Một trong những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 36-NQ/TƯ và các văn bản của Đảng, Chính phủ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN) là triển khai, nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con về sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh ở trong nước và thu hút, trọng dụng nguồn lực NVNƠNN.
Đó cũng là một trong những nhiệm vụ mà Đảng ta đã đề ra tại Đại hội XII: “Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực sáng tạo của nhân dân”, trong đó có thu hút, phát huy nguồn lực đầu tư, thương mại, chất xám, đặc biệt là từ trí thức, doanh nhân, kiều bào trẻ phục vụ mục tiêu phát triển đất nước…
Chỉ thị số 45/CT-TƯ ngày 19-5-2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 5-4-2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNƠNN trong tình hình mới giai đoạn 2016-2020 khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam ở nước ngoài đều được khuyến khích, tạo điều kiện trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.
Thực hiện chủ trương trên, những năm qua, công tác về NVNƠNN đạt nhiều kết quả quan trọng, nguồn lực kiều bào được thu hút mạnh mẽ phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Theo Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm có khoảng 300-500 lượt trí thức kiều bào về nước đóng góp chuyên môn, tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu và triển khai các dự án khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo với các cơ quan trong nước, tập trung trong các lĩnh vực khoa học nghiên cứu cơ bản, như: Toán, công nghệ hạt nhân, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, kinh tế tài chính, y tế, giáo dục-đào tạo.
Thông qua các hội nghị do Bộ Ngoại giao phối hợp với các địa phương tổ chức, một mạng lưới kết nối giữa kiều bào với địa phương được hình thành, trở thành cơ sở để bà con kiều bào phát huy trí tuệ và đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng trong các vấn đề phát triển của đất nước. Nhiều cá nhân, nhóm chuyên gia, trí thức đã chủ động hiến kế, đưa ra các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng… giúp địa phương phát triển bền vững. Điển hình như Hội nghị NVNƠNN lần thứ 3 do Bộ Ngoại giao tổ chức tại TP Hồ Chí Minh năm 2016 đã tạo dựng kênh kết nối giữa kiều bào với lãnh đạo của thành phố, giúp thành phố giải quyết các vấn đề, từ cụ thể như ùn tắc giao thông, ô nhiễm nguồn nước… tới vĩ mô như xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh… Đặc biệt, sau hội nghị, các mạng lưới chuyên gia, trí thức Việt kiều, như: Nhóm Sáng kiến Việt Nam (kiều bào Mỹ), nhóm Chuyên gia và khoa học toàn cầu (AVSE)… đã được Chính phủ mời về nước tham vấn, cho ý kiến về “Xây dựng chính phủ thông minh”, “Tạo lập hệ thống chấm điểm hành chính quốc gia”... Ngày 28-7-2017, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ được thành lập, trong đó có 4/14 thành viên là chuyên gia, trí thức kiều bào.
Không dừng lại ở phạm vi trong nước, tháng 12-2017, Bộ Ngoại giao, UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh đồng chủ trì, phối hợp với Nhóm Sáng kiến Việt Nam và Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức “Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam” tại thành phố San Francisco. Mục đích chính của diễn đàn là kết nối các cá nhân có tinh thần khởi nghiệp (startup) người Việt tại Hoa Kỳ và tại Việt Nam cũng như với các doanh nghiệp lớn, các quỹ đầu tư.
Bên cạnh đó, các mạng lưới NVNƠNN cũng dần khẳng định vai trò trong thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, như: Liên hiệp Hội người Việt Nam toàn châu Âu, Hiệp hội doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài (viết tắt là BAOOV), mạng lưới kiều bào trẻ… Đồng thời, những mạng lưới này hỗ trợ tích cực các doanh nhân kiều bào khi về nước đầu tư cũng như các doanh nhân trong nước muốn đầu tư ra nước ngoài.
BAOOV cho biết, nhờ sửa đổi các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (năm 2014) và ban hành Nghị định số 82/2015/NĐ-CP về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam (năm 2015), NVNƠNN tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đầu tư, thương mại. Năm 2018, trên cả nước có gần 3.000 doanh nghiệp của kiều bào với tổng số vốn đăng ký đạt gần 4 tỷ USD, trong đó nhiều kiều bào đã trở lại quê hương làm việc, kinh doanh, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ… Các dự án đầu tư của bà con kiều bào tập trung vào những lĩnh vực chế biến, chế tạo, thương mại, du lịch, xây dựng, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến, công nghệ phần mềm… góp phần tạo việc làm, đào tạo nghề và phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương. Bên cạnh việc về nước triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh, kiều bào, đặc biệt là doanh nhân cũng là cầu nối tự nhiên giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều doanh nhân người Việt ở nước ngoài đã và đang đưa hàng Việt ra thị trường nước ngoài, trước hết là để phục vụ nhu cầu của bà con, sau là giúp các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường sở tại.
Tại hội nghị kết nối kiều bào với địa phương diễn ra ở tỉnh Nghệ An cuối tháng 12-2018, nhiều kiều bào cũng hiến kế giúp các địa phương thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu hàng hóa ra thế giới. Là một thành viên chủ chốt trong Hội doanh nhân Việt Nam tại Sydney (Australia), kiều bào Trần Đăng Huệ cho biết có nhiều người Việt đã và đang làm việc tại các công ty, tập đoàn lớn cũng như tại các cơ quan của Chính phủ Australia. Họ chính là những cầu nối tích cực trong thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Australia. Ông Trần Đăng Huệ đề xuất, Chính phủ Việt Nam cần có cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu đãi, tạo điều kiện cho hợp tác thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp Australia và doanh nghiệp kiều bào. “Các tỉnh cần thường xuyên tổ chức những buổi gặp gỡ giới thiệu về tiềm năng của địa phương. Khi tiếp cận thị trường Australia, các doanh nghiệp, địa phương cần cập nhật các chính sách, thông tin thị trường Australia thông qua các kênh liên lạc để nắm bắt nhanh các luật lệ, thay đổi của thị trường Australia. Các hoạt động kết nối nên thông qua những người Việt hoặc người Australia có nhiều kinh nghiệm làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp của Australia vì sự khác biệt về văn hóa, luật pháp, cũng như cách thức triển khai công việc rất lớn giữa hai nước”, ông Trần Đăng Huệ chia sẻ. Bà Đinh Kim Nguyệt, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Vancouver, Canada, lại đề xuất giải pháp thu hút du khách từ du lịch văn hóa truyền thống và nguồn khách từ du thuyền quốc tế. Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn, bà Đinh Kim Nguyệt đề xuất các điểm lớn cần được chú ý khai thác ngay, như: Bên cạnh phong trào phát triển nông thôn mới hiện nay, Việt Nam cần xây dựng những làng du lịch văn hóa mà người làm du lịch phải chính là dân làng…
Có thể nói, những đề xuất, đóng góp tâm huyết của kiều bào đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương nói riêng và quê hương Việt Nam nói chung cũng như hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.
LINH OANH/QĐND.VN