Phát biểu trên trang mạng cá nhân Facebook, ông al-Khatib tuyên
bố: "Tôi sẵn sàng tiến hành các cuộc thảo luận trực tiếp với các đại diện của
chính quyền Syria tại Cairo, Tunisia hay Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ." Các điều kiện mà
ông đưa ra bao gồm trả tự do cho 160.000 tù nhân và cấp lại thị thực cho các
công dân Syria lưu vong.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết rằng tuyên bố trên
chỉ là quan điểm cá nhân của ông, và SNC sẽ nhóm họp trong ngày 31/1 để thảo
luận về việc này. Hội đồng Dân tộc Syria - một thành viên quan trọng của SNC -
đã lập tức bác bỏ đề nghị đối thoại.
Tổng thống Assad hồi đầu tháng Một
vừa qua đã đề xuất một cuộc đối thoại dân tộc nhằm chấm dứt khủng hoảng tại
Syria, nhưng ông nhấn mạnh rằng đề xuất này chỉ áp dụng với các nhóm không có
liên quan tới cuộc nổi dậy vũ trang, hàm ý loại trừ SNC.
Trong khi đó,
các nhóm đối lập chính ở Syria nói sẽ chỉ chuẩn bị ngồi vào bàn đối thoại khi
ông Assad từ chức.
Động thái bất ngờ của ông al-Khatib diễn ra sau khi
Đặc phái viên của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) phụ trách vấn đề Syria
Lakhdar Brahimi cho biết chiến tranh đã "lên tới mức kinh hoàng chưa từng thấy"
và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cảnh báo về một tình hình "thảm họa"
tại Syria.
Cùng ngày, SNC cáo buộc các lực lượng của ông Assad đứng đằng
sau vụ sát hại ít nhất 78 người, hầu hết là thanh niên, ở bên bờ một con sông ở
thành phố Aleppo.
Trong khi đó, chính quyền Syria cáo buộc nhóm Hồi giáo
Mặt trận Al-Nusra tiến hành vụ thảm sát kinh hoàng này.
Phản ứng về việc
này, Bộ Ngoại giao Nga ngày 30/1 cho biết Mátxcơva rất sốc khi biết thêm một vụ
thảm sát lại xảy ra ở Syria, đồng thời đề nghị điều tra triệt để nhằm tìm ra thủ
phạm. Nga cũng một lần nữa kêu gọi tất cả các bên ở Syria ngừng bạo lực và bắt
đầu đối thoại.
Trong một diễn biến khác, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết
tại Hội nghị cam kết nhân đạo quốc tế cho Syria ở Kuwait ngày 30/1, các nhà tài
trợ quốc tế đã đưa ra cam kết nhiều hơn mục tiêu 1,5 tỷ USD hỗ trợ cho người dân
Syria, trong đó có 184 triệu USD do các tổ chức phi chính phủ cung cấp, nước chủ
nhà đóng góp 300 triệu USD và các quốc gia vùng Vịnh cũng đưa ra cam kết tương
tự.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Ban Ki-moon đánh giá: "Đây là
khoản tài trợ lớn nhất từng được đưa ra trong một hội nghị cam kết nhân
đạo."
Theo Tổng Thư ký, một nửa số bệnh viện và 1/4 số trường học ở Syria
đã bị phá hủy trong khi các cơ sở hạ tầng quan trọng khác cũng bị hư hại nghiêm
trọng trong gần hai năm xung đột. Ông cho rằng chỉ hỗ trợ nhân đạo cũng sẽ không
giúp giải quyết được cuộc khủng hoảng, mà cần một giải pháp chính
trị.
Trong khi đó, người phụ trách hỗ trợ nhân đạo của Liên hợp quốc, bà
Valerie Amos cho biết hiện 3 triệu người Syria đã phải rời bỏ nhà cửa và ít nhất
2,3 triệu người đang cần sự trợ giúp cơ bản. Theo bà, sẽ cần khoảng 519 triệu
USD để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột này.
Cũng theo
Liên hợp quốc, hơn 60.000 người đã thiệt mạng trong 22 tháng xung đột tại
Syria.
Tình hình tại Syria càng phức tạp hơn khi Israel tiến hành không
kích ở khu vực biên giới giữa Syria và Lebanon vào đêm 29/1.
Trong phản
ứng của mình, hãng thông tấn SANA của Syria dẫn một thông cáo của quân đội nước
này cáo buộc Israel đã tấn công một trung tâm nghiên cứu quân sự tại Jamraya,
gần thủ đô Damacus.
Tuyên bố khẳng định máy bay của Israel đã "vi phạm
không phận Syria và tấn công trực tiếp vào một trung tâm nghiên cứu khoa học có
nghiệm vụ tăng khả năng kháng cự và tự vệ của Syria." Quân đội cũng bác bỏ những
thông tin cho rằng máy bay Israel đã tấn công một xe chở vũ khí từ Syria ở gần
biên giới với Lebanon.
Israel vốn lo ngại rằng Damacus đang sở hữu vũ khí
hóa học và các vũ khí này có thể rơi vào tay của phong trào Hồi giáo Hezbollah ở
Lebanon, hoặc các nhóm vũ trang khác./.
Theo TTXVN