Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn kiện Đảng
Thứ Tư, 17/9/2008 16:25'(GMT+7)

Thông báo kết luận của Ban Bí thư về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện

Tại phiên họp ngày 19-8-2008, sau khi nghe Ban Tổ chức TW, Ban Tuyên giáo TW, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh báo cáo Tờ trình về Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các trường chính trị cấp tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, Ban Bí thư kết luận như sau:

I. Tình hình hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện

1- Kết quả đạt được.

Thực hiện các Quyết định (số 88-QĐ/TW, ngày 5-9-1994 về việc thành lập trường chính trị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; số 100-QĐ/TW, ngày 3-6-1995 về việc tổ chức trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VII), các ban thường vụ cấp uỷ địa phương đã thành lập các trường chính trị cấp tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Hoạt động của các trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong những năm qua đã và đang đi vào nền nếp, có những chuyển biến tích cực và thu được những kết quả quan trọng.

- Đối với trường chính trị cấp tỉnh: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức cấp cơ sở đã bám sát nhiệm vụ, mục tiêu, đối tượng; quy mô đào tạo, bồi dưỡng được mở rộng. Luôn quán triệt quan điểm cơ bản của Đảng trong công tác đào tạo cán bộ; thực hiện đa dạng hoá chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng; đã từng bước đổi mới nội dung chương trình theo hướng thiết thực.

Phương pháp giảng dạy và học tập bước đầu được đổi mới, gắn lý luận với thực tiễn; hoạt động nghiên cứu khoa học được chú trọng, phục vụ công tác giảng dạy, học tập và góp phần tổng kết một số vấn đề thực tiễn của địa phương.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở qua đào tạo, bồi dưỡng ở trường chính trị cấp tỉnh đã được nâng cao về trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của công tác lãnh đạo, quản lý và nhiệm vụ chính trị ở các địa phương, cơ sở.

Tổ chức, bộ máy các trường chính trị cấp tỉnh từng bước được kiện toàn, ổn định. Đội ngũ giảng viên tăng lên cả về số lượng và chất lượng, nhìn chung được đào tạo cơ bản, số có học vị tiến sĩ, thạc sĩ tăng lên đáng kể. Cơ sở vật chất của các trường được nâng cấp, bổ sung và từng bước hiện đại hoá.

- Đối với trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện: có bước chuyển biến trong tổ chức chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị của địa phương; đổi mới về phương pháp công tác; chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên một bước. Nội dung, chương trình được bổ sung phong phú, đa dạng hơn; đã bám sát quan điểm, đường lối của Đảng và cơ bản phù hợp thực tiễn của đất nước, đáp ứng tốt hơn yêu cầu học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Tổ chức, bộ máy tương đối ổn định. Số lượng, chất lượng của đội ngũ giảng viên được nâng lên; đã tích cực xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức. Cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động của nhiều trung tâm đã được đầu tư, xây dựng phục vụ cho hoạt động dạy và học.

2- Hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân

Những hạn chế, vướng mắc:

- Đối với trường chính trị cấp tỉnh: Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng tuy đã được đổi mới, bổ sung quan trọng, song còn chậm và thiếu đồng bộ. Cơ cấu nội dung, thời lượng các môn học chưa thật hợp lý, còn thiếu nhiều kiến thức về kỹ năng lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu công tác thực tiễn đối với cán bộ ở cơ sở. Hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng chưa thống nhất, một số chương trình còn chồng chéo về nội dung. Phương pháp giảng dạy chậm được đổi mới. Phương châm lý luận liên hệ với thực tiễn, học đi đôi với hành chưa được quán triệt và thực hiện chặt chẽ; chưa phát huy được tính tích cực chủ động, sáng tạo của người học. Công tác quản lý học viên ở một số trường chưa thật chặt chẽ. Việc mở lớp đào tạo tập trung tại trường còn ít, chủ yếu là hình thức tại chức, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tổ chức bộ máy thực hiện chưa thống nhất. Đội ngũ giảng viên còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Quy định chế độ, tiêu chuẩn học tập đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở còn nhiều điểm trùng lặp, nặng về bằng cấp. Chế độ, chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa được quy định thống nhất.

Có nhiều đầu mối cùng chỉ đạo, hướng dẫn chương trình, nội dung và quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng. ở một vài địa phương vẫn còn tồn tại song song những trung tâm cùng thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở dẫn đến việc tổ chức đào tạo còn phân tán, chồng chéo về đối tượng. Việc sử dụng con dấu, thể thức văn bản của các trường chính trị chưa thống nhất. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều trường chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

- Đối với trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện: Chương trình chưa đa dạng, mới chú trọng về lý luận chính trị, phổ biến chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chưa chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ. Chất lượng của một số chương trình chưa cao, chưa sát cơ sở, thiếu tính thực tiễn. Thiếu chương trình bồi dưỡng cho cán bộ đoàn thể chính trị-xã hội. Một số nơi còn rút ngắn chương trình. Hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu. Việc tổ chức mở lớp ở nhiều nơi còn mang tính chất đại trà, hình thức, chất lượng thấp.

Tổ chức bộ máy một số trung tâm chậm được kiện toàn. Số lượng cán bộ, công chức nhìn chung còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa bảo đảm. Chế độ, chính sách đối với người dạy và người học chậm đổi mới, chưa thống nhất. Cơ sở vật chất và trang thiết bị của các trung tâm còn nghèo nàn, một số trung tâm chưa có trụ sở ổn định.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, vướng mắc:

Một số cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, giữa các cơ quan Trung ương với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của các trường chính trị cấp tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện chưa chặt chẽ.

Việc hướng dẫn, chỉ đạo, quản lý chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối với các trường chính trị chưa thống nhất; chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn chồng chéo, vừa thừa, vừa thiếu. Nhiều trường chính trị cấp tỉnh trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện chưa tích cực, chủ động trong việc cụ thể hoá nội dung chương trình, giáo trình, đề cương bài giảng, chậm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và tổ chức quản lý đào tạo.

Tổ chức bộ máy của trường, trung tâm trên phạm vi toàn quốc chưa thống nhất, chậm được kiện toàn; đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng, chất lượng còn hạn chế.

Chế độ, chính sách quy định chưa rõ ràng, thiếu thống nhất, chậm sửa đổi, bổ sung, nhất là chế độ, chính sách đối với người dạy và học. Quy định tiêu chuẩn, chế độ học tập đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở chưa thống nhất.

II. Mục tiêu, phương hướng, giải pháp chủ yếu về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện

1- Mục tiêu, phương hướng

- Mục tiêu: Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý và kỹ năng, nghiệp vụ tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó ở địa phương, cơ sở.

- Phương hướng: Tập trung xây đựng hệ thống các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thống nhất; đổi mới căn bản nội dung đào tạo, bồi dưỡng, bám sát mục tiêu, yêu cầu công tác của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở; đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng "cơ bản, thiết thực, gắn với thực tiễn"; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tăng cường đầu tư xây đựng cơ sở vậ chất đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của trường, trung tâm.

2- Một số giải pháp chủ yếu

2 .1- Về chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng

- Đối với trường chính trị cấp tỉnh: Xây dựng hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng thống nhất, thực hiện “đào tạo cơ bản" và "bồi dưỡng theo chức danh" cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở bảo đảm tính cơ bản, thiết thực. Hệ thống chương trình bao gồm: đào tạo cơ bản; bồi dưỡng chức danh; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng, chính quyền, đoàn thể; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới; bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước để thực hiện tiêu chuẩn hoá cán bộ, công chức v.v... Thống nhất chương trình trung cấp lý luận chính trị và trung cấp hành chính thành chương trình trung cấp lý luận chính trị-hành chính. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở được học chương trình đào tạo cơ bản, nếu có sự luân chuyển vị trí, chức danh công tác thì được học bổ sung chương trình bồi dưỡng theo chức danh và chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan khác.

- Đối với trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện: Đa dạng hoá nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; bổ sung chương trình bồi dưỡng cho cán bộ đoàn thể chính trị-xã hội, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở làm công tác đảng, chính quyền, đoàn thể. Xây dựng chương trình sơ cấp lý luận chính trị-hành chính.

