Thứ Ba, 1/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 17/8/2015 9:41'(GMT+7)

Thủ đô Hà Nội: Truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển

Phát triển theo hướng bền vững, trở thành đô thị văn minh, hiện đại là mục tiêu công cuộc xây dựng Thủ đô hướng đến. Ảnh: Xuân Chính

Phát triển theo hướng bền vững, trở thành đô thị văn minh, hiện đại là mục tiêu công cuộc xây dựng Thủ đô hướng đến. Ảnh: Xuân Chính

Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2015) và Quốc khánh 2-9. Với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ, nguyên cán bộ lãnh đạo, quản lý... hội thảo là dịp để thành phố tiếp tục tiếp thu những ý kiến có giá trị nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, xác định những vấn đề quan trọng định hướng phát triển cho tương lai.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết: Hội thảo khoa học "Thủ đô Hà Nội: Truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển" là một trong nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2015) và Quốc khách 2-9 do TP Hà Nội tổ chức. Công việc chuẩn bị cho hội thảo được triển khai từ nhiều tháng nay. Cơ quan thường trực tổ chức hội thảo là Ban Tuyên giáo Thành ủy đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của các cơ quan nghiên cứu khoa học, nhà khoa học, chuyên gia trên các lĩnh vực, các đồng chí lãnh đạo đương chức, nguyên lãnh đạo trung ương và thành phố… Trên tinh thần thẳng thắn, khách quan, xây dựng, hội thảo sẽ tác động tích cực, góp phần giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, đặc biệt là bồi đắp lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hội thảo khoa học "Thủ đô Hà Nội: Truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển" đúng như tên gọi sẽ tập trung làm sáng tỏ các giá trị cốt lõi của lịch sử Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là 70 năm xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội (1945-2015). Hội thảo sẽ xác định các nguồn lực phát triển Thủ đô, đồng thời trả lời câu hỏi: Các nguồn lực đó được khai thác và sử dụng như thế nào trong công cuộc xây dựng Thủ đô hiện nay và cần điều chỉnh như thế nào... Từ đó, góp phần làm rõ hơn những thế mạnh, tiềm năng phát triển và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy những giá trị của Thăng Long - Hà Nội, hướng tới xây dựng chiến lược phát triển bền vững Thủ đô trong bối cảnh một thế giới đang đổi thay nhanh chóng, cũng như trong yêu cầu phải tăng tốc và về đích sớm của Hà Nội những năm cuối thập niên thứ hai của thế kỷ này. Đặc biệt, hội thảo sẽ phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học và làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thành phố trong 70 năm (1945-2015) trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là vấn đề phát triển đô thị Hà Nội, làm căn cứ cho những đổi mới mạnh mẽ hơn trong nhiệm kỳ mới.

Cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội, lãnh đạo các cơ quan thành phố, tham gia hội thảo còn có Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Sử học Việt Nam cùng những nhà khoa học danh tiếng, chuyên gia một số hội chuyên ngành liên quan đến quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, quản lý đô thị, môi trường... Đó là GS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển; GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia; PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân; TS Nguyễn Hữu Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội; TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Kiến trúc sư Hà Nội…

Trong tham luận "Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội: Tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm", GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã viết: "Chúng tôi muốn chỉ ra một nguồn sức mạnh, một nguồn lực đặc biệt đã được khơi dậy và thăng hoa, góp phần tạo nên sức mạnh và nét đặc sắc của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội: Nguồn lực văn hóa và sức mạnh của các giá trị văn minh - văn hiến Hà Nội". Đó chỉ là một lát cắt trong số rất nhiều tham luận đặc sắc tại hội thảo. Mỗi nhà khoa học sẽ mang đến không chỉ chiều sâu trí tuệ, những giá trị kết tinh từ công sức lao động khoa học nghiêm túc, trách nhiệm mà còn mang đến một tình yêu dành cho Thủ đô Hà Nội. Mỗi tham luận đều ẩn chứa đằng sau đó những suy tư, trăn trở, mong muốn đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô thân yêu của chúng ta. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, những tham luận gửi về Ban tổ chức là những ý kiến hết sức xác đáng, có giá trị, nhiều ý tưởng mới mẻ, sáng tạo; là nguồn tri thức tham khảo cần thiết đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai.

Theo Hà Nội Mới

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất