Thứ Ba, 24/9/2024
Hướng dẫn - chỉ đạo
Thứ Ba, 9/9/2008 20:42'(GMT+7)

Thông báo một số hoạt động văn hoá,văn nghệ tháng 8 năm 2008


I. Một số hoạt động chính về văn hóa, văn nghệ

- Tháng 8 năm nay, trên địa bàn cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá - văn nghệ thiết thực chào mừng kỷ niệm 63 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2008). Tỉnh Thái nguyên làm lễ khánh thành công trình tôn tạo Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Chương trình “Đuốc sáng Việt Nam - Hành trình theo chân Bác” do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, rước qua 36 tỉnh, thành phố từ Cao Bằng đến Cà Mau và kết thúc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) vào ngày 2/9/2008. Nhân dịp này, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội Khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VII-2008 tại tỉnh Phú Thọ, với sự tham gia của 12.000 vận động viên; tổ chức Hội thi Thể thao gia đình toàn quốc khu vực phía Bắc tại Nam Định và phía Nam tại thành phố Cần Thơ.

- Kỷ niệm 120 năm (20/8/1888 – 20/8/2008) Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang… đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Đảng và Nhà nước ta tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng; tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chủ tịch Tôn Đức Thắng với cách mạng Việt Nam” tại Hà Nội; Hội thảo “Bảo tàng Tôn Đức Thắng - một địa chỉ văn hóa”, Hội thi tìm hiểu “Chủ tịch Tôn Đức Thắng – Một nhân cách lớn”, lễ trao giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ VIII tại Thành phố Hồ Chí Minh; Cuộc thi tìm hiểu về "Cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng", tổ chức giải Việt dã nông dân thi và diễu hành xe hoa, thuyền hoa, trùng tu, tôn tạo và xây mới 15 công trình trong Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở An Giang… Nét mới trong kỷ niệm năm nay là việc lồng ghép các hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

- Đài Truyền hình Việt Nam cho ra mắt 106 tập phim (mỗi tập dài 25 phút) “Nhà có nhiều cửa sổ”. Đây là bộ phim nằm trong khuôn khổ dự án phòng chống HIV/AIDS do Bộ Y tế phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.

- Vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008, chủ đề “Thân thiện hướng về cộng đồng nhằm mục tiêu an sinh xã hội - vì người nghèo”, diễn ra tại Hội An (Quảng Nam) từ ngày 20 – 31/8 với sự tham dự của 30 thí sinh và chính thức khởi động bằng cuộc thi Hoa hậu Ảnh. Tại Hà Nội, Ban tổ chức chính thức ra mắt chiếc vương miện Hoa hậu Việt Nam (trị giá gần 300 triệu đồng, do công ty PNJ Sài Gòn tài trợ). Chiếc vương miện này sẽ được trao luân phiên cho các hoa hậu trong đêm chung kết.

- Liên hoan văn hóa văn nghệ các dân tộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - 2008 diễn ra tại thành phố Cần Thơ. Đây là sự kiện nằm trong chương trình Năm Du lịch quốc gia Mekong-Cần Thơ 2008 với chủ đề “Đoàn kết, phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa”.

- Phấn đấu đạt mục tiêu có 50% phim Việt phát sóng truyền hình thì việc làm phim nhiều tập là giải pháp tốt nhất và hiệu quả với khán giả. Hiện nay, phim truyền hình Việt Nam nhiều tập đã chiếm lĩnh "giờ vàng" trên các kênh Truyền hình Trung ương, đáp ứng phần nào nhu cầu thưởng thức văn hoá nghệ thuật của công chúng. Tuy nhiên, việc làm phim truyền hình vẫn còn những bất cập: nhiều đoạn phim chưa thích hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Một số phim dựa vào kịch bản của nước ngoài để Việt hoá, nên chưa làm rõ phẩm chất, tính cách con người Việt Nam, văn hoá Việt Nam...

- Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức “Cuộc thi tài năng trẻ sân khấu kịch nói toàn quốc 2008”. Cuộc thi thể hiện lòng yêu nghề, sự tự tin, khát vọng sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ, qua đó lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đánh giá chuẩn xác hơn trình độ chuyên môn của lực lượng nghệ sĩ trẻ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trong tương lai.

- Vở bi kịch Âm mưu và tình yêu của đại văn hòa Đức Schiller do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng đã ra mắt công chúng, khẳng định uy tín nghệ thuật và mở rộng nhận thức của khán giả. Đây là vở kịch đầu tiên được chọn dựng trong Dự án 100 kiệt tác sân khấu do Nhà nước tài trợ. Vở bi kịch này được Nhà nước đầu tư kinh phí trên 1 tỉ đồng. Nhiều kịch bản mới về nhân vật lịch sử như Tả quân Lê Văn Duyệt, Lý Thường kiệt đang được khởi dựng tại sân khấu Thành Phố Hồ Chí Minh. Theo giới chuyên môn đánh giá thì các nhân vật lịch sử sẽ hâm nóng sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

- Sau những tháng khởi động ở vòng sơ kết, cuộc thi Sao Mai – Điểm hẹn 2008 đã tổ chức vòng chung kết vào tối 24/8/2008 tại Hà Nội. Mặc dù Ban tổ chức cuộc thi có rất nhiều cố gắng nhưng cuộc thi lần này thực sự thiếu vắng ca sĩ trẻ có tài năng xuất sắc, gây được nhiều ấn tượng với khán giả. Kết quả cuộc thi không có giải cho ca sĩ do Hội đồng nghệ thuật bình chọn vì không có ca sĩ nổi bật.

- Ngày 17/8/2008, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng báo Tuổi trẻ tổ chức nhiều hoạt động nhân Ngày hội của những người tình nguyện. Một cuộc đi bộ đồng hành “Tiếp sức đến trường” với hơn 5.000 người tham gia nhằm vận động học bổng cho trẻ em nghèo đến trường. Kết quả đã vận động được 5,6 tỉ đồng tiếp sức cho trẻ em đến trường. Cùng ngày, tại các khu phố, ấp của 322 phường, xã, thị trấn đã phát động ngày cùng hành động “Vì khu phố văn minh, sạch đẹp, nghĩa tình”, vận động người dân vệ sinh môi trường, tổ chức bữa cơm nghĩa tình cho người già neo đơn... Tối cùng ngày, tại Công viên Đầm Sen 10.000 bạn trẻ đã tham gia chương trình “Tháp sáng ngọn lửa tình nguyện”, tổng kết hoạt động tình nguyện hè 2008.

- Trong tháng giới trẻ quan tâm tới 2 sự kiện văn hóa: Festival âm nhạc nghệ thuật – Art Port 08 với sự hội tụ của 15 ban nhạc rock và ca sĩ trình diễn 2 đêm nhạc rock trong một không gian gồm 8 gian triển lãm các loại hình nghệ thuật đang được quan tâm nhất hiện nay tại Trung tâm Triển lãm Giảng võ Hà Nội; Rock giao hưởng lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam tại Nhà thi đấu Nguyễn Du, Thành phố Hồ Chí Minh, với sự kết hợp của một ban nhạc rock trẻ cùng Dàn nhạc giao hưởng của Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những thể nghiệm nghệ thuật kết hợp nhằm tăng hiệu quả truyền thông các giá trị nghệ thuật đến với công chúng trẻ.

Một số hoạt động văn hóa, văn nghệ được dư luận quan tâm là Liên hoan ảnh nghệ thuật 6 tỉnh Bắc Miền Trung tại Quảng Bình; Hội chợ thương mại và du lịch 2008 tại Bạc Liêu; Chung kết tiếng ca học đường 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh; Lễ hội Nghinh Ông ở Phan Thiết; Đài Truyền hình Việt Nam ra mắt kênh truyền hình mua sắm (Tvshopping) và kênh truyền hình về sức khỏe và cuộc sống...

- Các Hội Văn học nghệ thuật, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục cuộc vận động văn nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật viết về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mở trại sáng tác cho văn nghệ sĩ, tổ chức đưa văn nghệ sĩ thâm nhập đời sống. Một số tác phẩm về Bác Hồ đã được giới thiệu trên các báo, tạp chí của các Hội chuyên ngành Văn học nghệ thuật Trung ương và địa phương.

- Tiến tới giải thưởng mỹ thuật năm 2008, Hội Mỹ Thuật Việt Nam tổ chức các triển lãm mỹ thuật khu vực I + II (Hà Nội), khu vực III (Thái nguyên), khu vực V (Phú Yên), khu vực VI (Thành phố Hồ Chí Minh), khu vực VII (Bình Dương), khu vực VIII (Bến Tre). Từ giải thưởng Mỹ thuật khu vực, Hội đồng nghệ thuật của Hội sẽ xét chọn những tác phẩm xuất sắc nhất để trao Giải thưởng Mỹ thuật 2008.

- Bộ ảnh “Bảo tồn bản sắc văn hoá của dân tộc thiểu số tại Việt Nam” gửi tham dự cuộc thi ảnh đen trắng thế giới lần thứ 29 do Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) tổ chức đã đoạt Cúp vàng nhiếp ảnh thế giới. Lễ khai mạc triển lãm và trao giải thưởng sẽ được tổ chức tại Xlôvakia nhân dịp diễn ra Đại hội nhiếp ảnh nghệ thuật toàn thế giới.

- Trong tháng dư luận còn quan tâm đến việc 6 nghệ sĩ nhiếp ảnh của Hội Nhiếp ảnh Hà Nội xin từ nhiệm các chức vụ Hội phân công. Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Hà Nội cần chỉ đạo sớm kiện toàn tổ chức của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội để Hội tiếp tục các công việc trọng tâm trong năm và hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

II. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

- Sáng 9/8, lễ trao giải “Cúp vàng văn hoá doanh nghiệp” đã diễn ra tại Nhà hát Kim Mã, Hà Nội nhằm tôn vinh các doanh nghiệp văn hoá và doanh nhân thành đạt. Chương trình do Báo điện tử Tổ Quốc phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần hội chợ và triển lãm Bắc Hà tổ chức. 63 doanh nghiệp đạt giải thưởng “Cúp vàng văn hoá doanh nghiệp” và 49 cá nhân đạt giải thưởng “Danh nhân thành đạt” năm 2008. Giải thưởng này là nguồn động viên và khích lệ to lớn để các doanh nghiệp và doanh nhân nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Nằm trong khuôn khổ của chương trình bình chọn “Cúp vàng văn hoá doanh nghiệp” năm 2008, ban tổ chức còn tổ chức hội thảo với chủ đề “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp ở nước ta hiện nay”.

- Ngày 28/8/2008, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và Chỉ thị 03-CT/TU của tỉnh ủy (khóa XII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ và kỷ niệm ngày truyền thống. Để tiến tới Hội nghị này, tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã chỉ đạo tất cả các xã, phường, huyện, thị, thành phố trong tỉnh tiến hành Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 27 và Chỉ thị 03 nghiêm túc đánh giá những mặt làm được, biểu dương các điển hình tiên tiến, đồng thời chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm, đề ra biện pháp khắc phục. Nhân Hội nghị này, tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã quán triệt tới các đại biểu Kết luận số 20- KL/TU, ngày 29/7/2008 của Ban Thường vụ tỉnh ủy tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và Chỉ thị 03-CT/TU của tỉnh ủy (khóa XII).

III. Di sản văn hóa

- UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình số 57/TTr-UBND đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia xem xét, cho ý kiến về Hồ sơ trình UNESCO công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản Văn hoá Thế giới. Bộ hồ sơ quan trọng này sẽ được các cơ quan chức năng thẩm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hồ sơ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện, tranh thủ ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, để gửi tới UNESCO trước ngày 30/9/2008.

- Một bảo tàng lớn và đẹp nhất Tây Nguyên do Chính phủ đầu tư kinh phí (51 tỉ đồng) đang được xây dựng trong cánh rừng cổ thụ ở nội ô thành phố Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), thuộc khu Biệt Điện, diện tích gần 7 ha. Theo thiết kế Bảo tàng này là một ngôi nhà dài truyền thống khổng lồ được cách tân, dài 160m, ngang 60m, diện tích sử dụng tới 9.000m2. Công trình dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2010.

- Theo số liệu thống kê của ngành văn hoá thông tin tỉnh Đắc Lắc, trong 10 năm qua, Đắc Lắc đã mất khoảng 1.300 bộ cồng chiêng. Sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hoá cồng chiêng tỉnh Đắc Lắc đến 2010”, với tổng kinh phí 6 tỉ đồng, tỉnh đã mua và cấp 150 bộ cồng chiêng cho 150 nhà văn hóa cộng đồng ở các buôn vùng sâu, vùng xa. Dự kiến đến năm 2010, toàn bộ 576 nhà văn hoá cộng đồng của các dân tộc trong tỉnh được cấp mỗi nhà một bộ cồng chiêng.

- Thời gian qua, nhiều hoạt động góp phần đẩy mạnh xã hội hoá bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc. Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn (Thanh Hoá) đã nhận công đức xây dựng Tòa Nghi Môn của khu di tích Lam Sơn với kinh phí trên 4,8 tỉ đồng. UNESCO thông qua Quỹ uỷ thác Nhật Bản đã tài trợ nguồn kinh phí 154.900 USD thực hiện dự án bảo tồn và phát huy những giá trị Nhã nhạc cung đình Huế giai đoạn 2005-2008. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tài trợ 30.000 USD để thực hiện dự án Bảo tồn sưu tập đồ thờ bằng gỗ thế kỷ XVII-XIX tại Bảo tàng Nam Định.

- Tại thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Sở Khoa học Công nghệ Bắc Ninh kết hợp với doanh nghiệp tư nhân tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế tổ chức khai trương Trung tâm giao lưu văn hoá dân gian tranh Đông Hồ và Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bảo tồn và phát triển làng tranh dân gian Đông Hồ”. Với tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng, Trung tâm được xây dựng theo dạng kiến trúc nhà cổ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, gồm 3 công trình: Khu sản xuất, khu trưng bày và khu triển lãm tranh, trên diện tích 5.500m2. Đây là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động lưu giữ, trưng bày và giới thiệu những giá trị đặc sắc của dòng tranh dân gian Đông Hồ tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

- Ngày 9/8,Viện Khảo cổ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cổ Loa và Thành cổ Hà Nội tổ chức hội thảo “Di tích Đền Thượng (Cổ Loa) - những tiếp cận và bảo tồn”. Hầu hết các nhà khoa học cho rằng Đền Thượng (Cổ Loa) là di tích quan trọng, quý hiếm và độc nhất vô nhị ở Việt Nam cho đến thời điểm này, bởi vậy cần có một phương án bảo tồn hiệu quả. Tuy nhiên, di tích Cổ Loa đang đứng trước nguy cơ bị huỷ hoại lớn cả thiên nhiên và con người. Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cổ Loa và Thành cổ Hà Nội: “Hiện nay di tích Cổ Loa đang bị phá huỷ 30%. Năm 1995 chỉ có 350 hộ xây nhà trên thành, hào. Nhưng đến năm 2007 số hộ xây nhà tại đây đã lên tới 1.428 hộ”. Hiện nay, các nhà khoa học Việt Nam vẫn đang lúng túng trước bài toán bảo tồn di tích Cổ Loa thế nào cho hiệu quả.

IV. Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ

- Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm “Bác Hồ với kiều bào” tại Mátxcơva (Liên bang Nga). Triển lãm ảnh tại Mátxcơva nằm trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ thanh niên, sinh viên kiều bào châu Âu”. Triển lãm trưng bày 150 bức ảnh và tư liệu quan trọng, phác họa lại cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình cảm yêu thương và sự quan tâm sâu sắc của Người đối với đồng bào ta ở nước ngoài, cũng như tình cảm và sự kính yêu của kiều bào đối với Bác, trong đó có nhiều bức ảnh quý ghi lại những thời khắc cảm động giữa Bác với những người con ở xa Tổ quốc, đặc biệt trong thời kỳ đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

-Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản VJCC phối hợp với Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại miền Trung, các trường đại học ở Việt Nam và thành phố SaiKa (Nhật Bản) tổ chức Giao lưu văn hoá nghệ thụât Việt Nam - Nhật Bản tại Hội An (Quảng Nam). Chủ đề của cuộc giao lưu là hướng đến những mục tiêu thiết thực, bằng những hoạt động cụ thể nhằm xúc tiến các dự án trên lĩnh vực phòng chống thiên tai, ô nhiễm môi trường, bảo tồn di sản Hội An.

- Hội thảo Các công ước và hiệp ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức đã cảnh báo nguy cơ xuất hiện tràn lan các blog và các website kinh doanh văn hóa phẩm, giới thiệu sách, ca nhạc, phim… Trong số 11 website âm nhạc trực tuyến đăng ký qua Cục Bản quyền tác giả, mới chỉ có 6 website trả tiền cho Hiệp hội Công nghiệp ghi âm. Tình hình thực hiện và tuân thủ các quy định pháp lý liên quan đến vấn đề tác quyền ở nước ta vẫn chưa đạt hiệu quả. Bộ đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện các công ước quốc tế Berne, Rome, Brussels, Geneva đã được Việt Nam cam kết thực hiện.

V. Công tác chỉ đạo, quản lý văn hóa

- Ban Tuyên giáo Trung ương có Hướng dẫn số 47-HD/BTGTW, ngày 06/8/2008 về việc nghiên cứu, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 và Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ chính trị, khóa X. Hướng dẫn yêu cầu: Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học, nghệ thuật tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” cho lãnh đạo các Hội chuyên ngành ở Trung ương và các văn nghệ sĩ tiêu biểu. Hiện nay, một số Hội chuyên ngành Trung ương như Hội Mỹ thuật, Hội nghệ sĩ múa Việt Nam, Hội Sân khấu, Hội Nhà văn...đang nghiên cứu và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.

- Ban Tuyên giáo Trung ương có công văn số 2207-CV/BTGTW ngày 7/7/2008 gửi Đài Truyền hình Việt Nam đề nghị gửi cho Ban chỉ đạo các cấp đĩa VCD bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh “Sức lan toả của một nhân cách”; công văn số 2379-CV/BTGTW ngày 14/8/2008 gửi Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam, hướng dẫn việc xét chọn các tác phẩm xuất sắc tham gia viết, sáng tác và biểu diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để Ban chỉ đạo Trung ương xét, trao thưởng vào dịp kỷ niệm Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/2009).

- Văn phòng Chính phủ có văn bản số 4199/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng về việc đồng ý cho phép Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch thực hiện dự án Trường quay Cổ Loa trong năm 2008, một số hạng mục trong khu Trường quay sẽ được cải tạo, nâng cấp như: nhà luyện âm, trường quay, một số nhà công vụ…

- Công văn số 2158-CV/BTGTW ngày 2/7/2008 của Ban Tuyên giáo Trung ương gửi Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị tăng cường phối hợp chấn chỉnh việc duyệt, cấp phép, phát hành, quản lý các chương trình văn hoá, nghệ thuật, các ấn phẩm văn hoá, văn nghệ trên thị trường, trên sóng phát thanh, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường kiểm tra các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, xử lý nghiêm các hoạt động tàng trữ, kinh doanh sản phẩm văn hoá xấu, độc, trái phép không được phép lưu hành; chỉ đạo thẩm định nội dung, các chương trình văn hoá, văn học, nghệ thuật, quảng cáo trước khi phát sóng. Không cho phổ biến trên sóng của đài các bộ phim, trò chơi truyền hình (gamesshow), quảng cáo kích động bạo lực, kinh dị, những ca khúc có nội dung thiếu tính giáo dục thẩm mỹ…

