Thứ Năm, 28/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 20/10/2008 13:30'(GMT+7)

Thống nhất một số vấn đề về thời kỳ lịch sử chúa Nguyễn và triều Nguyễn

Toàn cảnh hội thảo “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử VN” tại Thanh Hóa sáng 18-10 - Ảnh: Việt Dũng

Toàn cảnh hội thảo “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử VN” tại Thanh Hóa sáng 18-10 - Ảnh: Việt Dũng

 Tại hội thảo, các ý kiến trình bày đã đạt được sự thống nhất tương đối cao về ghi nhận công lao của các chúa Nguyễn trong khai khẩn mở mang bờ cõi, xác định chủ quyền lãnh thổ trên một dải giang sơn tương đương đất nước Việt Nam hiện nay; xây dựng được chính quyền quân chủ tập trung hoàn thiện nhất trong lịch sử đất nước; thiết lập bộ máy luật pháp, hành chính; xây dựng nền kinh tế có chủ quyền, có thông thương. Về di sản văn hóa, các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ, trong đó 3 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đô thị cổ Hội An, kinh thành Huế, nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Tổng kết hội thảo, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã khẳng định: Cuộc hội thảo lần này đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi không chỉ của giới khoa học mà còn của dư luận xã hội, chứng tỏ những nhận thức trước đây về vai trò của chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc theo hướng phê phán và phủ định đã không còn thỏa đáng nữa. Kết quả hội thảo lần này đã đạt được cũng là kết quả của quá trình nghiên cứu từ những năm 1990 của thế kỷ trước và cũng là tiếp nối của 20 cuộc hội thảo trước.

Hội thảo lần này cũng chỉ là một bước tiếp tục nhìn nhận, đánh giá để đi đến nhận thức về một thời kỳ lịch sử kéo dài trên 3 thế kỷ với nhiều biến động lớn cả về đối nội và đối ngoại, nhằm đi đến nhận thức rõ ràng hơn, sáng sủa hơn, phục vụ việc xây dựng một bộ Quốc sử chính thống. GS Phan Huy Lê cho rằng cùng với kết quả khoa học, hội thảo lần này còn góp phần giải tỏa được tâm lý mặc cảm về chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn và tiến tới biên soạn một bộ chính sử về triều Nguyễn.

Cũng tại hội thảo này, Viện Viễn đông bác cổ Pháp (EFEO) đã tặng cho tỉnh Thanh Hóa 2 bộ sách quý là: Tổng tập thác bản văn khắc Hán-Nôm do Viện Cao học thực hành, Viện Nghiên cứu Hán-Nôm, Viện Viễn đông bác cổ Pháp phối hợp thực hiện, xuất bản (đây là bộ sách lưu giữ hơn 10.000 văn bia các loại được khắc bằng chữ Hán, bộ sách có tổng số 10 cuốn, mỗi cuốn dày khoảng 1.000 trang). Và bộ sách thứ 2 là Đồng Khánh địa dư chí của 3 tác giả Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin. Bộ Đồng Khánh địa dư chí có tổng số 6 cuốn, mỗi cuốn dày gần 1.000 trang./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất