Kiểm tra tại Âu thuyền Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà), đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, thành phố Đà Nẵng cần nắm bắt tình hình thời tiết sớm để có giải pháp kịp thời phòng tránh thiệt hại, đảm bảo an toàn cho ngư dân.
Thành phố cần khẩn trương triển khai Công điện số 15/CĐ-QG, theo dõi sát sao diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão trong vài ngày tới, thông báo cho tất cả các chủ tàu, thuyền trưởng phải nắm rõ đường đi, vùng nguy hiểm của đợt áp thấp này và có hướng di chuyển hợp lý và tốt nhất là di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tuỳ tình huống cụ thể, các tỉnh có thể tiến hành lệnh cấm biển, đặc biệt phối hợp với lực lượng biên phòng để kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra khơi.
"Chúng tôi khuyến cáo với các địa phương trong khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa khẩn trương có các phương án để ứng phó. Ngoài việc quản lý chặt chẽ tàu thuyền của ngư dân, thì đề nghị bà con ngư dân dừng việc đánh bắt ở khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của chính mình, không nên đi vào. Chúng ta đang chứng kiến một đợt mưa lũ lớn ở miền trung, tuy nhiên đợt mưa lũ này chưa lớn bằng đợt mưa lũ lịch sử vào tháng 10 năm ngoái, nhưng đây cũng là một trong những cảnh báo cho đô thị Đà Nẵng và miền Trung. Rõ ràng với lượng mưa đồng loạt rất lớn trong một thời gian ngắn, cơ bản các đô thị ven biển của chúng ta đã bị ngập lụt.", Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khuyến cáo.
Theo Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng Hồ Sỹ Hậu, âu thuyền Thọ Quang hiện có khoảng 1.000 tàu, trong đó tàu ngoại tỉnh chiếm 1/3. Hiện nay, thời tiết chưa đến mức nguy hiểm, các tàu chưa vào tránh trú nhiều. Nếu thời tiết xấu, Bộ đội Biên phòng thành phố sẽ liên lạc với các tàu xa bờ để hướng dẫn tránh vùng nguy hiểm, tìm nơi trú ẩn. Đồng thời, đơn vị sẽ thực hiện lệnh cấm biển đảm bảo không có tàu ra khơi.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi các bản tin thời tiết, chú ý đề phòng mưa lũ lớn, tiếp tục rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét; sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.
Triển khai phương án sơ tán nhân dân theo phương án đã được phê duyệt, nhất là tại các khu vực trọng điểm, xung yếu, thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt lở đất.
Quản lý chặt chẽ, ngăn chặn người dân và phương tiện đi lại, du lịch tự phát, đánh bắt thủy sản trên sông, suối, ao, hồ, tại các vùng trũng thấp, ngập lũ, qua ngầm tràn, rừng, núi và các khu vực có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm; quản lý và bảo vệ trẻ em trong những ngày mưa lũ để đảm bảo an toàn...
Các đơn vị lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, các sở, ngành tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các cơ quan, đơn vị tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, ngập lụt, chủ động có giải pháp đảm bảo an toàn. Để đảm bảo an toàn, học sinh tiếp tục được nghỉ học trên toàn thành phố./.
Trọng Đạt