- Để thực hiện tốt công tác quản lý, xây dựng và tu bổ tượng đài, tranh hoành tráng trên phạm vi cả nước, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch vừa có công văn yêu cầu Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành thống kê những công trình tượng đài, tranh hoành tráng đã được xây dựng trên địa bàn nhằm giúp Bộ hoàn thành một cuộc tổng kiểm kê, đánh giá và rút kinh nghiệm cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách nhằm quản lý, xây dựng có hiệu quả hơn hệ thống tượng đài, tranh hoành tráng trong thời gian tới.

- Ngày 15/8, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Chèo truyền thống Hà Nội”, với kinh phí thực hiện hơn 9 tỷ đồng thời gian thực hiện đến năm 2013, do Nhà hát Chèo Hà Nội đảm nhiệm.

- Theo báo cáo chưa đầy đủ, trong tháng 8/2008, lực lượng Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Đội kiểm tra liên ngành một số tỉnh, thành phố đã tiến hành kiểm tra 600 cơ sở kinh doanh, hoạt động dịch vụ văn hoá; phát hiện và xử lý 120 cơ sở vi phạm; cảnh cáo 02 cơ sở; đình chỉ hoạt động 04 cơ sở. Tạng vật tịch thu gồm 3.359 băng đĩa các loại, 40 cuốn sách và văn hoá phẩm. Tháo dỡ 03 bảng biển, băng rôn quảng cáo vi phạm.

VI. Định hướng, chỉ đạo các hoạt động văn hoá, văn nghệ tháng 9/2008

- Cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan tuyên giáo, lãnh đạo báo đài chủ động tổ chức và đưa tin các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) gắn với Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm đậm chủ đề thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và quán triệt nội dung tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Bác. Đẩy mạnh tuyên truyền các gương điển hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

- Ban Tuyên giáo các cấp, các Hội Văn học nghệ thuật, Hội Nhà Báo Trung ương và các tỉnh, thành phố hướng dẫn, động viên văn nghệ sĩ tích cực hưởng ứng cuộc vận động quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Tổ chức, quán triệt, học tập, nghiên cứu, xây dựng chương trình hành động cụ thể về văn học, nghệ thuật đưa nội dung của Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới vào đời sống.

- Bám sát các sự kiện chính trị, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhân Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường, Ngày vì người nghèo, 65 năm ngày ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam... động viên các tầng lớp nhân dân tích cực lao động sản xuất, học tập, công tác thực hiện có hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội trong những tháng còn lại của năm 2008.

- Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các ban, ngành, địa phương tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, phòng chống thiên tai, tham dự các lễ hội văn hóa du lịch - 2008, liên hoan văn hóa, văn nghệ, các cuộc thi người mẫu, hoa hậu trong năm... làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.

- Cấp ủy các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tiếp tục tuyên truyền kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 27-CT/W của Bộ Chính trị (khóa VIII), vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và Thông báo Kết luận số 83-TB/TW của Ban bí thư về tình hình lễ hội, tâm linh, ngoại cảm.

- Chỉ đạo sơ kết 2 năm (2006 - 2007) phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Nâng cao chất lượng hoạt động của các phong trào văn hóa.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, tổ chức thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các sản phẩm văn hóa xấu, độc trôi nổi trên thị trường, nhất là băng đĩa lậu, sách lậu; đẩy lùi các tệ nạn xã hội nghiêm trọng (ma túy, mãi dâm, cờ bạc...); giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc...

Ban Tuyên giáo các cấp chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với ngành văn hóa hướng dẫn, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhân dân, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, hăng hái lao động sản xuất, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ngay từ địa bàn cơ sở.

 

K/T TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC

Đã ký

Phùng Hữu Phú

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất