Trong thời gian qua, báo chí đã triển khai nhiều nội dung truyền thông về KH&CN cho nông dân nhưng cũng bộc lộ nhiều điểm yếu cần được nghiên cứu, đánh giá và đề xuất những giải pháp thay đổi. Bài viết này cung cấp những kết quả nghiên cứu về thông điệp truyền thông KH&CN cho nông dân trên sóng phát thanh và truyền hình, thông qua việc khảo sát các chương trình Nông nghiệp và Nông thôn, phát sóng trên kênh VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam từ ngày 01/5/2018 đến ngày 19/6/2018 và chương trình Chuyện nhà nông với nông nghiệp, phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam, từ tháng ngày 05/01/2017 đến ngày 24/8/2018). Theo đó, truyền hình tỏ ra có thế mạnh vượt trội so với phát thanh trong việc chuyển tải thông điệp KH&CN cho nông dân cả về số lượng, tần suất, nội dung thông tin, hình thức thể hiện thông tin. Tuy nhiên, cả hai loại hình báo chí này cần đổi mới hơn nữa nội dung thông điệp để đáp ứng nhu cầu thông tin KH&CN của bà con nông dân.
VAI TRÒ VÀ NỘI DUNG CỦA TRUYỀN THÔNG KH&CN CHO NÔNG DÂN
Để thực hiện tốt sứ mệnh của KH&CN, một trong những yếu tố quan trọng đó là hoạt động truyền thông. Hoạt động này cũng đã được khẳng định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật KH&CN sửa đổi năm 2013, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020,... Tại Quyết định số 418/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và cộng nghệ giai đoạn 2011-2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ KH&CN đẩy mạnh hoạt động truyền thông và tuyên truyền sâu rộng trong xã hội, về chủ trương, chính sách, pháp luật về KH&CN, về vai trò động lực then chốt của KH&CN đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, “tạo không khí thi đua lao động sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”. Một trong những định hướng nhiệm vụ đặt ra đó là phải giúp người dân xóa đói, giảm nghèo:“Nhân rộng và tăng cường mô hình phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương”.
Hoạt động truyền thông KH&CN được xác định là một trong sáu giải pháp chủ yếu để thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011- 2020. Luật KH&CN 2013 cũng dành riêng một điều (Điều 48) về công tác truyền thông, phổ biến kiến thức KH&CN cho người dân và cộng đồng xã hội: “Nhà nước đầu tư, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển công tác truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ”. Các chính sách nói trên đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động truyền thông KH&CN nói chung, trong đó có truyền thông KH&CN cho nông dân nói riêng. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các chỉ đạo cũng còn nhiều khoảng cách.
Truyền thông KH&CN có vai trò dẫn dắt dư luận, cung cấp thông tin, tổng hợp ý kiến của người dân, chuyển tải ý đồ, thông điệp tới các đối tượng công chúng, trong đó có nông dân – lực lượng chiếm 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động của cả nước. Để những người nông dân có thể tiếp cận thông tin KH&CN, ứng dụng KH&CN giúp rút ngắn thời gian canh tác, tiết kiệm sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản, làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, hoạt động truyền thông KH&CN cho nông dân đã và đang rất được các cơ quan quản lý KH&CN, nông nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền thông chú trọng.
Nội dung thông điệp về KH&CN cho nông dân được đăng tải, phát sóng rất phong phú, tuy nhiên, phổ biến hơn cả là 3 nhóm nội dung sau: (1) Thông tin về chủ trương, chính sách pháp luật về KH&CN; (2) Thông tin phản ánh thực tiễn triển khai (thuận lợi, khó khăn trong việc áp dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, phản biện các vấn đề về chính sách liên quan đến ứng dụng và phát triển KH&CN trong nông nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình sản xuất có ứng dụng KH&CN của người nông dân…); và (3) Các giải pháp KH&CN thúc đẩy phát triển nông nghiệp (giống cây trồng, vật nuôi mới, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật, kết quả nghiên cứu, sáng chế và tôn vinh nhà sáng chế…).
Truyền thông KH&CN cho nhóm đối tượng là nông dân cũng có nhiều nét đặc thù, gắn liền với trình độ dân trí, nơi sinh sống, đặc điểm công việc nghề nghiệp, thói quen sử dụng các phương tiện truyền thông, và đặc biệt là tính chất nội dung của các thông điệp KH&CN. Theo đó, các nội dung thông tin KH&CN vốn khó hiểu, khô khan cần được diễn giải một cách dễ hiểu, sinh động, dễ tiếp cận và áp dụng nhất qua các kênh truyền thông sinh động và trực quan thì mới có hiệu quả. Trong các kênh truyền thông đại chúng cơ bản hiện nay, truyền hình và phát thanh là những kênh được người nông dân sử dụng phổ biến nhất. Lý do là cả hai kênh này đều thân thiện, truyền đạt thông tin tương đối trực quan, sinh động, chi phí thấp giúp người nông dân dễ dàng nắm bắt được thông tin và đặc biệt là cách triển khai áp dụng tri thức KH&CN trong công việc của họ.
NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC THỂ HIỆN THÔNG ĐIỆP VỀ KH&CN CHO NÔNG DÂN TRÊN PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH
Để hình dung được về thông điệp về KH&CN cho nông dân trên báo chí, chúng tôi đã khảo sát số lượng, tần suất, nội dung và hình thức chuyển tải thông điệp KH&CN cho người nông dân qua 52 số phát sóng của chương trình “Nông nghiệp và nông thôn” (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam và 82 số phát sóng chương trình “Chuyện nhà nông với nông nghiệp” (VTV1), Đài Truyền hình Việt Nam trong năm 2017 và 2018. Đây là hai chương trình khá điển hình cho việc chuyển tải thông điệp về KH&CN cho nhóm đối tượng là nông dân, được phát 7 lần/tuần (với phát thanh) và 1 lần/tuần (với truyền hình), không tính số lần phát lại, với nội dung thông điệp khá phong phú.
Kết quả cho thấy, cả hai chương trình nói trên đều phản ánh tất cả các khía cạnh trong sản xuất nông nghiệp, thông tin bao quát trên diện rộng mang tính toàn quốc, đồng thời dành thời lượng lớn chuyển tải thông tin, phổ biến kiến thức, đưa thông điệp về KH&CN đến với nông dân. Có tới 61,5% số chương trình phát thanh có chuyển tải nội dung thông điệp về KH&CN và tỉ lệ này ở truyền hình cao hơn với 80,5%. Nội dung thông điệp về thực tiễn triển khai ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp được xuất hiện nhiều nhất trong các chương trình phát thanh và truyền hình (62,5% với phát thanh, 74,3% với truyền hình). Kế đến là thông điệp mang nội dung về các giải pháp KH&CN thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn (28.10% với phát thanh và 16.7% với truyền hình). Thông điệp mang nội dung về chủ trương, chính sách pháp luật về KH&CN trong nông nghiệp được đề cập đến ít nhất trên cả 2 kênh. Điều đó được thể hiện cụ thể ở bảng tổng hợp số liệu dưới đây:
Nội dung thông điệp về KH&CN cho nông dân được thể hiện trên phát thanh và truyền hình tương đối đa dạng, phong phú. Theo bảng tổng hợp trên, có thể thấy, thông tin về việc phản ánh thực tiễn triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, kết quả nghiên cứu… có tần suất xuất hiện nhiều nhất và trên truyền hình nhiều hơn phát thanh.
Ví dụ, chương trình Nông nghiệp và Nông thôn (VOV1) ngày 02/5/2018, đề cập đến mô hình của gia đình ông Tám ở Hưng Yên đã thành công nhờ nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển sang mô hình trang trại nên nhãn nhà ông luôn được thương lái bao tiêu sản phẩm, thu nhập tăng cao. Ông cho biết, mỗi năm thu 13 – 16 tấn nhãn, thu nhập gần 400 triệu đồng. Một trong những thông điệp ông đưa ra tới bà con nông dân và cộng đồng xã hội là: “Mô hình kinh tế trang trại cần kiên trì và cần nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đem lại hiệu quả cao”.
Hay chương trình Chuyện nhà nông với nông nghiệp (VTV1), ngày 24/2/2018 phản ánh việc hàng chục hộ dân xã Phúc Xuân thành phố Thái Nguyên thực sự khởi sắc khi những vườn chè của gia đình luôn đem lại thu nhập khá với giá trị từ 300 – 800 triệu đồng/ha chè. Đây là kết quả của việc thay đổi tư duy từ thói quen canh tác manh mún, lạc hậu sang việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt từ khi tham gia vào hợp tác xã chè Tân Hương, với mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn UTZ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Việc đưa ra các thông điệp truyền thông như vậy đã đạt được các mục đích: chỉ rõ cho bà con thấy được cách để làm giàu, vai trò của KH&CN; đồng thời khuyến khích bà con nông dân học hỏi cách thức ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả cao. Trong chương trình cũng có những thông tin mang tính chỉ dẫn khoa học kỹ thuật như chỉ rõ cách làm, nguồn gốc kết quả nghiên cứu, tác giả của sáng chế, địa chỉ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, tên và địa chỉ các mô hình hiệu quả…
Khảo sát cũng cho thấy, nguồn phát đi thông điệp về KH&CN trong các chương trình cũng rất đa dạng, gồm phóng viên, biên tập viên, nhà quản lý, nông dân, nhà phân phối… Trong đó, hầu hết các chương trình đều sử dụng các phát biểu của người nông dân, giúp cho khán thính giả là nông dân thấy thêm gần gũi, thân thiết, tạo tâm lý “người ta làm được mình cũng làm được”.
Về hình thức thể hiện, những người làm chương trình đều có chiến lược tận dụng thế mạnh của mỗi loại hình để chuyển tải thông điệp về KH&CN sao cho hiệu quả cao nhất cho nông dân. Cả hai chương trình đều đã đưa ra thông điệp một cách giản dị, gần gũi, thân thiện, phù hợp với trình độ học vấn, văn hóa, thói quen nghe và xem, tiếp nhận thông tin của người nông dân. Đối với phát thanh, do không truyền tải được thông điệp bằng hình ảnh như truyền hình nên văn phong, lời nói, âm thanh, tiếng động được đặc biệt lưu ý. Đối với truyền hình, thông điệp được thể hiện qua hình ảnh, biểu đồ, đồ họa, âm thanh và lời nói, tiếng động hiện trường, màu sắc để thu hút người xem, trên thực tế đã có rất nhiều hình ảnh mới lạ và tương phản được sử dụng.
Điểm nổi bật trong cách thức thể hiện thông điệp truyền thông KH&CN cho nông dân đó là: Ngắn gọn, đơn giản; dễ hiểu, dễ nhớ, sử dụng hình ảnh, đồ họa; chính xác, chân thực, chi tiết, dễ học hỏi; Thông điệp thể hiện qua lời bình, phát ngôn của chuyên gia và các nhân vật trong bài… một cách rõ ràng, gần gũi và dễ tiếp nhận. Đồng thời, rất nhiều thể loại báo chí đã được sử dụng như bài phản ánh, phóng sự (phóng sự chân dung, phóng sự vấn đề), tin, phỏng vấn, tọa đàm…, trong đó, bài phản ánh và phóng sự chiếm tỉ lệ sử dụng nhiều hơn cả.
VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ GIẢI PHÁP
Có thể thấy, phát thanh và truyền hình Việt Nam đã nỗ lực trong việc chuyển tải kiến thức khoa học kỹ thuật nông nghiệp, thông điệp về KH&CN cho nông dân với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, giúp nông dân có được những kiến thức quý giá để phát triển kinh tế gia đình và liên kết sản xuất theo chuỗi, mang lại giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề đang được đặt ra như: còn thiếu những quy định cụ thể hơn về truyền thông về KH&CN cho nông dân trên báo chí; thông tin cập nhật xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh… dù đã được quan tâm nhưng thời lượng còn hạn chế; nội dung thông điệp và hình thức thể hiện dù tương đối phong phú, nhưng chưa thực sự đủ, trúng và hấp dẫn với người dân. Để hoạt động chuyển tải thông điệp truyền thông KH&CN cho nông dân trên báo chí đạt hiệu quả và có sức lan tỏa cao hơn trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, các cơ quan chủ quản về KH&CN và Hội Nông dân cần ưu tiên và có chiến lược truyền thông về KH&CN cho nông dân trên báo chí. Bộ KH&CN cần phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong hoạt động truyền thông KH&CN, dành sự ưu tiên và có kế hoạch chiến lược cụ thể cho hoạt động này, cung cấp thông tin, tạo điều kiện để nhà báo tiếp cận với các chính sách; các mô hình, điểm sáng ứng dụng KH&CN; kết quả nghiên cứu mới phục vụ sản xuất nông nghiệp, cải thiện môi trường,… Việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN để đạt được hiệu quả cao, không chỉ riêng Bộ KH&CN, ngành KH&CN thực hiện mà cần sự chung tay, phối hợp và đồng hành của các bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực KH&CN, nông nghiệp và các cơ quan báo chí cần ưu tiên và thực hiện có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới việc cung cấp thông tin KH&CN cho công chúng, đặc biệt là nông dân, đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Thứ hai, tăng thời lượng phát sóng các chương trình chứa thông điệp về KH&CN cho nông dân. Có thể xây dựng một số chương trình, chuyên mục mới về truyền thông KH&CN cho nông dân trên phát thanh và truyền hình - hai kênh được người dân sử dụng chủ yếu để tiếp cận thông tin.
Thứ ba, cần có sự vào cuộc, phối hợp của các cơ quan báo chí, đặc biệt là phát thanh và truyền hình nhằm thay đổi cách thức thể hiện, chuyển tải thông điệp KH&CN cho nông dân, đảm bảo các yếu tố: chính xác, thiết thực, thời vụ và thời sự, tính nhất quán. Cũng có thể nói ngắn gọn trong 3 từ “đúng” – đúng với chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển KH&CN và nông nghiệp nông thôn; “trúng” - phản ánh chân thực, khách quan thực tiễn ứng dụng KH&CN trong phát triển nông nghiệp, tạo sinh kế mới cho người dân, trúng với tâm tư, nguyện vọng của họ… và “hay” – thông điệp hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.
Hiệu quả của tính đúng, trúng, hay cần thể hiện qua việc, thông qua các tác phẩm báo chí đó, người nông dân có được những bài học kinh nghiệm quý giá, cách thức áp dụng đơn giản, dễ hiểu để áp dụng trong thực tiễn nghề nghiệp của bản thân và nhân rộng hơn trong cộng đồng./.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
Nguyễn Thị Hạnh