Thứ Năm, 19/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 2/6/2015 10:17'(GMT+7)

Thống nhất giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Hồ Thị Thủy phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Hồ Thị Thủy phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Buổi làm việc được truyền hình trực tiếp để nhân dân và cử tri cả nước theo dõi.

Giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày cho thấy việc đổi mới, kiện toàn mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội, sau khi thảo luận, phân tích kỹ những mặt ưu điểm, nhược điểm, tính khả thi và sự phù hợp của mỗi phương án, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành và chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1, Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân).

Đây cũng là quan điểm chung của các đại biểu tại buổi thảo luận. Các ý kiến đề nghị cấp nào cũng đều có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, nhưng có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bên trong của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị.

Theo ông Trần Ngọc Vinh, đây là phương án tối ưu nhất, vừa bảo đảm tính hợp hiến, vừa thể hiện được đầy đủ bản chất của nhà nước Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân bầu ra và vì nhân dân, phù hợp với Điều 111 Hiến pháp 2013. Đối chiếu với quy định tại Khoản 1 Điều 114 Hiến pháp 2013, nếu bỏ Hội đồng Nhân dân cấp huyện, phường sẽ là vi hiến, vì theo Hiến pháp 2013, ngoài Hội đồng Nhân dân, không một chủ thể pháp lý nào có quyền được bầu ra Ủy ban Nhân dân.

Đồng quan điểm với đại biểu Trần Ngọc Vinh, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng đây là mô hình hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp mới. Việc xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương lần này là cơ hội vàng để tiếp tục khẳng định, củng cố, tăng cường nhiệm vụ của Hội đồng Nhân dân, thể hiện sâu sắc bản chất của Nhà nước là nước của nhân dân, vì dân, do dân.

Còn đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) nhận định kết cấu như vậy có thể làm rõ hơn những khác biệt bên trong về cơ cấu tổ chức cũng như chức năng nhiệm vụ của mỗi loại chính quyền-nông thôn hay đô thị, đó cũng là cách thể hiện rành mạch, rõ ràng, dễ theo dõi và dễ áp dụng vào thực tiễn.

Đảm bảo thực quyền của Hội đồng Nhân dân

Thống nhất cao với phương án tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân, không phân biệt ở nông thôn hay đô thị, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương gồm các đơn vị hành chính cho phù hợp với từng khu vực.

Đại biểu Hồ Thị Thủy cho biết dự thảo chưa quy định rõ cả về nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, dẫn đến các nội dung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương còn lẫn lộn giữa phân cấp và phân quyền, sẽ dẫn tới sự lạm dụng dồn việc, dồn trách nhiệm của cấp trên cho cấp dưới và khó xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Quy định này cũng khó bảo đảm tính khả thi về nguồn lực - một trong những vấn đề quyết định sự phân cấp, phân quyền.

Bà Hồ Thị Thủy đề nghị làm rõ hơn tiêu chí, nguyên tắc, phạm vi của vấn đề phân cấp, phân quyền, tạo cơ sở để bảo đảm minh bạch trong việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, tạo điều kiện để chính quyền địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời bảo đảm sự kiểm tra, giám sát có hiệu quả của chính quyền cấp trên đối với chính quyền cấp dưới.

Cần rà soát để quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền các cấp phù hợp hơn, tránh tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót và phải phù hợp, thống nhất với nội dung của các luật liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Đầu tư công và các luật chuyên ngành khác, đại biểu Thủy cho biết.

Cũng như vậy, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), đề nghị thể chế hóa các quy định của Hiến pháp đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cần thiết cho các cấp chính quyền địa phương, phải tạo cho địa phương “địa dư” nhất định để quyết định những vấn đề cụ thể gắn với đặc thù của mỗi địa phương nhằm phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở không trái đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Phân cấp phải gắn với thực quyền quản lý về nguồn lực, tài sản, nhân sự trên cơ sở bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân cấp. Điều 11 dự thảo Luật cần quy định rõ trường hợp nào ủy quyền, trường hợp nào sẽ thực hiện phân cấp để tránh tình trạng tùy tiện khi áp dụng phân cấp, phân quyền trong điều hành quản lý, ông Trần Ngọc Vinh đề xuất.

Nhận định số lượng đại biểu chuyên trách là nguyên nhân đầu tiên có tính quyết định đến hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân, các đại biểu cho rằng thời gian qua đại biểu Hội đồng Nhân dân kiêm nhiệm quá nhiều dẫn đến tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi nên hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đạt kết quả như mong muốn.

Đặt vấn đề Luật được thiết kế theo hướng tăng số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân hoạt động chuyên trách nhưng trong dự thảo, dường như ban soạn thảo né tránh điều này, đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân, cần quy định ngay trong luật tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng Nhân dân các cấp, ít nhất 30% đại biểu hoạt động chuyên trách cấp tỉnh, 20% cấp huyện, 15% cấp xã.

Đồng thời cần quy định số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân là lãnh đạo, cán bộ, công chức trong cơ quan chuyên môn Ủy ban Nhân dân, tăng cường số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân khối đảng, đoàn thể, tổ chức xã hội, đại biểu Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa và đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cũng đề nghị quy định theo hướng ở cấp tỉnh mỗi ban nên có một trưởng ban, hai phó trưởng ban và một ủy viên hoạt động chuyên trách vì chức năng nhiệm vụ của một ban tương đương với một sở, trách nhiệm rất nặng nề, cần được quy định rõ số lượng tăng lên mới đáp ứng đươc yêu cầu.

Cấp huyện nên quy định mỗi ban có một trưởng ban và phó trưởng ban hoạt động chuyên trách, cấp xã có một trưởng ban hoạt động chuyên trách để tham mưu cho Hội đồng Nhân dân xã, huyện các nội dung thuộc nhiệm vụ quyền hạn của mình, đồng thời thực hiện tốt chức năng giám sát theo quy định của pháp luật.

Trái ngược, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân các cấp không phải số đại biểu hoạt động chuyên trách nhiều hay ít, mà chính là có cơ chế hoạt động phù hợp, các đại biểu có năng lực, trình độ và đặc biệt là nhiệt tình, có trách nhiệm cao.

Đại biểu phân tích theo quy định của dự thảo luật, tổng biên chế tăng thêm ở Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh ít nhất là 200 người, số biên chế Hội đồng Nhân dân cấp huyện tăng thêm ít nhất 1.400 người và cấp xã tăng thêm 11.000 biên chế. Như vậy, chỉ tính riêng số lượng biên chế tăng thêm ở các cấp chính quyền địa phương ít nhất đã là 12.600 người, chưa kể số đại biểu là các trưởng ban chuyên trách.

Đại biểu đề nghị Quốc hội không bố trí thêm đại biểu hoạt động chuyên trách ở Hội đồng Nhân dân cấp xã, vì đã thành lập thêm 2 ban, đủ điều kiện cho Hội đồng Nhân dân cấp xã hoạt động, quy định các trưởng ban của Hội đồng Nhân dân tỉnh, huyện là đại biểu hoạt động chuyên trách, còn cấp phó có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách, vì thực tiễn đã chứng minh bố trí trưởng ban hoạt động chuyên trách sẽ bảo đảm hiệu quả tốt hơn rất nhiều so với trưởng ban kiêm nhiệm.

Các đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ ngay trong luật theo hướng những nội dung nào thuộc thẩm quyền Hội đồng Nhân dân, nội dung nào thuộc thẩm quyền của thường trực Hội đồng Nhân dân, nội dung nào thường trực Hội đồng Nhân dân có quyền cho ý kiến, có như vậy mới tạo được hành lang pháp lý thông thoáng, chặt chẽ, đảm bảo Hội đồng Nhân dân hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục tình trạng thường trực Hội đồng Nhân dân làm thay công việc của Hội đồng Nhân dân, đảm bảo yêu cầu giám sát chặt chẽ, kịp thời hoạt động của các cơ quan dân cử, bộ máy quản lý hành chính Nhà nước ở địa phương./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất