Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 7/6/2013 17:48'(GMT+7)

“Thời điểm phù hợp để Việt Nam tham gia UNPKO”

Ảnh minh họa. (Nguồn: scrapetv.com)

Ảnh minh họa. (Nguồn: scrapetv.com)

Tại Đối thoại năm nay, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng với tư cách là diễn giả chính đã có bài phát biểu khai mạc, đồng thời đưa ra tuyên bố Việt Nam chính thức tham gia Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (UNPKO). Nhân sự kiện này, Vietnam+ xin gửi tới bạn đọc về hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và một số vấn đề liên quan Việt Nam được đăng tải trên mạng DanQuyen.com, ngày 2/6:

Gìn giữ hòa bình là chức năng của Liên hợp quốc
 
Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là cơ chế đặc biệt trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ra đời từ năm 1948 dựa vào lực lượng do các nước thành viên đóng góp, đặt dưới sự chỉ huy của Liên hợp quốc nhằm hỗ trợ giải quyết xung đột ở các khu vực, tuân theo những quy định tập thể của Liên hợp quốc. Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Liên hợp quốc và đã được trao giải thưởng Nobel về Hòa bình.
 
Đến nay, Liên hợp quốc đã triển khai khoảng 70 hoạt động gìn giữ hòa bình trên khắp thế giới với khoảng 700.000 người tham gia với tổng số tiền đã chi lên tới gần 50 tỷ USD. Khoảng trên 120 thành viên Liên hợp quốc đã cử lực lượng tham gia UNPKO, trong đó chủ yếu đến từ các nước đang phát triển như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Nigeria… Liên hợp quốc hiện có tổng cộng 16 phái bộ gìn giữ hòa bình với khoảng 113.000 người chủ yếu là quân lính, quan sát viên quân sự, cảnh sát, nhân viên dân sự quốc tế, tình nguyện viên đang triển khai các hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới, tập trung chủ yếu tại các nước Haiti, Sudan, Congo, Đông Timor…
 
Việc triển khai các hoạt động của UNPKO cần phải được Liên hợp quốc cho phép, trên cơ sở thoả thuận hòa bình, có sự nhất trí của các bên liên quan và đảm bảo tính khách quan. Việc triển khai UNPKO không nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, không tham gia tác chiến, chỉ sử dụng vũ lực ở mức tối thiểu trong trường hợp không còn biện pháp nào khác và vì mục đích tự vệ.
 
Các nước Đông Nam Á đã tham gia UNPKO từ khá sớm, đi đầu là Indonesia tham gia từ năm 1957, Malaysia từ năm 1960 và đến nay trong các nước ASEAN chỉ còn Lào chưa tham gia. Các nước ASEAN rất tích cực tham gia các hoạt động của UNPKO, có những đóng góp nhất định, đồng thời chú trọng đề cập đến vấn đề này chương trình nghị sự của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), và ngày càng thu hút sự quan tâm của các đối tác trong và ngoài khu vực.
 
Thách thức lớn hơn cần vai trò, trách nhiệm lớn hơn
 
Xung đột, bạo lực, thiên tai, thảm họa nhân đạo tiếp tục xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới với mức độ thiệt hại về người và của ngày càng nặng nề hơn. Những vấn đề này không thể một nước nào có đủ khả năng đơn phương giải quyết. Tình hình này đòi hỏi các nước thành viên của Liên hợp quốc, trong đó có Việt Nam, phải tích cực thể hiện trách nhiệm quốc tế lớn hơn, trong đó tăng cường hợp tác, củng cố lòng tin là điều kiện tiên quyết trong phối hợp xử lý các thách thức khu vực và quốc tế.
 
Trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2013, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra một thông điệp, lời kêu gọi chung tay xây dựng lòng tin chiến lược với ngụ ý rằng “nếu có lòng tin chúng ta sẽ vượt qua tất cả” cũng như hướng tới việc “hòa bình, hợp tác tác và phát triển là lợi ích, là nguyện vọng tha thiết, là tương lai chung của các quốc gia, các dân tộc, hãy cùng chung tay xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, hợp tác, thịnh vượng.” Đây là nội dung mang tính điểm nhấn, có ý nghĩa dẫn dắt tới tuyên bố Việt Nam chính thức tham gia UNPKO, trong đó tập trung vào việc đưa ra giải pháp cụ thể, hợp tác quốc tế, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
 
Sau một thời gian phát triển kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế-xã hội và có vị thế lớn hơn trong con mắt quốc tế, có thể coi đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam tham gia UNPKO, để thể hiện “là một thành viên có trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh chung.”
 
Quyết định tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được đưa ra tại một diễn đàn đối thoại an ninh uy tín của khu vực cho thấy Việt Nam đã đủ thế và lực để tham gia tích cực hơn trong thực hiện các nghĩa vụ quốc tế. Tuy nhiên, Thủ tướng Việt Nam cũng nhấn mạnh định hướng tham gia UNPKO là theo con đường “hòa bình, tự vệ, không đồng minh quân sự”, trước hết là trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự.
 
Trong khi đó, các hãng thông tấn nổi tiếng trên thế giới đã rất quan tâm đến bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam về việc “xây dựng lòng tin” cũng như chính sách quốc phòng của Việt Nam. Các hãng thông tấn hàng đầu của Pháp, Anh, Nhật Bản và Singapore như AFP, BBC, Kyodo, Channelnewsasia cũng tiến hành đưa tin về Hội nghị Shangri La 2013, trong đó thể hịên sự chú ý tới thông báo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc Việt Nam sẽ lần đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
 
Việc tham gia UNPKO cũng đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức về việc triển khai các lực lượng ra nước ngoài, về kinh nghiệm, quản lý và các yếu tố về văn hoá, khí hậu cũng như có thể ảnh hưởng đến quan hệ với nước sở tại. Tuy nhiên, với chính sách đối ngoại hòa hiếu, việc Việt Nam tham gia UNPKO là cần thiết, thể hiện sự đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam vào công việc chung của quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc./.


(Theo Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất