Chính sách giảm nghèo nói chung đã ban hành tương đối đầy đủ, đi vào cuộc sống, được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương quan tâm, vào cuộc, triển khai đồng bộ. Phần lớn các chương trình đề ra đã đạt được, góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bình quân tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8-2%, riêng các hộ nghèo giảm bình quân trên 5%, vượt kế hoạch đặt ra là 4%.
Ngày 5/3, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 89/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững ngày 20/2/2014.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cơ bản đồng tình với nội dung Báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012; Báo cáo kết quả thực hiện các chính sách, Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2013, nhiệm vụ và giải pháp năm 2014; đồng thời nhấn mạnh thêm một số nội dung:
Chính sách giảm nghèo nói chung đã ban hành tương đối đầy đủ, đi vào cuộc sống, được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương quan tâm, vào cuộc, triển khai đồng bộ. Phần lớn các chương trình đề ra đã đạt được, góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bình quân tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8-2%, riêng các hộ nghèo giảm bình quân trên 5%, vượt kế hoạch đặt ra là 4%.
Về các tồn tại, Phó Thủ tướng nêu rõ: Chính sách nhiều nhưng chưa đồng bộ, hệ thống, còn phân tán, mang tính cào bằng; một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với đặc thù một số nơi. Tỷ lệ giảm nghèo chưa đồng đều, chưa vững chắc ở một số vùng; các vùng cao, dân tộc thiểu số tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo còn cao. Một số địa phương còn lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành; nguồn lực còn hạn chế.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng cơ bản thống nhất với đề xuất thiết kế cơ chế, chính sách theo hướng kế thừa, giảm nghèo bền vững, khuyến khích thoát nghèo, tập trung cho vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến cụ thể về việc rà soát, xây dựng chính sách; về nguồn lực; tổ chức thực hiện...
Phó Thủ tướng đồng ý với 6 nội dung kiến nghị, đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu trong báo cáo và lưu ý việc thành lập bộ phận chuyên trách làm công tác giảm nghèo ở cấp tỉnh cần tận dụng bộ máy hiện có, không làm phát sinh thêm biên chế.
Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành về việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các vấn đề có liên quan; bố trí để Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo họp cho ý kiến trước khi đưa ra lấy ý kiến các địa phương tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc trước khi Quốc hội khai mạc kỳ họp đầu tiên năm 2014./.
TTX