Thứ Tư, 27/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 4/8/2011 20:41'(GMT+7)

Thông tin và định vị vì sự phát triển kinh tế biển Việt Nam

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà chế tạo và các chuyên gia hoạch định chính sách, quản lý - phát triển công nghệ điện tử - truyền thông trên biển.

ATC 2011 do Khoa Điện tử Viễn thông, Chương trình tiên tiến - Trung tâm xuất sắc và các đơn vị trực thuộc Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng phối hợp cùng Hiệp Hội Truyền thông IEEE (IEEE Communication Society), Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV) tổ chức. ATC 2011 quy tụ khoảng 200 đại biểu trong và ngoài nước tham dự trao đổi về các vấn đề công nghệ tiên tiến trên thế giới và khu vực. Hầu hết các đề tài này đã được IEEE xếp hạng vào các hội nghị hàng đầu (portfolio event).

Đánh giá ứng dụng hội tụ trong công nghệ thông tin và truyền thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế biển nói riêng, Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ, Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam nhìn nhận: chúng ta đã có những điển hình về vận sáng tạo xu thế hội tụ công nghệ, thúc đẩy sự phát triển. Một trong những điển hình đó là thành công của Viettel trong sản xuất thiết bị Seaphone 6810, kết hợp điện thoại di động (GMS), đầu thu định vị toàn cầu (GPS) và máy thu thanh AM/FM dùng cho các tàu đánh cá xa bờ. Thiết bị này cho phép tàu đánh cá xa bờ liên lạc thoại với đất liền, với tàu tuần tra của Hải quân cũng như giữa các tàu với nhau. Trong tương lai rất gần, Viettel Technologies sẽ phát triển một hệ phần mềm đặc biệt cho Seaphone 6810, làm cho thiết bị này này có thể hỗ trợ công tác giám sát, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Cơ chế đa truy nhập của hệ thống (TDMA) có thể đồng bộ từ trạm trung tâm hoặc dựa vào thời gian của đồng hồ vệ tinh thu nhận qua tín hiệu GPS để xác định khe truyền. Đối tượng mà hệ thống mang đến ứng dụng là các tàu thuyền, tàu cá trên biển, nơi mà các hệ thống quản lý giám sát theo các ứng dụng từ công nghệ khác chưa thể thực hiện được. Ngoài ra hệ thống có thể được mở rộng thông qua xây dựng mô hình adhoc giữa các tàu thuyền trên biển với mục tiêu mở rộng tầm phủ sóng (ra ngoài tầm phủ sóng của trạm trung tâm); tích hợp thêm nhiều chức năng...

Theo kỹ sư Phan Ngọc Quang (Công Ty TNHH 1 thành viên Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam-VISHIPEL - thuộc Cục Hàng hải Việt Nam), để quản lý luồng lạch dẫn vào các cảng biển, cần thiết phải đầu tư xây dựng hệ thống quản lý hiện đại. Một hệ thống quản lý giao thông hàng hải (gọi tắt là hệ thống VTS) ứng dụng công nghệ hiện đại để quản lý và đảm bảo an toàn hàng hải trên tuyến luồng hàng hải nếu sớm đưa vào khai thác sẽ có ý nghĩa rất thiết thực tại Việt Nam. Với VTS, thông qua hệ thống nhận dạng AIS có thể theo dõi sự di chuyển của phương tiện vận tải thủy, hỗ trợ đắc lực cho công tác điều hành và quản lý hàng hải, góp phần giảm thiểu tai nạn, hạn chế ách tắc luồng tàu, bảo vệ tốt môi trường.

Phát triển cảng biển hiện là ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế của nước ta. Hiện ở nước ta, có khoảng 49 cảng lớn nhỏ, tương ứng với khoảng 266 cầu cảng trải đều khắp đất nước. Trên cơ sở quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2030, hệ thống VTS sẽ dự kiến được triển khai tại các cảng tổng hợp quốc gia - trung chuyển quốc tế, cửa ngõ quốc tế, sau đó tiếp tục triển khai tại các cảng đầu mối - cảng khu vực, hình thành một mạng lưới VTS thống nhất đồng bộ trên cả nước. Trong nhiều tiện ích và hiệu quả của hệ thống VTS, đáng chú ý là VTS sẽ tham gia đắc lực vào bảo vệ an ninh trên luồng và các vùng nước cảng biển lân cận, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là hỗ trợ giám sát quản lý hoạt động hàng hải, theo dõi vị trí tàu, hướng di chuyển, tốc độ.

Liên quan đến vấn đề “Phát triển kinh tế biển đối với Việt Nam”, Tiến sỹ Vũ Như Vân, Đại học Thái Nguyên, một lần nữa khẳng định, Việt Nam nhất định phải mạnh lên về kinh tế biển bằng việc xây dựng một nền kinh tế biển thông minh, giữ vững độc lập, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ - lãnh hải, góp phần xứng đáng vào mục tiêu xây dựng khu vực ASEAN hòa bình và thịnh vượng. Biển Đông là tài sản tự nhiên ban tặng chung cho khu vực Đông Nam Á; các dân tộc nơi đây đều có quyền và lợi ích chia sẻ công bằng, cũng như trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, các nguồn lợi biển quý giá đó. Giải pháp tối ưu cho sự công bằng và khách quan nhất là cách tiếp cận cân bằng lợi ích biển Đông bao gồm Lợi ích cộng đồng - Lợi ích quốc gia - Lợi ích chiến lược, cả về Địa-Kinh tế và Địa-Chính trị.

Nhóm các tác giả Vũ Trọng Thu, Phạm Quang Hưng, Nguyễn Hoàng Giang và Hugo Nguyễn (Phòng nghiên cứu không gian Fspace, Viện Nghiên cứu công nghệ FPT-Đại học FPT) cho biết, đang phối hợp cùng Trung tâm công nghệ vũ trụ Angstrom-ĐH Uppsala,Thụy Điển, tiến hành dự án chế tạo vệ tinh siêu nhỏ F-1 (10x10x10cm/1kg). Theo kế hoạch, F-1 được phóng bằng tên lửa gọn nhẹ chuyên dụng (và phóng trực tiếp bằng máy bay) vào cuối năm nay mang theo máy ảnh độ phân giải thấp và các cảm biến nhiệt độ, từ trường. Mục tiêu sứ mạng của F-1 là học tập, làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh siêu nhỏ. Nhóm các giả cho rằng đây là giải pháp khả thi, tiết kiệm được về mặt thời gian nghiên cứu, chế tạo; kinh phí đầu tư; giảm bớt sự lệ thuộc vào các điều kiện khác nhưng vẫn đáp ứng các yêu cầu, nhất là trong viễn thám địa chất, giám sát lãnh hải.

Cũng trong khuôn khổ ATC 2011, ngày 4/8 tại Trung tâm học liệu Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng diễn ra Hội thảo quốc tế về cơ sở hạ tầng cho Công nghệ và Hội thảo quốc tế về Cơ sở hạ tầng cho Công nghệ thông tin (Global Information Infrastructure Symposium - GIIS 2011)./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất