Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIV đã chính thức thông qua dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG). Mục đích, ý nghĩa, tính nhân văn của việc làm ấy được thể hiện rất rõ ràng. Thế nhưng ngay sau đó, trên một vài trang mạng ở nước ngoài đã xuất hiện những luận điệu sai trái hòng xuyên tạc việc làm ấy của Quốc hội Việt Nam.
Họ nói rằng, “ở các nước văn minh, người ta không bao giờ ra Luật TNTG”. Họ còn xuyên tạc rằng: Dự án Luật TNTG mà Quốc hội Việt Nam thông qua “không nhằm phục vụ nhân quyền mà chỉ để phục vụ cho sự cai trị của Đảng Cộng sản...”. Những nhân vật đưa ra các luận điệu ấy chứng tỏ họ chẳng hiểu gì về tự do TNTG trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Cần phải khẳng định rằng, tự do TNTG là một trong những quyền nhân thân cơ bản của con người. Điều này không chỉ được thể hiện rõ trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà còn được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật của các quốc gia.
Tại Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị được Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 16/12/1966 (Việt Nam tham gia công ước này ngày 24/9/1982), ghi rõ: “1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, TNTG. Quyền tự do này bao gồm tự do có theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, tự do bày tỏ TNTG một mình hoặc trong tập thể với nhiều người khác, một cách công khai hoặc thầm kín dưới hình thức thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và giảng đạo; 2. Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo hoặc tín ngưỡng; 3. Quyền tự do bày tỏ TNTG chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức của công chúng hoặc những quyền tự do cơ bản của người khác”.
Trên cơ sở Công ước quốc tế và điều kiện chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia, các nước đều ban hành những quy định pháp lý để quản lý hoạt động TNTG. Trên thế giới, không có nơi nào TNTG hoạt động “tự do vô chính phủ” mà đều có những hạn chế theo các quy định của pháp luật, vì một nền trật tự an ninh chung, vì sức khỏe cộng đồng, vì đạo đức xã hội hoặc vì sự bảo vệ các quyền và tự do của người khác.
Ngay tại Mỹ-một đất nước luôn tự cho là “mẫu hình” về tự do tôn giáo, nhưng trong hệ thống luật pháp vẫn có các quy định để duy trì các tôn giáo hoạt động đúng nguyên tắc. Chẳng hạn, trong Hiến pháp Hoa Kỳ có quy định về việc tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước trong Tu Chánh Án thứ nhất, trong đó có nội dung: Nghiêm cấm việc thiết lập một tôn giáo nhà nước chính thức cũng như cấm chính phủ trợ giúp cho các nhóm tôn giáo... Tương tự ở Pháp, một nước được xem là đạt nhiều thành tựu về bảo đảm quyền tự do TNTG, nhưng đây cũng là quốc gia có hệ thống pháp luật khá đầy đủ và chi tiết về tự do TNTG. Đạo luật ngày 9/12/1905 của Pháp ghi rõ: “Nền Cộng hòa bảo đảm quyền tự do lương tâm, bảo đảm quyền tự do thực hành các việc thờ phụng với những hạn chế duy nhất được ban bố... vì lợi ích trật tự công cộng” (Điều 1). Tại Điều 25 của đạo luật trên cũng ghi: “Các cuộc hội họp để cử hành một việc thờ phụng được điều hành trong những trụ sở thuộc một hiệp hội tôn giáo... là công cộng. Chúng được đặt dưới sự giám sát của nhà chức trách vì lợi ích của trật tự công cộng”. Còn ở Đức, trong Hiến pháp của nước này cũng có quy định: “Hoạt động của một tổ chức tôn giáo có thể bị giới hạn hoặc bị cấm nếu mục đích, hoạt động của tổ chức đó vi phạm các quy định của luật hình sự hay chống lại chế độ xã hội đã được xác định trong hiến pháp...”. Ở Trung Quốc, một nước có truyền thống TNTG, văn hóa lâu đời. Để quản lý các hoạt động TNTG, Trung Quốc cũng ban hành nhiều văn bản luật. Chẳng hạn, Nghị định 145 ngày 31/1/1994 của chính phủ nước này quy định: “Các nơi hoạt động tôn giáo phải đăng ký theo thể thức do Cục Tôn giáo Quốc gia ấn định. Các nơi đó không thể do người nước ngoài điều khiển. Các nơi thờ tự không được nhận tiền bạc của các tổ chức và cá nhân từ nước ngoài gửi về. Tiền bạc do người nước ngoài tặng hoặc dâng cúng phải được tiếp nhận theo luật pháp quốc gia…”.
Như vậy có thể thấy, không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới đều quan niệm không có tự do TNTG tuyệt đối. Để bảo đảm quyền tự do TNTG của người dân, các quốc gia trên thế giới đều ban hành trong hệ thống luật pháp của mình các điều luật cụ thể, hoàn toàn không có chuyện “ở các nước văn minh, người ta không bao giờ ra Luật TNTG” như giọng điệu mà các thế lực thù địch đang rêu rao. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm tự do TNTG là một trong những quyền cơ bản của con người. Điều này được thể hiện rất rõ trong thực tiễn lịch sử Việt Nam. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, trong Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tại Điều 10, Chương 2, nêu rõ: “Mọi công dân có quyền tự do tín ngưỡng”. Sau đó, quyền tự do TNTG của người dân tiếp tục được Nhà nước Việt Nam tái khẳng định tại Điều 26, Hiến pháp năm 1959: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Kế thừa và phát triển các bản Hiến pháp trước đó, sau khi nước nhà thống nhất, Nhà nước Việt Nam đã cho ra đời bản Hiến pháp năm 1980, trong đó tại Điều 80 cũng thể hiện: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Tiếp đó, tại Điều 70 của Hiến pháp năm 1992, Nhà nước Việt Nam một lần nữa khẳng định: “Công dân Việt Nam có quyền tự do TNTG, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các TNTG được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do TNTG hoặc lợi dụng TNTG để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.
Không chỉ thể hiện trong Hiến pháp, trong từng giai đoạn cụ thể, để đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và đòi hỏi từ thực tiễn, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến bảo đảm quyền tự do TNTG của người dân. Đặc biệt, ngày 18/6/2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XI đã thông qua Pháp lệnh TNTG. Sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh TNTG, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng... Tuy nhiên, qua thực tiễn, Pháp lệnh TNTG và các văn bản quy định chi tiết thi hành cũng bộc lộ một số điểm bất cập cần khắc phục. Cùng với đó, thực tiễn đời sống TNTG và công tác quản lý Nhà nước đặt ra những yêu cầu mới, nhiều vấn đề phát sinh đòi hỏi cấp thiết phải xây dựng Luật TNTG thay thế Pháp lệnh TNTG. Mặt khác, kế thừa và sửa đổi, bổ sung quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền tự do TNTG, Hiến pháp năm 2013 đã có những sửa đổi rất quan trọng liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm quyền tự do TNTG của mọi người dân... Vì vậy, việc ban hành luật để cụ thể hóa đầy đủ nội dung, quy định và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do TNTG càng trở nên cần thiết và cấp bách.
Dự thảo Luật TNTG vừa được Quốc hội thông qua đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Hiến pháp năm 2013 nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của pháp luật về TNTG hiện hành; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm hơn nữa quyền tự do TNTG; đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước nhằm tạo sự thông thoáng, minh bạch, tạo cơ chế pháp lý nhằm tôn trọng, bảo hộ, bảo đảm quyền tự do TNTG của mọi người. Quốc hội thông qua dự án Luật TNTG còn nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; tạo điều kiện để quyền tự do TNTG cũng như các giá trị dân chủ, văn minh của loài người và CNXH được phát huy; giữ vững niềm tin của người có TNTG vào chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; góp phần thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Nhà nước, đấu tranh chống mọi hoạt động lợi dụng TNTG; thể hiện trách nhiệm của quốc gia đối với việc thực hiện pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên.
Đúng như Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam,trong trả lời phỏng vấn báo chí về việc Quốc hội Việt Nam thông qua dự thảo Luật TNTG đã nhấn mạnh: “Đây là bước ngoặt lớn trong chính sách đối với TNTG ở Việt Nam mà Đảng, Nhà nước đang thực thi để hiện thực hóa Hiến pháp năm 2013. Luật TNTG này hơn hẳn các pháp lệnh, nghị định trước đây bảo đảm quyền con người, đáp ứng được nhu cầu bức thiết của TNTG ở Việt Nam trong thời kỳ mới, hội nhập quốc tế”. Một trong những mục đích chính của việc thông qua dự thảo Luật TNTG là nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người, đưa TNTG ở Việt Nam phù hợp với Công ước quốc tế và thực tiễn đất nước. Những ai cho rằng dự án Luật TNTG mà Quốc hội Việt Nam vừa thông qua “không nhằm phục vụ nhân quyền...” là một sự xuyên tạc trắng trợn, không thể chấp nhận được./.
Kim Lân (Báo QĐND)