cơ quan di cư và nhân quyền của Liên hợp quốc và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế khi cho rằng thỏa thuận vi phạm luật nhân quyền quốc tế. Các tổ chức cũng kêu gọi ngăn chặn tận gốc ý định áp dụng thỏa thuận kiểu này tại bất kỳ quốc gia nào khác./.
(TTXVN)