2.2- Về phương pháp, hình thức tổ chức quản lý đào tạo, bồi dưỡng: Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, lấy hoạt động của người học làm trung tâm, tăng cường đối thoại, hướng dẫn bài tập xử lý tình huống, thực hành lãnh đạo, quản lý nhằm trang bị cho người học vừa nắm được lý luận cơ bản, vừa nắm vững kỹ năng thực hành. Đa dạng hoá hình thức đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường mở lớp đào tạo tập trung tại trường. Tăng cường và làm tốt công tác quản lý đào tạo, nhất là quản lý chất lượng, nội dung và tổ chức các lớp tại chức.

2.3- Về tổ chức bộ máy; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên; chế độ, chính sách: Để bảo đảm tập trung, thống nhất, tránh chồng chéo trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị cấp cơ sở, ngoài trường chính trị cấp tỉnh, các tỉnh, thành phố không lập trường hoặc trung tâm đào tạo, bồi dưỡng khác; thực hiện phân cấp, bổ sung nhiệm vụ, đối tượng đào tạo cho trường chính trị cấp tỉnh sau khi hợp nhất. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính quốc gia thành Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, xác định biên chế của trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, quy định có số dư biên chế để đưa giảng viên đi đào tạo, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; quy định chế độ và định kỳ luân chuyển giảng viên đi thực tế cơ sở; có chính sách phù hợp để thu hút cán bộ có kinh nghiệm và sinh viên tốt nghiệp các trường đại học đạt loại khá trở lên về trường, trung tâm công tác; thực hiện chế độ giảng viên kiêm chức.

- Trên cơ sở chính sách chung, quy định chế độ, chính sách phù hợp, thống nhất cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị cấp tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

2.4- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự quan tâm lãnh đạo, quản lý trực tiếp của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương đôi với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của trường, trung tâm. Cấp uỷ, chính quyền địa phương có kế hoạch định kỳ làm việc, kiểm tra hoạt động của trường, trung tâm. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng trước mắt và lâu dài, từng bước hiện đại hoá nhà trường và trung tâm.

2.5- Rà soát lại quy định, tiêu chuẩn, chế độ học tập, tiêu chuẩn văn bằng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức của hệ thống chính trị cấp cơ sở bảo đảm thống nhất, khắc phục tình trạng học nhiều lần cùng một nội dung.

2.6- Trường chính trị cấp tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện thống nhất sử dụng con đấu, thể thức văn bản là tổ chức sự nghiệp trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Hiệu trưởng trường chính trị cấp tỉnh, giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ký và cấp các loại văn bằng, chứng chỉ của các chương trình thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao; văn bằng có giá trị, đủ điều kiện xếp ngạch, bậc cán bộ, công chức.

III Tổ chức thực hiện

1Giao Ban Tổ chức Trung ương trình Ban Bí thư ban hành Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị cấp tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; quy định về chế độ học tập; hướng dẫn tổ chức bộ máy và biên chế của trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; quy định tiêu chuẩn, giá trị văn bằng để xếp ngạch, bậc cho cán bộ, công chức, chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan bổ sung hướng đẫn về chế độ, chính sách cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của trường chính trị cấp tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

2- Giao Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn và thống nhất quản lý việc thực hiện chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng; phương pháp giảng dạy và học tập; nghiên cứu khoa học; quy chế quản lý đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên cho các trường chính trị cấp tỉnh.

3- Giao Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn, kiểm tra về phương hướng chính trị tư tưởng trong giảng dạy lý luận chính trị ở các trường chính trị cấp tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn và thống nhất quản lý việc thực hiện chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng; quy chế giảng dạy và học tập của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

4- Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh hướng dẫn chính sách có liên quan (phong chức danh khoa học, phong danh hiệu nhà giáo v.v...) đối với trường chính trị cấp tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

5- Cấp uỷ, UBND cấp tỉnh, cấp huyện lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các trường, trung tâm. Tỉnh, thành phố nào có trường, trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức cấp cơ sở thì hợp nhất vào trường chính trị cấp tỉnh bảo đảm thống nhất, tinh giản đầu mối, tránh chồng chéo, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất